|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp mạnh tay chi tiền tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí cho nhân viên

10:01 | 04/06/2021
Chia sẻ
Từ Masan, PNJ đến Đất Xanh, Coteccons,… một loạt các doanh nghiệp đang bạo tay chi tiền để tiêm vắc xin COVID-19 cho người lao động.
Loạt doanh nghiệp mạnh tay chi tiền tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí cho nhân viên - Ảnh 1.

Nhân viên VinMart+ bán hàng trong bộ quần báo bảo hộ chống COVID-19. (Ảnh: MSN).

Hàng chục nghìn nhân viên tại các tập đoàn lớn được tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí

Ngày 2/6, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) đã có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Công Thương về đề xuất hỗ trợ tiêm vắc xin COVID-19 cho cán bộ nhân viên khối bán lẻ. Theo Masan, vì hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thiết yếu nên khối bán lẻ (Vincommerce) vẫn phải mở cửa ngay trong dịch.

Hiện tại, hơn 22.000 cán bộ, nhân viên của Masan đang làm việc tại 122 siêu thị VinMart và 2.500 cửa hàng VinMart+, hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khác hàng, do đó nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 là rất cao.

Do đó, lãnh đạo Masan kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện để khối nhân viên bán lẻ này được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 nhằm sớm ổn định sản xuất và tránh phát tán vì các điểm bán hàng Vincommerce là nơi có sự tiếp xúc cao. Doanh nghiệp cho biết sẽ sẵn sàng chi trả ngân sách việc tiêm chủng cho cán bộ nhân viên của mình.

Ngoài Masan, liên tiếp từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp lớn khác cũng đã có động thái tìm kiếm vắc xin COVID-19 cho người lao động.

Đơn cử, trong một cuộc họp gần đây, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết nhằm phần giảm bớt những áp lực cho chính quyền trong việc phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, PNJ đang tìm kiếm nguồn vắc xin để tiêm phòng miễn phí cho toàn bộ nhân viên của công ty, gồm 7.000 người.

Tập đoàn Hưng Thịnh quyết định sẽ tài trợ 100% chi phí tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho người lao động và gia đình, bao gồm vợ/chồng, con và cha mẹ của cán bộ nhân viên toàn tập đoàn. Dự kiến tổng số lượng vắc xin do Tập đoàn Hưng Thịnh đăng ký mua và tài trợ tiêm miễn phí lên đến trên 14.000 liều.

"Hưng Thịnh cũng như nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả chi phí tiêm ngừa vắc xin cho cán bộ nhân viên và thậm chí cho cả người thân của họ không chỉ là cách ứng phó cần thiết để bảo vệ con người - tài sản quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp", ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hưng Thịnh nói.

Một công ty đi đầu trong việc lên kế hoạch tiêm vắc xin cho người lao động là Coteccons. Ngay từ đầu tháng 2, công ty đã chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng ngừa COVID-19 cho cán bộ nhân viên, với khoảng 8.000 người, trong đó 2.000 người là nhân viên của công ty Coteccons và Unicons (đơn vị thành viên của Coteccons), số còn lại là người thân (vợ/chồng, con) của họ.

Ngày 25/2, trong thông cáo phát đi, lãnh đạo Tập đoàn Đất Xanh cho biết doanh nghiệp này sẽ tài trợ 100% chi phí tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn thể cán bộ, nhân viên tập đoàn cùng người thân trên toàn hệ thống.

Đến thời điểm hiện tại, có hơn 7.300 cán bộ nhân viên đang làm việc tại 68 công ty trong hệ thống công ty thành viên thuộc Tập đoàn Đất Xanh. Ngoài ra, các khách hàng mua các sản phẩm của nhà phát triển dự án này cũng được Đất Xanh tạo cơ hội tiếp cận nguồn vắc xin chất lượng và hỗ trợ chi phí tiêm chủng.

Vắc xin COVID-19 tại Việt Nam sẽ có giá bao nhiêu?

Như tin chúng tôi đã đưa, tính tới thời điểm này, giá vắc xin rẻ nhất được công bố trên thế giới là 4 USD/liều của Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, loại đắt nhất là 72,5 USD/liều thuộc về Sinopharm, Trung Quốc.

Các nhà phát triển vắc xin bao gồm Pfizer, Moderna, và Merck cho biết họ có mục tiêu về lợi nhuận. Loại rẻ nhất là vắc xin do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, khoảng 4 USD cho mỗi liều khi bán cho các chính phủ. Hiện loại vắc xin này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Nhà phát triển cũng đã kí hợp đồng với chính phủ Anh và Ấn Độ.

Trong khi đó, Albert Bourla, giám đốc điều hành của Pfizer, cho biết công ty sẽ bán vắc xin với giá khoảng 20 USD mỗi liều. Theo The Wall Street Journal đưa tin, Pfizer và công ty dược phẩm BioNTech của Đức đã kí một thỏa thuận với chính phủ Mỹ để cung cấp 100 triệu liều vắc xin với giá 1,95 tỉ USD. Ông Bourla cho biết thêm giá bán vắc xin ở các nước đang phát triển sẽ thấp hơn.

Về phía Moderna, hãng đã đưa ra một mức giá tương đối cao, và đạt được thỏa thuận mua bán vắc xin với một số quốc gia với giá từ 32-37 USD cho mỗi liều. Có ý kiến cho rằng giá vắc xin cao hơn là do qui mô sản xuất nhỏ.

Tại Việt Nam, Nanogencho biết vắc xin Nano Covax đầu tiên của Việt Nam dự kiến có giá khoảng 120.000 đồng/ liều. Đây là vắc xin đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm, hứa hẹn sẽ là vắc xin phòng COVID-19 "made in Vietnam" đầu tiên đưa ra thị trường.

Phía công ty cho biết đang nỗ lực để có thể sản xuất vắc xin đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến nguồn cung vắc xin, mới đây Bộ Y tế cho biết Việt Nam đàm phán mua 20 triệu liều vắc xin Sputnik V phòng COVID-19 trong năm 2021. Bên cạnh nguồn vắc xin của Nga, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, tiếp cận với các nguồn vắc xin khác như COVAX; Astra Zeneca; Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đối với nguồn cung ứng của Nga, Mỹ và Anh, Việt Nam đã dần dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số.

Chí Dũng