Homestay: Trào lưu hay khoản đầu tư đáng tiền?
Ảnh: Du-lich-da-lat.com
Vốn sinh ra tại Đà Lạt, thích kinh doanh lại sẵn có kinh nghiệm trong thiết kế nội thất, Mai Thị Anh Thy, cô gái 26 tuổi đã quyết định thử sức với mô hình homestay (lưu trú nhà dân) tại quê nhà.
Có trong tay 300 triệu đồng, Mai Thy, cựu nhân viên ngành nội thất, đã tìm một ngôi nhà gần thành phố Đà Lạt với giá thuê 10 triệu đồng. Với mức giá cho thuê từ 250.000 đồng- 400.000 đồng/phòng, cho 4 phòng, Thy quyết định thuê với khoản lời nhẩm tính khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng.
Không như suy nghĩ ban đầu, chi phí đầu tư cho trang thiết bị đã chiếm hết 2/3 vốn, vì thế Mai Thy quyết định không thuê lễ tân, vừa làm chủ, kiêm quản lý và check-in khách hàng tại homestay mang tên “Nhà của Bơ”. Mặc dù homestay mới hoạt động được 4 tháng nhưng tỉ lệ khách lấp đầy 80%. Đến nay, Mai Thy đã thu hồi được một nửa số vốn. “May mắn của Thy là từ khi bắt đầu hoạt động đến nay đều rơi vào ngày lễ, Tết, Noel... nên hầu như không khi nào vắng khách, thỉnh thoảng mới có 1-2 phòng trống”, Thy chia sẻ. Để đạt tỉ lệ lấp đầy cao hơn, Thy gia tăng nhóm khách đi theo đoàn với giá khuyến mãi là 100.000 đồng/ người.
Mô hình homestay được chọn vì giá rẻ hơn khách sạn lại được hưởng không gian sống thoải mái hơn ở khách sạn. Sắp tới, Đà Lạt vào mùa nghỉ hè nên nhu cầu có thể sẽ tăng hơn. Vì vậy, Thy đang có ý định chuyển mô hình 7 phòng sang 11 phòng vừa để đáp ứng nhu cầu gia tăng, vừa tăng khoản lợi nhuận hằng tháng. Nếu tỉ lệ lấp đầy, lợi nhuận có thể tăng gấp đôi. Tuy nhiên, mô hình homestay đang nở rộ tại Đà Lạt nên cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. “Mô hình homestay đang phát triển quá nhiều nên chưa thể nói trước điều gì”, Thy chia sẻ.
Theo anh Ninh, một người làm tour du lịch tại Đà Nẵng, hình thức du lịch này đã xuất hiện từ lâu nhưng chủ yếu tự phát từ các hộ gia đình nằm trong khu vực du lịch phát triển như Sapa, Mộc Châu, Hội An hay Đà Lạt. Mô hình homestay đang được nhiều bạn trẻ đầu tư tại Đà Nẵng. “Kinh doanh homestay không lỗ, nhưng kinh doanh mô hình này cần phải có sự kiên nhẫn cũng như thời gian đầu tư chăm sóc”, chị Nguyễn Thị Thuận, một nhà đầu tư homestay tại Đà Nẵng, chia sẻ. Đó là lý do vì sao homestay của chị phải sang nhượng lại.
Năm 2017, Minh Thuận, một nhân viên PR, đã nhìn thấy tiềm năng khách du lịch nước ngoài ngày càng thích mô hình homestay nên quyết định đầu tư tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng với số vốn 100 triệu đồng. Thuận tìm một căn nhà gần biển nhìn “được được một chút” và sửa sang lại.
Sau một thời gian hoạt động với 6 phòng đều hoạt động gần như hết công suất nhưng homestay của Thuận lại lợi nhuận không nhiều vì phải trả chi phí cho 2 nhân viên. Theo Thuận, nếu mình tự quản lý cộng thêm chi phí thuê nhà 16 triệu đồng/tháng thì lợi nhuận sẽ rất tốt. Tuy nhiên, vì Thuận làm nhiều dự án khác nên không thể tự quản lý thành ra chi phí trả cho 2 nhân viên khiến lợi nhuận mang về không như mong muốn ban đầu.
Đầu tư mô hình homestay khá vất vả, chi phí đầu tư nội thất lại khá nhiều, Thuận chia sẻ. Mặc dù thích kinh doanh homestay nhưng Thuận đã phải sang nhượng lại vì không có thời gian theo sát.
Kinh doanh mô hình homestay không phải dễ nên nhiều bạn trẻ sau một thời gian đầu tư đã sang nhượng hoặc bỏ luôn vì không có hiệu quả như dự tính. Theo một chủ homestay đã hoạt động từ năm 2015 và đang có xu hướng mở rộng liên kết vào năm 2019, thì thu nhập ngành này vào khoảng vài trăm triệu đồng/năm.
Theo anh Vũ Văn Lợi, chủ homestay Lương Lợi ở đảo Cô Tô, Quảng Ninh, mô hình đã giúp gia đình anh có mức thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm. Mức thu nhập này cao hơn nhiều so với mức lương 3 triệu đồng/tháng của anh khi còn làm nhân viên y tế tại một trường mầm non. Homestay Lương Lợi ra đời từ năm 2015 với giá chỉ 50.000 đồng/ngày/người nên Lương Lợi thu hút một lượng khách khá nhiều.
Mô hình này cũng đang nở rộ tại TP.HCM và được nhiều người trẻ đầu tư. Mộng Tuyền, xuất phát điểm là một phóng viên nhưng cũng vừa khai trương một homestay với số vốn 200 triệu đồng. Mộng Tuyền chia sẻ: “Homestay tại TP.HCM đang được khách nước ngoài quan tâm nên tiềm năng thị trường là khá lớn”.
Tuy nhiên, để thu hút một lượng khách hàng sẵn sàng “đáo hạn”, homestay phải liên tục thay đổi. Chẳng hạn, Nhà của Bơ phải liên tục tân trang nội thất, trang trí phòng để khách hàng luôn thấy mới, vì thế chi phí phát sinh hằng tháng. Có những thời điểm 4-5 giờ sáng Thy phải dậy đón khách, sắp xếp đồ và check-in cho khách, “đầu tư homestay vất vả lắm, nhưng bù lại thoải mái về thời gian”, Thy cho biết.
Tại Nhà của Bơ, lượng khách quay lại khá đông, thậm chí còn giới thiệu thêm khách hàng mới. Theo Mai Thy, chủ nhà và khách có thời gian trao đổi trực tiếp với nhau sẽ giúp homestay thay đổi tích cực hơn, từ đó lượng đánh giá tích cực cũng tăng lên nhiều. Đây là điểm có lợi khi tự quản lý homestay, Mai Thy chia sẻ.
Đây không phải là lần đầu tiên Thy đầu tư homestay, trước đó Thy đã phải “bỏ của chạy lấy người” khi chọn sai địa điểm và chưa khảo sát giá nhà. Theo đó, đầu năm 2018, Thy đã thuê căn nhà ở nơi khá xa trung tâm với giá 15 triệu đồng/tháng nhưng sau khi làm lại nội thất, Thy nhận ra, giá thuê nhà mắc hơn giá phòng nên quyết định bỏ cọc để cắt lỗ. Đây là vấn đề mà khá nhiều homestay đã gặp và chấp nhận đóng cửa.
“Cũng như nhiều lĩnh vực đầu tư khác, homestay cũng cần tính toán khôn ngoan chứ không dễ dàng như nhiều người nghĩ”, Thy chia sẻ.