|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hành trình vượt qua 'cửa tử' của một bệnh nhân nhiễm virus covid-19 ngay tâm dịch Vũ Hán

14:24 | 14/02/2020
Chia sẻ
Đối với một bệnh nhân dương tính với virus covid-19 ngay tại tâm dịch Vũ Hán, hành trình từ thời điểm nhiễm bệnh đến khi hồi phục là một câu chuyện dài từ chán nản đến biết ơn sâu sắc.

Tiger Ye (không phải danh tính thật) là một sinh viên 21 tuổi ở thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch virus corona (covid-19)

Lần đầu tiên Ye nghi ngờ anh nhiễm virus covid-19 là vào ngày 21/1, khi anh cảm thấy quá mệt để có thể ăn xong bữa cơm tối. Ye kiểm tra và kết quả là thân nhiệt của anh đã tăng lên.

Hành trình vượt qua 'cửa tử' của một bệnh nhân nhiễm virus covid-19 ngay tâm dịch Vũ Hán - Ảnh 1.

Anh Tiger Ye tại nhà vào hôm 13/2 sau khi được cho phép rời khu vực cách li. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Vào thời điểm đó, có rất ít thông tin về virus covid-19, nhưng tâm lí hoảng loạn thì đã nhanh chóng hình thành sau khi các nhà chức trách xác nhận virus covid-19 đang lây từ người sang người bên trong thành phố 11 triệu dân Vũ Hán.

Vào nửa đêm hôm đó, khi Ye đến Bệnh viện Đồng Tế, anh thấy một phòng chờ chật cứng những người có triệu chứng tương tự. Anh bồn chồn, biết mình sẽ phải đợi hàng giờ liền để có thể xét nghiệm.

"Tôi sợ", anh nói. "Vô số hồ sơ bệnh án đang chất đống trên bàn và bác sĩ nào cũng mặc quần áo bảo hộ, tôi chưa từng thấy cảnh tượng này bao giờ".

Hơn hai tuần tiếp theo, anh Ye sống trong lo lắng và tuyệt vọng khi cố xác định liệu anh có nhiễm virus covid-19 hay không và tìm cách điều trị các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng của mình.

Ye là một trong những người may mắn, chiến thắng bệnh tật một phần nhờ bố anh, vốn là một nhân viên y tế, đã nhận ra rủi ro của dịch bệnh sớm hơn hầu hết những người dân Vũ Hán khác.

Không có triệu chứng nghiêm trọng, Ye phải tự cách li theo lời khuyên của bác sĩ

Theo Bloomberg, có hơn 1.000 người đã chết vì dịch virus covid-19 ở tỉnh Hồ Bắc. Tình trạng thiếu hụt giường bệnh, bộ dụng cụ thử và các thiết bị y tế cơ bản khác buộc nhiều bệnh nhân phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ để được chẩn đoán và một số qua đời trước khi gặp được bác sĩ.

Vào đêm 21/1, Ye bỏ qua Bệnh viện Đồng Tế vì không thể chờ đợi và mua được thuốc tại một bệnh viện nhỏ hơn gần đó. Vì các triệu chứng của Ye không được xem là rất nghiêm trọng, các bác sĩ bảo anh chỉ cần về nhà và tự cách li.

4 ngày đầu tiên đối với Ye thực sự rất khó khăn.

"Tôi bị sốt cao và đau nhức toàn thân", anh kể. Là một "fan" lớn của văn hóa Nhật Bản, Ye dành nhiều ngày xem anime để khiến anh quên đi bệnh tật.

"Tôi ho như thể sắp chết đến nơi"

Sau 4 ngày, Ye đến khám lại tại Bệnh viện Đồng Tế. Cũng chính vào thời điểm này, chính quyền thành phố Vũ Hán ra lệnh phong tỏa, cấm bất kì ai rời khỏi thành phố để ngăn dịch virus covid-19 lây lan.

Mọi thứ thay đổi trong tích tắc: đường xá vắng tanh, giá rau quả tươi tăng vọt và người dân không chắc họ có được phép rời khỏi căn hộ của mình hay không.

Tình trạng của Ye cũng xấu đi. Anh kể: "Tôi ho như thể mình sắp chết".

Tại Bệnh viện Đồng Tế, nhiều lần chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) cho thấy có khả năng Ye đã nhiễm virus covid-19 và nó đã lan đến phổi của anh.

Các bác sĩ đã cân nhắc liệu Ye có đủ điều kiện để xét nghiệm axit nucleic hay không, tuy nhiên cuối cùng họ cho rằng trường hợp của anh chưa đủ nghiêm trọng và nguồn bộ dụng cụ thử quí giá cần được để dành cho những bệnh nhân nguy kịch hơn.

