|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

HSBC: TPP bị phản đối, Việt Nam cần tiếp tục cải cách kinh tế

12:49 | 01/12/2016
Chia sẻ
Nếu đi đúng lộ trình cải cách sẽ tăng cường các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Đổi lại, nền kinh tế sẽ không dễ bị ảnh hưởng trước những cú sốc bên ngoài.
hsbc viet nam quan tam my nhung dung quen trung quoc
Xuất khẩu tại cảng. Ảnh: Hà Nội Mới.

Đó là nhận định trong nghiên cứu mới nhất về triển vọng thị trường Việt Nam do ngân hàng HSBC vừa công bố sáng 1/12.

Lạc quan nhưng cần cẩn trọng về thương mại

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại trong khu vực và thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Trung Quốc rất lớn.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay, Tổng thống mới đắc của Mỹ, Donald Trump phản đối TPP và đang gia tăng nguy cơ hiện diện chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Lập trường này của Mỹ có khả năng sẽ làm tổn thương hoạt động xuất khẩu và đầu tư ở Việt Nam – nơi mà Mỹ chiếm khoảng 1/5 doanh thu xuất khẩu.

HSBC phân tích, Mỹ giảm nhập khẩu, Việt Nam bị ảnh hưởng là chắc chắn. Nhưng chưa hết, Trung Quốc cũng có thể cảm thấy gánh nặng từ chính lập trường này của Mỹ. Khi đó, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu Việt Nam cũng sẽ giảm nhiều, đặc biệt là đối với các thành phần được sử dụng để tái xuất từ Trung Quốc đến Mỹ.

Ngoài ra, các tác động gián tiếp của chính sách thương mại hạn chế của Mỹ do đó cũng tạo một lực cản đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Với những điều kiện như vậy, HSBC khuyến cáo Việt Nam hiện tại vẫn nên đi theo cam kết thực hiện cải cách cấu trúc. Đặc biệt là ba mục tiêu cải cách 2016-2020, liên quan đến đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tài chính đã được Quốc hội thông qua.

Ngân hàng này cho rằng, nếu đi đúng lộ trình cải cách sẽ tăng cường các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Đổi lại, nền kinh tế sẽ không dễ bị ảnh hưởng trước những cú sốc bên ngoài.

Cơ hội khác ngoài TPP

TPP tất nhiên là hiệp định thương mại mang lại nhiều lợi ích nhất cho Việt Nam từ hấp dẫn tiếp cận thị trường Mỹ cho tới thúc đẩy hoạt động cải cách trong nước. Nhưng trong trường hợp xấu nhất của TPP, Việt Nam vẫn còn những cơ hội khác.

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều triển vọng. HSBC cho rằng, chi phí gia tăng khiến Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với nhiều doanh nghiệp, và Việt Nam trở thành một đối thủ đáng gờm. Chưa kể, Việt Nam sở hữu lực lượng lượng lao động trẻ, với mức lương thấp và kỹ năng tay nghề ngày càng cao. Trong khi đó, Trung Quốc đang chịu áp lực chi phí lương tăng vọt ở đại lục.

Việt Nam còn là thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - cộng đồng được HSBC đánh giá là bàn đạp giúp các nước phát triển. AEC có thể thúc đẩy nền kinh tế khu vực tăng 7,1% từ nay đến năm 2025 và tạo thêm 14 triệu công ăn việc làm.

Ngoài ra còn có hiệp định RCEP. HSBC cho rằng, mặc dù có những hạn chế nhưng Hiệp định RCEP sẽ giúp thúc đẩy khối lượng giao dịch thương mại toàn châu Á tăng lên và khuyến khích đầu tư vào các chuỗi cung ứng mới.

Việt Nam đã ký 12 FTA và cam kết tăng cường hội nhập kinh tế theo các chương trình đã tham gia. "Hiệp định TPP có thể không được thực hiện sẽ là một sự mất mát, nhưng đó chính là điều mà Việt Nam cần phải vượt qua dựa trên vị thế cạnh tranh ấn tượng của mình", HSBC bày tỏ.

Thái Hoàng