Giá cà phê trong nước và thế giới đồng loạt tăng nhẹ
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 219 triệu USD, giảm 15,5% về lượng và giảm 10% về trị giá so với tháng 5. So với tháng 6/2020, xuất khẩu cà phê giảm gần 14% về lượng, không biến động về giá trị.
Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê ước đạt 825 nghìn tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, giảm 12% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 6, giá xuất khẩu trung bình cà phê ước đạt 1.991 USD/tấn, tăng 6,5% so với tháng 5 và tăng gần 17% so với tháng 6/2020.
Tính chung 6 tháng đầu năm, giá xuất khẩu trung bình cà phê ước đạt 1.839 USD/tấn, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, giá cà phê robusta thế giới tăng lên mức cao do nguồn cung cà phê robusta từ Việt Nam giảm mạnh do thiếu hụt container rỗng và giá cước vận tải biển tăng cao.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/6, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 7, 9, 11 tăng lần lượt 7%; 5% và 4,5% so với ngày 30/5, lên mức 1.699 USD/tấn, 1.679 USD/ tấn và 1.693 USD/tấn.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt của Việt Nam và Brazil giảm.
Giá cà phê thế giới tăng tác động tích cực đến giá cà phê trong nước. Ngày 28/6, giá cà phê robusta tăng từ 3% - 4% so với ngày 29/5.
Mức tăng cao nhất là 4% tại huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng, mức tăng thấp nhất 3% tại Pleiku tỉnh Gia Lai, giá dao động từ 34.700 – 35.900 đồng/kg.
Tại cảng khu vực TP HCM, cà phê robusta loại r1 tăng 3% so với ngày 29/5, lên 37.100 đồng/kg.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê robusta tháng 5 đạt gần 112 nghìn tấn, trị giá 178 triệu USD, tăng 2% về lượng và tăng 12,5% về trị giá so với tháng 5/2020.
Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê robusta đạt 619 nghìn tấn, trị giá 969 triệu USD, giảm 11% về lượng và giảm 6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cà phê robusta sang hầu hết các thị trường chính giảm, nhưng xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia tăng.