Hoạt động kinh doanh đình đốn bởi dịch COVID-19, đến lượt ngành thủy sản 'cầu cứu'
Nạn dịch COVID-19 kéo dài hơn 3 tháng đang tác động mạnh đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản, gây nên tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào, sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu đình trệ.
Sau cuộc họp ngày 5/3/2020 giữa Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VASEP đã tiến hành khảo sát, và thấy rằng, tất cả doanh nghiệp thủy sản đều đang gặp nhiều khó khăn về vốn.
Các doanh nghiệp cho biết, hiện tại, lượng thành phẩm tồn kho lớn, nhiều lô hàng xuất - nhập khẩu bị trì hoãn, khách hàng chậm thanh toán ảnh hưởng tới vòng quay vốn lưu động và lịch thanh toán nợ vay sẽ đến hạn trong tháng 3 - 4 - 5/2020.
Song song đó, doanh thu xuất khẩu cũng giảm đáng kể tại một số thị trường Châu Á do hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bị chậm chễ vì thời gian xuất hàng kéo dài. Riêng tại Hàn Quốc, một số khách hàng đã từ chối thực hiện đơn hàng mới, khách hàng cũ cũng giảm lượng nhập do dịch bệnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn vay ngân hàng lớn, tuy nhiên các ngân hàng lại đưa ra nhiều tiêu chí khó thực hiện. Ngân hàng cũng chỉ mở hạn mức tín dụng theo hợp đồng có thời hạn một năm và cho vay với lãi suất cao, trung bình từ 7% - 10,5%/năm đối với VND và 4% - 4,5%/năm đối với USD.
Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp thủy sản đề xuất giảm lãi suất trong giai đoạn khó khăn này, cụ thể còn 3% - 6,5%/năm đối với VND và 1,5% – 2,8%/năm đối với USD. Đồng thời, đề nghị giảm phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ và giảm lãi suất tiền vay cho các khoản vay giải ngân từ ngày 01/02/2020.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị các ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay như: chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỉ lệ, hạ điều kiện thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp...
Về cơ cấu thời hạn trả nợ, các doanh nghiệp yêu cầu được điều chỉnh kì hạn trả nợ so với đăng ký lên 2 - 3 tháng, gia hạn những khoản vay đến hạn của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nạn dịch, không tính lãi phạt trong thời gian được gia hạn và có thể trả chậm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản cũng yêu cầu được miễn, giảm nhiều loại phí như: phí chuyển khoản trong/ngoài hệ thống, phí tiền nước ngoài vào tài khoản doanh nghiệp, phí báo tiền về thuộc TT/TTR (điện chuyển tiền), phí dịch vụ nộp/rút tiền mặt,... trong tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh việc cần thiết phải giảm điều kiện tiếp cận vốn, lãi vay, phí và gia hạn nợ cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng đề xuất thêm các chính sách miễn, giảm thuế, gia hạn nộp thuế… trong năm 2020.