|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hoạt động cho thuê tiếp tục tăng, lợi nhuận Kinh Bắc vẫn giảm 34% trong quí đầu năm 2020

14:43 | 04/05/2020
Chia sẻ
Trong ba tháng đầu năm, hoạt động cho thuê đất và chuyển nhượng BĐS của Kinh Bắc tiếp tục tăng trưởng. Song, lãi ròng của đơn vị này vẫn giảm 34% về 54 tỉ đồng.

Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quí I/2020. Trong đó, doanh thu thuần đạt gần 556 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kì năm ngoái.

Tương tự như cùng kì, phần lớn nguồn thu trong quí của công ty đến từ hoạt động cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản với trên 468 tỉ đồng (tăng 29%), kế đến là doanh thu khác 61 tỉ đồng và cho thuê kho, nhà xưởng, văn phòng mang về 26 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của công ty cũng tăng 13% lên 16,5 tỉ đồng, đến từ lãi tiền gửi và cho vay. Phần lỗ từ công ty liên doanh, liên kết giảm gần một nửa so với cùng kì năm ngoái.

Về chi phí hoạt động, lãi vay và chi phí bán hàng lần lượt giảm 18% và 49%, ghi nhận 42 tỉ đồng và 51 tỉ đồng. Ngược lại, chi phí quản lí doanh nghiệp tăng 26% lên hơn 65 tỉ đồng, chủ yếu tăng lương thưởng nhân viên.

Tổng kết trong quí đầu năm, lãi ròng của Kinh Bắc giảm 34% so với cùng kì, thu về gần 54 tỉ đồng. Nguyên nhân, Kinh Bắc ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cao gấp đôi cùng kì.

Tính đến ngày 30/3/2020, tổng tài sản của Kinh Bắc xấp xỉ 18.392 tỉ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh.

Cụ thể, trong kì Kinh Bắc phát sinh thêm khoản đầu tư 1.855 tỉ đồng vào Công ty TNHH MTV Khách sạn Hoa Sen. Ngoài ra, công ty đang nắm giữ 312.177 cp ITA với giá trị đầu tư tính đến cuối kì khoản 7,5 tỉ đồng và dự phòng giảm giá chứng khoán 6,6 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, tiền và tương đương tiền của công ty cũng tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, ghi nhận gần 685 tỉ đồng. Trong đó, tiền mặt chiếm phần lớn với 509 tỉ đồng.

Ngoài ra, công ty còn các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại ba công ty liên kết (CTCP Đầu tư Sài Gòn - Huế, CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn, CTCP Scanviwood) và một số đơn vị góp vốn khác gần 861 tỉ đồng.

Trong cơ cấu tài sản của Kinh Bắc, hàng tồn kho hiện chiếm tỉ trọng lớn nhất với 41%, tương đương 7.499 tỉ đồng, kế đến là các khoản phải thu ngắn hạn trên 5.582 tỉ đồng.

Giá trị hàng tồn kho của Kinh Bắc đều là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại 8 khu công nghiệp (KCN), đơn cử như: Tràng Cát (3.510 tỉ đồng), Tân Phú Trung (1.426 tỉ đồng), Phúc Ninh (993 tỉ đồng), Tràng Duệ (610 tỉ đồng), Nam Sơn - Hạp Lĩnh (519 tỉ đồng), Quang Châu (371 tỉ đồng)…

Phần diện tích 100 ha giai đoạn 1 của KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh và 83,8 ha tại KCN Quế Võ mở rộng đã được Kinh Bắc thế chấp cho khoản vay dàu hạn hơn 211 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Quế Võ.

Bên cạnh đó, Kinh Bắc còn ghi nhận hơn 845 tỉ đồng chi phí xây dựng cơ bản sở dang tại 7 dự án, riêng Dự án Viễn Đông Meridian Towers chiếm đến 699 tỉ đồng.

Cũng tính đến cuối tháng 3/2020, nợ phải trả của Kinh Bắc vượt 7.916 tỉ đồng, tương ứng tăng 31% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay chiếm 27%, tương đương 2.102 tỉ đồng. Ngoại trừ khoản vay tại ngân hàng và các bên liên quan, Kinh Bắc có gần 1.460 tỉ đồng nợ trái phiếu, trong đó trái phiếu đến hạn trả chiếm 759 tỉ đồng.

Nói về triển vọng của Kinh Bắc, chuyên viên phân tích của BSC dự báo KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh sẽ là điểm sáng của doanh nghiệp này trong năm 2020 với kế hoạch cho thuê khoảng 60 ha. Bên cạnh đó, hai KCN Quang Châu và Tân Phú Trung dự kiến cho thuê 25-30 ha.

Ngoài ra, thông tin do BSC công bố cho thấy, Kinh Bắc đang có kế hoạch xin làm KCN mới mang tên Bình Giang tại Hưng Yên với qui mô 900 ha. Đây được cho là quĩ đất đóp góp vào tăng trưởng dài hạn cho Kinh Bắc, bên cạnh các khu đô thị hiện hữu như Phúc Ninh giai đoạn 2.

Nguyên Ngọc

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.