|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Họ bảo tôi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, nhưng tôi lại thành lập công ty trị giá hơn 1 tỉ USD'

16:05 | 08/07/2019
Chia sẻ
Thay vì lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh để tiếp tục làm việc cho một tập đoàn lớn, một sinh viên bỏ học và làm nhiều nghề trước khi lập công ty sản xuất vali.

Khi Jen Rubio mới 7 tuổi, gia đình cô chuyển từ Philippines sang bang New Jersey, Mỹ. Ở Philippines, cô học tại những trường danh tiếng nhất, với những giáo viên giỏi nhất. 

Ngược lại, ở New Jersey, cô trở thành đứa trẻ có giọng lạ và ăn những món khác dân Mỹ. Cô phải vào lớp kém vì nói tiếng Anh chưa chuẩn. Đó là những sự thật mà Jen luôn muốn giấu, theo Entrepreneur.

Ý chí phấn đấu của cô gái gốc Á

Để đoạn tuyệt với chất giọng Philippines, nữ sinh yêu cầu mẹ đăng kí cho cô học khóa đào tạo diễn thuyết. Cô chăm chỉ đọc tiếng Anh và xem tivi. Sau rất nhiều nỗ lực, cô đã lọt vào lớp chọn.

Jen Rubio

Jen Rubio, người đồng sáng lập công ty Away. Ảnh: Entrepreneur

Sự nghiệp của Jen cũng không hề bằng phẳng và khá kì lạ. Cô tìm được công việc đầu tiên với hãng sữa Johnson & Johnson ngay từ khi đang là sinh viên. Công việc ấy giúp cô học hỏi những kĩ năng tiếp thị thực chiến. 

Khi Jen hỏi người quản lí của cô về điều kiện để ở lại công ty sau khi tốt nghiệp, người quản lí nói: "Em cần có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) để gia nhập nhóm tiếp thị của chúng tôi".

Song Jen không học chương trình MBA. Thậm chí cô còn không muốn hoàn thành chương trình cử nhân. Ở tuổi 20, cô bỏ trường đại học và làm nhiều công việc. Cô trở thành nhà tư vấn truyền thông trước khi tên gọi dành cho việc đó ra đời.

"Kinh nghiệm làm tư vấn truyền thông dẫn tôi đến chức vụ giám đốc truyền thông xã hội của hãng kính mắt Warby Parker vào năm 2011", Jen kể.

Khởi nghiệp để sản xuất vali

Ở Warby Parker, Jen gặp Steph Korey, người có cùng chí hướng với cô. Hai người quyết định rời Warby Parker để thành lập Away, công ty sản xuất vali vào năm 2016. Hồi tháng 5 vừa qua, Away huy động thành công 100 triệu USD. Các nhà đầu tư định giá công ty 1,4 tỉ USD.

"Khi tôi và Steph chuẩn bị gặp các nhà đầu tư lần đầu tiên, chúng tôi cảm thấy hồi hộp. Trên đường tới điểm hẹn, hai cô tập luyện thuyết trình trong nhà ga tàu điện ngầm. Bất chấp nỗ lực của họ, nhà đầu tư lắc đầu.

Giờ đây, có lẽ nhà đầu tư ấy đang hối tiếc vì Away có giá trị 1,4 tỉ USD. Song khoảng một năm trước, Away suýt phá sản.

Lao đao vì lệnh cấm của các hãng hàng không

Hồi tháng 12/2017, khách hàng bắt đầu viết lên mạng xã hội những dòng chữ như "Hãng hàng không United Airlines không cho tôi lên máy bay với vali Away", hay "Hãng Delta buộc tôi phải vứt pin của vali Away". 

Các hãng hàng không cấm để pin Lithium bên trong vali. Pin trong vali của Away là loại mà người sử dụng có thể tháo rời, song họ phải mở vali và dùng tuốc nơ vít để tháo. 

Mặc dù quá trình tháo pin khá đơn giản, song các hãng hàng không luôn nhắc nhở hành khách rằng họ không thể lên máy bay với vali của Away. Vì thế, nhiều hành khách phải vứt vali của Away trong thùng rác.

Away

Những mẫu vali của công ty Away. Ảnh: hypebae.com

Jen và Steph lo lắng. Một số báo đưa tin Away đã phá sản vì lệnh cấm của các hãng hàng không. Dù rất sợ, hai cô trấn an nhân viên rằng họ sẽ tìm mọi cách để thay kiểu pin mới cho những người đã mua vali.

Thực ra trước đó Away đã chế tạo loại vali mới có pin bên ngoài để người sử dụng có thể tháo ra trong tích tắc. Tuy nhiên, hai nhà sáng lập không muốn thay pin cho mọi vali mà họ đã bán, bởi số lượng lên tới vài chục nghìn chiếc. Vứt vài chục nghìn pin ra bãi rác không phải là việc họ muốn làm.

Song cuối cùng họ quyết định thay toàn bộ pin. Trong vòng 24 giờ, nhóm lập trình web của công ty tung ra một thông báo trên trang web. Nội dung của thông báo là Away sẽ gửi pin và các dụng cụ cần thiết để khách hàng có thể thay pin trong vali.

Đội ngũ chăm sóc khách hàng liên lạc với mọi khách hàng qua email và điện thoại để gửi bộ pin thay thế. 

"100% nhân sự của công ty tham gia chiến dịch. Sau chiến dịch, nguồn tiền của chúng tôi cạn kiệt, nhưng chúng tôi phải hướng tới tầm nhìn dài hạn", Jen bình luận.

Sau khủng hoảng, niềm tin của khách hàng đối với Away trở nên lớn hơn và doanh thu nhanh chóng tăng trở lại.

Quan điểm của Jen là doanh nhân không cần phải lấy bằng của trường đại học danh tiếng, làm việc ở những tập đoàn nổi tiếng, hay học chương trình MBA để tạo ra công ty thành công, nhưng họ cần có mục đích.

"Nếu bạn thành lập một công ty chỉ vì bạn nghĩ đó là việc nên làm, nhưng bạn thực sự không đam mê, bạn sẽ không có động lực để vượt qua trở ngại. Chúng tôi có đam mê, nên khi các hãng hàng không cấm để pin trong vali, chúng tôi biết cách vượt qua cơn bĩ cực", Jen nói.

Nhạc Dương

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.