|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật cho 'hộ chiếu vắc xin' từ tháng 4

16:53 | 19/03/2021
Chia sẻ
Đối với người nước ngoài, đại diện các bộ ngành, nhà mạng di động lớn cho biết hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên quan "hộ chiếu vắc xin" sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng hoạt động từ tháng 4 năm nay.

Sáng 19/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Cuộc họp thảo luận về công tác chuẩn bị giải pháp kỹ thuật, chính sách thực hiện "visa vắc xin" ("hộ chiếu vắc xin") trên tinh thần "thực hiện mục tiêu kép nhưng bảo đảm an toàn là trên hết".

Quy trình chuẩn bị thực hiện 'visa vắc xin' Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo sáng 19/3. (Ảnh: VGP/Đình Nam).

Cụ thể, đối với người dân trong nước, thông tin tiêm chủng sẽ được tích hợp vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, liên thông với cơ sở dữ liệu công dân, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong tiêm chủng, đồng thời giúp kiểm soát việc đi lại trong tình hình có dịch sau này một cách thống nhất, thuận lợi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin thêm tới đây, khi đi tiêm chủng, người dân phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử, khai báo lại thông tin cần thiết. Cơ sở y tế quét mã QR-Code thay vì thực hiện thao tác trên giấy; thông tin cho người dân về vắc xin, điều khoản tiêm chủng. Sau đó, người dân được khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm và hoàn thành quy trình tiêm.

Sau khi tiêm vắc xin COVID-19, người dân được cấp chứng nhận và mã QR-Code xác nhận. Bên cạnh đó, nhân viên ngành y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng cho người trong diện tiêm chủng. 

Đối với người nước ngoài, đại diện các bộ ngành, nhà mạng di động lớn cho biết hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên quan "hộ chiếu vắc xin" sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng hoạt động từ tháng 4 năm nay. 

Về chính sách, hướng dẫn cụ thể, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế nước ngoài để Việt Nam có thể sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện cho giao thương, đi lại thuận lợi cho những người đã được tiêm vắc xin COVID-19 ở các nước.

"Hộ chiếu vắc xin" hay giấy chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin COVID-19 là ý tưởng xuất hiện từ cuối năm 2020. Đến nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới tìm đến cách thức này với mong muốn được trở lại cuộc sống không phải cách ly, hạn chế tiếp xúc xã hội.

Tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc xin”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc xin” và giao thương có sự kiểm soát.

Hơn 27.000 người đã được tiêm vắc xin AstraZeneca

Liên quan đến tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong nước, theo số liệu của Chương trình Tiêm chủng quốc gia, tính đến 16h ngày 18/3, Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc xin AstraZeneca cho 27.546 người.

Các điểm tiêm chủng đều tuân thủ quy định của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm ở mức cho phép theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Một số trường hợp phản vệ độ hai được phát hiện, xử lý kịp thời theo đúng quy định của Bộ Y tế và sức khoẻ những trường hợp này đều đã bình phục.

Như Ngọc

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.