|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hầu hết khoản vay của Vạn Thịnh Phát được SCB giải ngân trước và hợp thức hoá sau

10:00 | 19/11/2023
Chia sẻ
Kết quả xác minh hồ sơ vay vốn của nhóm Vạn Thịnh Phát tại SCB cho thấy hơn 200 khoản vay (còn dư nợ) đã được giải ngân khi hồ sơ vay vốn chưa có phê duyệt của cấp có thẩm quyền, 684 khoản vay chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về vụ án liên quan đến Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong quá trình thực hiện làm hồ sơ để rút vốn từ SCB, bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng nhiều thủ đoạn để hợp thức hoá các khoản vay.

Cụ thể gồm tạo lập khách hàng vay vốn khống, thuê/nhờ người đứng tên tài sản; tạo lập hồ sơ vay vốn khống; đưa tài sản đảm bảo được định giá trị, để tạo ra một bộ hồ sơ đúng như quy định nhằm che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Hàng trăm khoản vay chưa có phê duyệt đã giải ngân

Thông tin từ kết luận điều tra cho hay, mặc dù trên hồ sơ thể hiện thời điểm giải ngân cùng hoặc thời điểm ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, nhưng thực tế việc rút tiền tại SCB đã được thực hiện trước khi hợp đồng tín dụng, thủ tục thế chấp tài sản được hoàn thiện.

Theo quy trình thông thường thì ngân hàng chỉ giải ngân khi đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý về thế chấp tài sản bảo đảm, nhưng thực tế đổi với 1.284 khoản vay của bà Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn dư nợ, có 684 khoản vay/tổng số nợ 382.876 tỷ đồng (gồm: 261.588 tỷ đồng nợ gốc, 121.287 tỷ đồng nợ lãi) chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân, số còn lại tài sản bảo đảm chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản.

Kết quả xác minh hồ sơ vay vốn của 1.284 khoản vay nói trên thì có 201 khoản vay/169 khách hàng, hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền tại Ngân hàng SCB. Cụ thể như không có tờ trình của Tổng Giám đốc, không có phê duyệt của HĐQT, không có tờ trình tái thẩm định, phê duyệt của Tổng giám đốc.

Các khoản vay tương ứng với số tiền giải ngân là hơn 10.398 tỷ đồng, đến nay còn tổng số nợ hơn 11.686 tỷ đồng (gồm 9.923 tỷ đồng nợ gốc và 1.763 tỷ đồng nợ lãi).

Ông Bùi Anh Dũng trước đó làm việc tại Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa (một trong ba ngân hàng tiền thân của Ngân hàng SCB). Ông được bà Trương Mỹ Lan chọn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB vì lý do hiền lành, “không quậy phá”, được lòng người, theo lời khai của bà Lan.

Theo lời khai của ông Bùi Anh Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB (từ tháng 12/2020), các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát đều có điểm chung là chỉ ký họp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, rút tiền của SCB theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan. Thực tế các đơn vị tại Ngân hàng SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn.

Các khoản cho vay đối với nhóm khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trên hệ thống dữ liệu core banking của SCB được tạo thêm trường dữ liệu ký hiệu là HSTT, để ghi chú khách hàng, phục vụ việc theo dõi, thông kê và phê duyệt cho vay, bỏ qua quy trình cho vay thông thường.

Lập hàng nghìn pháp nhân, thuê hàng nghìn cá nhân làm khách hàng vay khống

Thống kê của cơ quan điều tra cho biết trong số 875 khách hàng vay vốn đứng tên 1.284 khoản vay nêu trên, gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân được bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.

Các pháp nhân, hầu hết là các công ty “ma”. Đối với cá nhân, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân là nhân viên làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên/nhờ người nhà các nhân viên đứng tên,tìm thuê người đứng tên các khoản vay, đứng tên tài sản đảm bảo để đưa vào thế chấp tại ngân hàng. 

Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, nhóm Vạn Thịnh Phát đã thành lập hàng nghìn pháp nhân, thuê/sử dụng hàng nghìn cá nhân làm đại diện pháp luật, đứng tên cổ đông, đứng tên ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản bảo đảm để họp thức rút tiền của Ngân hàng SCB.

Cơ quan điều tra cho biết sở dĩ “kho” pháp nhân, cá nhân này càng ngày càng phình to ra vì phải thành lập nhiều pháp nhân, “dựng” nhiều cá nhân mới để đứng tên khoản vay thì khi kiểm tra thông tin tín dụng trên CIC sẽ không có dư nợ tín dụng lớn, còn nếu sử dụng cá nhân, pháp nhân cũ, khi thực hiện tra soát này trên CIC sẽ thấy đứng tên các khoản vay rất lớn, không đủ điều kiện để lập được hồ sơ vay vốn.

Trong số 875 khách hàng (gồm 440 cá nhân và 435 pháp nhân), hầu hết khách hàng đều trình bày chỉ đứng tên ký chứng từ, hồ sơ, không được thụ hưởng, sử dụng tiền, không biết mình có số nợ SCB rất lớn như vậy; các cá nhân đứng tên tài sản bảo đảm đều trình bày chỉ đứng tên hộ, không phải tài sản của họ.

Nâng khống giá trị tài sản bảo đảm của nhóm Vạn Thịnh Phát

Ngoài các hành vi nêu trên, để thực hiện được hành vi rút, chiếm đoạt tiền từ Ngân hàng SCB thông qua thủ đoạn vay, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã có sự tiếp tay của các đối tượng tại các Công ty Thẩm định giá để phát hành các Chứng thư Thẩm định giá giúp hợp thức các hồ sơ vay vốn của nhóm Vạn Thịnh Phát.

Trong đó, lãnh đạo Ngân hàng SCB đã chỉ đạo câp dưới trực tiếp hoặc qua trung gian để liên hệ với các công ty thẩm định giá gửi thông tin về tài sản, trị giá tài sản bảo đảm cần định giá theo yêu cầu của Ngân hàng SCB.

Lãnh đạo các công ty thẩm định giá (Giám đốc/Phó Giám đốc), thẩm định viên, cá nhân môi giới tuy không thực hiện công tác thẩm định giá, nhưng đã phát hành các Chứng thư Thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của Ngân hàng SCB để thông đồng, hợp thức thủ tục vay vốn, nâng khống giá trị.

Kết quả điều tra xác định, có 7 cá nhân là đại diện pháp luật, thẩm định viên của 5 Công ty Thẩm định giá gồm: Công ty Tầm Nhìn Mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty Exim và Công ty DATC) có hành vi thông đồng giúp sức cho các đối tượng tại Ngân hàng SCB tạo lập hồ sơ vay vốn khống.

 

H.T