|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hộ chiếu vắc xin tạo ra lắm vấn đề hơn giải pháp

13:10 | 25/03/2021
Chia sẻ
Với ý tưởng hộ chiếu vắc xin, các nước đang hy vọng có thể mở cửa biên giới, máy bay mong ngày cất cánh và ngành du lịch chờ thời khắc hồi sinh. Song, những tưởng hộ chiếu vắc xin là giải pháp mà thế giới đang cần thì hóa ra nó lại vẽ ra nhiều dây mơ rễ má đau đầu hơn.

Hộ chiếu vắc xin - niềm hy vọng mới

Không chỉ đơn thuần là bảo vệ cơ thể người trước virus SARS-CoV-2, vắc xin ngừa COVID-19 còn có thể là một bước tiến giúp hồi sinh ngành du lịch quốc tế. Đối với những người từng thường xuyên di chuyển bằng máy bay hoặc đã nhiều tháng xa cách gia đình, ý tưởng "hộ chiếu vắc xin" đặc biệt hấp dẫn. Đối với ngành du lịch, ý tưởng này có thể là một chiếc phao cứu sinh.

Khá nhiều quốc gia và khu vực như Trung Quốc, Thái Lan và Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai các kế hoạch liên quan đến hộ chiếu vắc xin, trong khi các nước khác như Việt Nam đang nghiên cứu và chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật.

Ví dụ, Trung Quốc đã tung ra một chứng chỉ sức khỏe cho công dân trong nước. Chứng chỉ này được tải từ mạng xã hội WeChat thông qua mã QR, bao gồm thông tin chi tiết về hồ sơ tiêm chủng, kết quả xét nghiệm COVID-19 cũng như xét nghiệm kháng thể của một người.

Tại cuộc họp báo ngày 8/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng phát tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác phát triển hộ chiếu vắc xin cùng các nước khác.

"Trung Quốc sẵn sàng đàm phán cùng các nước để thiết lập cơ chế hiểu biết chung về thông tin mã y tế (hộ chiếu vắc xin) trên cơ sở thấu hiểu mối quan tâm của nhau", ông Triệu nhấn mạnh. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng chào đón nồng nhiệt hơn đối với những du khách đã tiếp nhận vắc xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất, South China Morning Post cho hay.

Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đề xuất phát triển một loại hộ chiếu vắc xin có tên Digital Green Certificate nhằm tạo điều kiện để công dân EU di chuyển trong khối kinh tế chung. Hộ chiếu vắc xin của EU sẽ là bằng chứng cho thấy một người đã được tiêm chủng, nhận kết quả xét nghiệm âm tính hoặc đã phục hồi sau khi nhiễm COVID-19.

Hộ chiếu vắc xin của EU sẽ được cấp miễn phí, dưới dạng trực tuyến hoặc bằng giấy. EU cũng sẽ phát triển một mã QR để đảm bảo tính bảo mật và xác thực của hộ chiếu vắc xin. Hơn nữa, họ cũng sẽ xây dựng một cổng truy cập chung để xác minh hộ chiếu vắc xin trên toàn châu Âu.

Chính phủ Việt Nam cũng đang chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và chính sách để triển khai hộ chiếu vắc xin trong tương lai. Hãng hàng không Vietnam Airlines đang làm việc cùng các cơ quan trong và ngoài nước, trong đó có Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) về dự án hộ chiếu sức khỏe điện tử. Vietnam Airlines còn được đề nghị tham gia thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass.

Triển khai bát nháo, lộn xộn

Khá nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng hộ chiếu vắc xin có thể tạo ra sự phân biệt đối xử giữa những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng, từ đó khoét sâu vấn nạn bất bình đẳng trong lòng xã hội.

"Du khách từ những nước có vắc xin trước sẽ được ưu tiên nhập cảnh trước. Khi đó chúng ta sẽ có hai nhóm du khách: những người đã được tiêm ngừa COVID-19 và những người vẫn chưa. Nhóm thứ hai sẽ có ít lựa chọn du lịch hơn và nhiều khả năng phải xét nghiệm và cách ly lâu hơn", Nikkei Asia dẫn lời giáo sư Joseph M. Cheer tại Đại học Wakayama (Nhật Bản) lý giải.

Trong một thế giới mà hàng triệu người không có quốc tịch và do vậy mất luôn cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm thì việc đòi hỏi các tài liệu chứng minh lịch sử tiêm chủng và miễn dịch với virus SARS-CoV-2 có thể nới rộng cách biệt xã hội, Giáo sư miễn dịch học Danny Altmann của Đại học Hoàng gia London (Anh) nói thêm.

Ngoài ra, như giáo sư Ben Cowling của Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Hong Kong viết trên trang tin Citizen News, "việc làm giả hộ chiếu vắc xin cũng có thể trở thành một vấn đề đau đầu".

Hộ chiếu vắc xin: Tưởng giải pháp nhưng hóa ra lại vẽ thêm vấn đề - Ảnh 1.

Hộ chiếu vắc xin trực tuyến của Trung Quốc. (Ảnh: EPA).

Phức tạp hơn chính là việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho hộ chiếu vắc xin. "Một yếu tố quan trọng để hồi sinh ngành du lịch là các quy định và giao thức toàn cầu phải có sự nhất quán và phối hợp hài hòa", ông Zurab Pololikashvili - Tổng thư ký của Tổ chức Du lịch Thế giới (trực thuộc Liên Hợp Quốc), chia sẻ với New York Times.

Hiện tại, mỗi nước đang triển khai hộ chiếu vắc xin một kiểu riêng. Chẳng hạn, chứng nhận của Trung Quốc chỉ áp dụng với vắc xin Trung Quốc; trong khi hộ chiếu vắc xin của EU chỉ công nhận 4 loại vắc xin mà khối kinh tế chung này phê duyệt, không tính đến các vắc xin khác mà các nước thành viên chấp nhận.

"Hiện nay, mỗi chính phủ và từng hãng hàng không lại đưa ra các hệ thống riêng, mọi thứ đang trở nên hết sức lộn xộn", giáo sư Cheer của Đại học Wakayama lưu ý.

Đặc biệt, chưa ai rõ hộ chiếu vắc xin có mang lại hiệu quả hay không. Năm ngoái, chính phủ các nước Singapore, Australia và New Zealand sôi nổi thảo luận về "bong bóng du lịch" nhưng cuối cùng không nước nào có thể hiện thực hóa ý tưởng này trên quy mô lớn vì lo ngại rủi ro.

Các chuyên gia cũng không biết khi áp dụng hộ chiếu vắc xin, khả năng lây nhiễm có còn cao hay không vì chưa có đủ nghiên cứu để chứng minh vắc xin thực chất có thể ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tháng 1 năm nay, Tiến sĩ Mike Ryan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo: "Chúng tôi chưa có đủ căn cứ để khẳng định những người đã được tiêm chủng có tiếp tục bị ảnh hưởng hay có khả năng truyền bệnh hay không".

Yên Khê