ICO: Chỉ số giá cà phê toàn cầu tăng tháng thứ 8 liên tiếp
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê thế giới trong tháng 6/2021 tiếp tục tăng tháng thứ tám liên tiếp nhờ được hỗ trợ bởi nguồn cung giảm từ một số quốc gia cùng với sự gián đoạn của hoạt động thương mại cà phê. Đồng thời, các hoạt động đầu cơ, mua ròng tăng cũng góp phần hỗ trợ xu hướng giá đi lên.
Cụ thể, chỉ số giá cà phê tổng hợp của ICO đạt trung bình 141,03 US cent/lb trong tháng 6/2021, tăng 4,6% so với tháng 5 và tăng 33,2% so với đầu niên vụ hiện tại (tháng 10/2020). Đây cũng là mức giá trung bình hàng tháng cao nhất kể từ sau mức 145,82 US Cent/lb ghi nhận được vào tháng 11/2016.
Chỉ số giá cà phê trung bình hàng tháng của ICO
Nguồn: ICO
Hầu hết các nhóm cà phê được theo dõi bởi ICO đều ghi nhận đà tăng giá trong tháng 6 và chạm mức cao nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, chỉ số giá cà phê arabica Colombia đạt 206,53 US cent/lb, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 40,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, đây là mức giá trung bình hàng tháng cao nhất của cà phê arabica Colombia kể từ tháng 10/2014.
Giá của nhóm cà phê arabica khác cũng tăng 3,2% so với tháng trước lên 192,45 US cent/lb, mức trung bình hàng tháng cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Tương tự, giá cà phê arabica tự nhiên của Brazil tăng 5,2% lên 148,12 US cent/lb, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2016. Đặc biệt, mức giá hiện tại cao hơn tới 60% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, giá của nhóm cà phê robusta cũng tăng 6,5% so với tháng 5 lên mức trung bình hàng tháng cao nhất kể từ tháng 10/2018 với 84,85 US cent/lb.
Đà tăng giá cà phê cũng được ghi nhận trên thị trường kỳ hạn với giá cà phê arabica trong tháng 6/2021 trên sàn New York tăng 2,6% lên 156,43 US cent/lb, cao nhất kể từ tháng 11/2016.
Trên thị trường kỳ hạn London, giá trung bình cà phê robusta tăng 5,8% so với tháng trước lên 73,16 US cent/lb, mức cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Chỉ số giá của các nhóm cà phê được theo dõi bởi ICO
Nguồn: ICO
Sản lượng cà phê tăng chậm hơn so với nhu cầu tiêu dùng
Theo ước tính của ICO, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 đạt 169,50 triệu bao (loại 60kg/bao), tăng 0,3% so với niên vụ 2019-2020. Trong đó, sản lượng cà phê arabica tăng 2,2% lên 99,1 triệu bao, trong khi sản lượng cà phê robusta giảm 2,1% xuống 70,4 triệu bao.
Xét theo khu vực, sản lượng cà phê tại châu Phi dự kiến không thay đổi ở mức 18,68. Sản lượng tại châu Á và châu Đại Dương dự kiến giảm 1,1% xuống còn 48,93 triệu bao.
Sản lượng cà phê tại Mexico và Trung Mỹ dự kiến cũng sẽ giảm 2,6% so với niên vụ trước xuống còn 19,01 triệu bao.
Sản lượng ở khu vực Nam Mỹ tăng 2% lên mức 82,8 triệu bao trong niên vụ 2020-2021. Tuy nhiên, sản lượng của Brazil trong niên vụ tiếp theo 2021-2022, vốn đã bắt đầu dự kiến sẽ giảm đáng kể bởi chu kỳ sản lượng thấp của cà phê arabica và ảnh hưởng bởi lượng mưa dưới mức trung bình.
Trong khi đó, tiêu thụ cà phê thế giới trong niên vụ 2020-2021 dự kiến đạt 167,2 triệu bao, tăng 1,9% so với niên vụ 2019-2020, nhưng vẫn thấp hơn 0,8% so với mức 168,5 triệu bao so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Với việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 và triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, tiêu dùng cà phê thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tiêu thụ ở các nước nhập khẩu được dự kiến tăng 2,3% lên 116,7 triệu bao; trong khi tiêu thụ nội địa ở các nước xuất khẩu cà phê tăng 1% lên 50,5 triệu bao.
Cán cân cung - cầu cà phê dự kiến sẽ thắt chặt do nguồn cung được dự báo chỉ cao hơn 1,4% so với nhu cầu tiêu thụ trong niên vụ 2020-2021, con số này thấp hơn mức dư cung 3,2% trong niên vụ 2019-2020.
Tuy nhiên, trong niên vụ cà phê 2021-2022, cán cân cung - cầu cà phê dự kiến sẽ đảo ngược do sản lượng sẽ gần như không đáp ứng được nhu cầu của thế giới do sự sụt giảm sản lượng dự kiến tại nhiều nước xuất khẩu.
Cung cầu cà phê thế giới niên vụ 2016-2017 đến 2020-2021 (60 kg/bao)
Nguồn: ICO
Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng nhẹ trong 8 tháng đầu niên vụ 2020-2021
Cũng theo số liệu của ICO, tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5/2021 đạt 9,8 triệu bao loại 60 kg, giảm 10,1% so với 10,9 triệu bao so với tháng 5/2020 và giảm 21,5% so với tháng 5/2019 – thời điểm trước đại dịch.
Tình trạng thiếu container cho các chuyến hàng tiếp tục là yếu tố chính hạn chế các hoạt động thương mại cà phê.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan tăng 20,1% và 9,7%.
Sự sụt giảm trong xuất khẩu cà phê nhân chủ yếu đến từ Colombia với các lô hàng xuất khẩu của nước này trong tháng 5/2021 thấp hơn 55,2% so cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê xanh khác và robusta cũng giảm lần lượt 3,9% và 6,5%.
Tình hình bất ổn chính trị tại Colombia đã cản trở các hoạt động xuất khẩu cà phê khiến lượng hàng giảm so với bình thường.
Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu niên vụ 2020-2021, xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn tăng 2,2% so với cùng kỳ niên vụ 2019-2020 lên 87,3 triệu bao.
Nam Mỹ, khu vực xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới và cũng là khu vực duy nhất ghi nhận đà tăng trường xuất khẩu trong 8 tháng đầu niên vụ 2020-2021, với mức tăng 12,3% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 42,11 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê giảm ở hầu hết các khu vực khác với châu Phi giảm 3,2% xuống 8,68 triệu bao; khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 6,0% xuống 26,06 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê từ Mexico và Trung Mỹ giảm 6,5% xuống 10,43 triệu bao so với 11,16 triệu bao của cùng kỳ trong niên vụ cà phê 2019-2020.
Về thị trường cung cấp, Brazil vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong 8 tháng đầu niên vụ 2020-2021, đạt 31,3 triệu bao, tăng 16,6% so với cùng kỳ niên vụ 2019-2020.
Đứng thứ hai là Việt Nam với khối lượng xuất khẩu 16,9 triệu bao trong 8 tháng đầu niên vụ 2020-2021, giảm 12,7% so với cùng kỳ niên vụ trước và chiếm 13,3% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu.
Colombia đứng thứ 3 với 8,6 triệu bao, tăng 2,1% so với 8 tháng đầu niên vụ 2019-2020.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021
Nguồn: ICO