|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hồ tiêu rộng cửa trở lại nhóm xuất khẩu tỷ đô

08:35 | 22/03/2022
Chia sẻ
Xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục tăng trưởng tích cực trong 2 tháng đầu năm 2022 nhờ mặt bằng giá cao hơn và nhu cầu thị trường phục hồi sau 2 năm COVID-19. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu trở lại nhóm xuất khẩu tỷ đô hoàn toàn nằm trong tầm tay của ngành hồ tiêu.

Xuất khẩu hồ tiêu tăng trưởng ấn tượng

Sau một năm khởi sắc, xuất khẩu hồ tiêu của nước ta tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong 2 tháng đầu năm 2022 với khối lượng đạt 30.158 tấn, kim ngạch thu về 139,7 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái đạt tương đương về lượng nhưng kim ngạch tăng mạnh 60,2% (tương ứng tăng 52,5 triệu USD), theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan.

Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh là nhờ giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu trong 2 tháng đầu năm tăng hơn 60% (tương ứng 1.740 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2021, đạt bình quân 4.631 USD/tấn.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, việc quay trở lại nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô đang tương đối rộng mở với ngành hồ tiêu.

Hồ tiêu rộng cửa trở lại nhóm xuất khẩu tỷ đô - Ảnh 1.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trong 2 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với khối lượng đạt 9.702 tấn, tăng mạnh 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 32% tỷ trọng xuất khẩu hồ tiêu của nước ta.

Ngoài ra, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang các thị trường khác, đặc biệt là các nước trong khối EU cũng tăng mạnh như: Ấn Độ tăng 9,4%, Đức tăng 56,4%, Hà Lan tăng 79,9%, Tây Ban Nha tăng 100,6%...

Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đã giảm mạnh 71,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.187 tấn.

Do đó, Trung Quốc đã tụt từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ 6 về thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của nước ta.

Theo VPA, chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc đã tác động không nhỏ tới thị trường hồ tiêu của Việt Nam khi 90% lượng hồ tiêu của nước ta xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Việc tắc nghẽn ở các cửa khẩu, thắt chặt việc đi lại tại thị trường nội địa Trung Quốc khi phát hiện ca dương tính sẽ làm cho việc tiêu thụ hồ tiêu của Trung Quốc giảm xuống.

Triển vọng tích cực từ thị trường

Triển vọng nhu cầu hồ tiêu năm 2022 đang tương đối tích cực khi các quốc gia trên thế giới đã ứng phó được phần nào dịch bệnh COVID-19, tiến hành mở cửa trở lại các nhà hàng, quán ăn… khiến cho lượng tiêu thụ gia vị hồ tiêu tăng trở lại.

Nhu cầu hồ tiêu tại Mỹ trong những năm gần đây ở mức cao và có xu hướng tăng bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Trong khi đó, hồ tiêu của Việt Nam đang ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ với khối lượng nhập khẩu năm sau cao hơn năm trước.

Còn tại EU, từ ngày 26/1/2022, khối này bắt đầu áp dụng quy định mới đối với hồ tiêu nhập khẩu từ Brazil. Ngoài yêu cầu về chứng nhận kiểm định của tất cả các lô hàng nêu rõ không có salmonella thì EU sẽ tăng xác suất kiểm tra 50% lô hàng nhập khẩu để phát hiện salmonella.

Đây có thể coi là 1 lợi thế nữa của hồ tiêu Việt Nam so với đối thủ cạnh tranh tại EU bên cạnh những lợi thế từ Hiệp định EVFTA. Thực tế 2 tháng đầu năm nay các quốc gia trong khối EU cũng đã tăng mạnh nhập khẩu tiêu từ Việt Nam và giảm đáng kể nhập khẩu từ Brazil.

Hồ tiêu rộng cửa trở lại nhóm xuất khẩu tỷ đô - Ảnh 2.

Ảnh: khmertimes

Theo Trung tâm hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI), trong giai đoạn năm 2016 - 2020, nhập khẩu tiêu đen của châu Âu đã tăng trung bình 5%/năm.

CBI dự kiến tiêu thụ tiêu đen của châu Âu sẽ tiếp tục tăng với tốc độ ổn định do sự gia tăng dân số châu Âu. Trong 5 năm tới, nhập khẩu có khả năng tăng với tốc độ hàng năm từ 1-2%.

Trong khi đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine được cho là không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam bởi Nga chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ 1,6% trong tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Ukraine chỉ chiếm 0,3% tỷ trọng.

Còn với Trung Quốc, thị trường này vẫn đang là một ẩn số và phụ thuộc nhiều vào các chính sách kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc.

Người trồng tiêu đặt cược vào đà tăng giá của thị trường

Sau khi tăng mạnh trong nửa đầu tháng 2, giá tiêu đã quay đầu giảm và đi ngang từ nửa cuối tháng 2 đến nay.

Tính đến ngày 20/3, giá tiêu đen trong nước dao động ở mức 78.500 – 81.000 đồng/kg, giảm 5.000 – 5.500 đồng/kg so với giữa tháng 2 nhưng vẫn đang cao hơn so với mức giá 76.000 – 79.500 đồng/kg của cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, không giống như những năm trước, năm nay người trồng tiêu chỉ bán một số lượng nhỏ đủ để trang trải chi phí tạm thời và ưu tiên giữ lại hàng, kỳ vọng chu kỳ giá sẽ tăng hơn nữa. Vụ thu hoạch năm nay dự kiến kết thúc vào giữa tháng 4.

Năm nay nhìn chung tình hình thu hoạch có nhiều khó khăn do thiếu nhân công thu hái và chi phí nhân công tăng cao so với mọi năm. Ngoài ra, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào như phân bón, xăng dầu tăng cao khiến lợi nhuận giảm và bài toán đầu tư cho vụ sau của người dân còn đang bỏ ngỏ.

Trong khi đó, việc người dân có xu hướng giữ lại hàng chờ giá tăng cũng khiến cho doanh nghiệp khó chủ động về nguồn nguyên liệu. Xuất khẩu cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, phí vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng hồ tiêu của cả nước trong năm nay có thể giảm 10%. Mặc dù vậy, tồn kho của các năm trước hiện vẫn còn nhiều, tập trung ở các hộ và đại lý có tiềm lực kinh tế mạnh.

Phần lớn các hộ được khảo sát cho rằng sẽ trữ tiêu vụ mới, chỉ bán ra khi có nhu cầu chi tiêu và có kỳ vọng giá tăng.

"Thực tế này có thể xảy ra nguy cơ tăng giá ảo như năm trước. Có thể nói rằng lượng tiêu trong dân từ các mùa trước vẫn còn tương đối, đó là chưa kể lượng dự trữ tại các đại lý, công ty lớn, có tiềm lực tài chính đã thu mua tích trữ từ các vụ trước", VPA nhận định.

Hoàng Hiệp