Hơn nửa Gen Z Trung Quốc đầu tư vì FOMO, thường tham gia thị trường tài chính trước năm 21 tuổi
Theo một nghiên cứu gần đây của Viện CFA (CFA Institute), hơn một nửa Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn 1997 – 2012) của Trung Quốc đang đầu tư vì “hội chứng sợ bỏ lỡ”, hay còn gọi là FOMO, và có tiền để đi du lịch là mục tiêu tài chính số một của họ, theo SCMP.
Viện CFA đã tiến hành nghiên cứu cùng với tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, Tổ chức Giáo dục Nhà đầu tư (Finra) của Cơ quan Quản lý Ngành Tài chính. Tổ chức phi lợi nhuận đã khảo sát hơn 2.800 nhà đầu tư thuộc ba thế hệ Gen Z, Millennial và Gen X ở Trung Quốc, Mỹ, Vương quốc Anh và Canada.
Paul Andrews, giám đốc điều hành nghiên cứu tại CFA cho biết nghiên cứu cho thấy những người mới tham gia vào thế giới đầu tư đang định hình lại các hoạt động, sản phẩm và nền tảng đầu tư. Andrews cho biết: “Một loạt yếu tố kinh tế vĩ mô và xã hội như lạm phát gia tăng, mức độ phổ biến và khả năng tiếp cận ngày càng tăng của tiền điện tử cũng như “những người có ảnh hưởng” trên mạng xã hội đang có tác động sâu sắc đến cách thức, địa điểm và những gì họ (Gen Z) đầu tư vào”.
Chẳng hạn, gần 2/3 nhà đầu tư Gen Z ở Trung Quốc bắt đầu đầu tư trước 21 tuổi và đầu tư trung bình 120.000 nhân dân tệ (18.000 USD). Mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc có số dư đầu tư trung bình lớn nhất so với các nhà đầu tư cùng thế hệ ở Mỹ, Anh và Canada, nhưng tỷ lệ người trẻ tham gia đầu tư tại Trung Quốc lại thấp hơn ở Mỹ, nơi có khoảng 82% nhà đầu tư cho biết họ bắt đầu đầu tư trước khi bước sang tuổi 21.
FOMO là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với các nhà đầu tư thuộc thế hệ Gen Z tại Trung Quốc trong việc thôi thúc họ tham gia các khoản đầu tư, chiếm tỷ lệ 60%. Tỷ lệ này ở Anh là 43% và ở Mỹ cũng như Canada là 41%.
Shailene Wei, 23 tuổi, một giám đốc phát triển kinh doanh đến từ Thượng Hải, bắt đầu đầu tư cách đây hai năm và dành 60% tiền lương hàng tháng của mình vào các quỹ tương hỗ. “Chuyên ngành đại học của tôi là tài chính và tôi tham gia khóa học đó để tự học cách kiếm tiền từ việc đầu tư”, Wei cho biết. Cô hiện đang đầu tư vào những quỹ “an toàn và không cần phải quan tâm quá nhiều đến việc quản lý hàng ngày”.
Ellen Wang, một nhà phân tích 23 tuổi đến từ Thượng Hải, cho biết đã bắt đầu tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán từ năm 20 tuổi. Cô có nguồn vốn khoảng 30.000 nhân dân tệ để đầu tư, trong đó 10.000 nhân dân tệ đến từ việc cấp vốn của cha mẹ.
Wang cho biết: “Tôi bắt đầu đầu tư trước tiên vì chuyên ngành của tôi là tài chính và tôi đã học các khóa học liên quan ở trường đại học. Lý do thứ hai là vì bố và bạn trai tôi thường giao dịch cổ phiếu, vì vậy, nếu tôi tham gia đầu tư, chúng tôi có thể thảo luận về thông tin nhiều hơn”.
Gerri Walsh, chủ tịch của Finra cho biết: “Dân số Gen Z rất đa dạng và hiểu biết về kỹ thuật số. Họ đang sử dụng công nghệ di động để thâm nhập thị trường tài chính với số lượng chưa từng có và đang tham khảo nhiều nguồn thông tin khi họ đầu tư”.
Hầu hết nhà đầu tư Gen Z của Trung Quốc đang đầu tư vào các quỹ tương hỗ, với 41% vào các sản phẩm quản lý tài sản do các ngân hàng thương mại phát hành và khoảng 1/3 vào thị trường chứng khoán.
Maggie Wu, một sinh viên mới tốt nghiệp 25 tuổi ở Bắc Kinh, có khoản đầu tư 20.000 nhân dân tệ, chủ yếu trên thị trường chứng khoán. Cô bắt đầu đầu tư cách đây ba năm với một số tiền tiết kiệm mà cô không dùng đến. Tiền và lời khuyên đầu tư đều đến từ cha mẹ cô.
Gen Z Trung Quốc đầu tư để có tiền đi du lịch
Nghiên cứu cho thấy mục tiêu tài chính hàng đầu của Gen Z Trung Quốc là có tiền để đi du lịch. Mặt khác, hơn một nửa số nhà đầu tư Gen Z của Canada cho biết mục tiêu tài chính hàng đầu của họ là có thể thanh toán hóa đơn hàng tháng, trong khi 48% nhà đầu tư Gen Z của Vương quốc Anh cho biết mục tiêu tài chính của họ là mua nhà.
Mặc dù tiền điện tử là lựa chọn đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư Gen Z ở Mỹ, Anh và Canada, nhưng điều đó không đúng với Gen Z của Trung Quốc, do môi trường pháp lý nghiêm ngặt của quốc gia này.
Trong khi một số nhà giao dịch tiền điện tử ở Trung Quốc lách luật bằng cách sử dụng VPN, Bắc Kinh đã bắt đầu loại bỏ dần giao dịch tiền điện tử vào năm 2013 và cấm khai thác mã thông báo kỹ thuật số vào tháng 5/2021.
Ông Andrews của Việc CFA cho biết, mặc dù các ứng dụng đầu tư và mạng xã hội đang giúp các nhà đầu tư thuộc Gen Z tiếp cận thông tin tài chính dễ dàng hơn, nhưng họ vẫn phải đối mặt với một số rào cản.