"Tôi nghĩ tôi đang gõ cửa địa ngục"

Khâu chẩn đoán được xem là một trong các trở ngại chính trong việc kiểm soát dịch virus covid-19 ở Hồ Bắc, nơi số ca nghi nhiễm đã vượt xa khả năng xét nghiệm của bệnh viện.

Vào hôm 13/2, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc đã bắt đầu tính gộp số bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng bằng phương pháp CT vào số trường hợp dương tính với virus covid-19 khi xét nghiệm axit nuleic, khiến số ca nhiễm bệnh mới chỉ riêng trong ngày 12/2 tăng lên gần 15.000 người, gấp 10 lần số ca nhiễm mới của ngày hôm trước.

Khi Ye nghỉ ngơi tại nhà sau lần khám thứ hai ở Bệnh viện Đồng Tế, không biết chính xác anh có bị nhiễm virus hay không, thì anh trai và bà của Ye cũng bắt đầu có triệu chứng tương tự. Qua một đêm, tình trạng của Ye chuyển biến xấu đến mức anh nghĩ mình có thể chết.

"Tôi nghĩ tôi đang gõ cửa địa ngục", Bloomberg dẫn lời anh Ye cho hay.

Ye quay trở lại bệnh viện sau khi thân nhiệt của anh tăng vọt lên 39 độ C. Các bác sĩ sử dụng liệu pháp truyền tĩnh mạnh và bơm Kaletra vào người Ye. Kaletra là một loại thuốc chuyên dùng để điều trị HIV và đã cho thấy một số thành công bước đầu trong việc chống lại virus covid-19.

Vào cuối ngày hôm đó, thân nhiệt của Ye đã giảm xuống 37 độ. Một tuần sau khi các triệu chứng bắt đầu, sức khỏe của Ye dường như sắp chuyển sang bước ngoặt mới.

Hành trình vượt qua 'cửa tử' của một bệnh nhân nhiễm virus covid-19 ngay tâm dịch Vũ Hán - Ảnh 2.

6.723 trường hợp được chữa khỏi ở Trung Quốc là nỗ lực lớn lao của đội ngũ y bác sĩ, bất chấp tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật tư y tế. (Ảnh: Wall Street Journal, số liệu: Bộ Y tế Việt Nam)

Sự hồi phục của Ye không thể thiếu nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ

Tình trạng của nam sinh viên 21 tuổi Tiger Ye đã cải thiện dần sau khi anh có được một bộ dụng cụ thử vào ngày 29/1. Kết quả xét nghiệm cho thấy Ye đã nhiễm chủng virus covid-19, dịch bệnh khiến lệnh cấm du lịch được ban bố trên toàn thế giới.

Bác sĩ cho Ye sử dụng thuốc khắc chế virus Aluvia trong 5 ngày và sau đó cho phép anh quay về căn hộ để tự cách li, một phần vì bệnh viện cũng không có đủ giường bệnh.

9 ngày sau, vào ngày 7/2, một loạt các xét nghiệm axit nucleic khác cho thấy Ye đã âm tính với virus covid-19, tuy vậy anh cũng chưa thể an tâm.

Sau khi có nhiều thông tin cho biết ngay cả những bệnh nhân đã âm tính với virus cũng có thể rơi vào tình trạng nguy kịch, chính quyền địa phương đã cách li Ye tại một bệnh viện dã chiến được chuyển đổi từ một khác sạn. Cảnh sát đứng bảo vệ bên ngoài để đảm bảo "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Ye được phép về nhà 5 ngày sau đó, kết thúc một câu chuyện dài bắt đầu từ hơn ba tuần trước.

Anh rất biết ơn vì mình vẫn còn sống và trân trọng những y bác sĩ đã mạo hiểm cả tính mạng để cứu sống anh. Một số bác sĩ nói với Ye rằng họ nghi ngờ bản thân nhiễm virus covid-19 nhưng vẫn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.

Tờ South China Morning Post dẫn lời một bác sĩ giấu tên ở Bệnh viện Vũ Hán chia sẻ ông đã không về nhà trong suốt hai tuần và phải thăm khám đến 150 bệnh nhân trong một ca trực đêm mới đây. Trong khi đó, nhiều y bác sĩ phải cạo trọc đầu, đóng bỉm, đeo khẩu trang đến in hằn trên da hàng giờ liền trong khu cách li.

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 11h (giờ Việt Nam) ngày 14/2, ngoài Trung Quốc đã có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm virus covid-19. Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 64.438 và số ca tử vong là 1.380.

Đáng mừng là tại Việt Nam, dù đến thời điểm này đã ghi nhận 16 ca nhiễm virus covid-19 nhưng chưa có ca nào tử vong và đã có 7 trường hợp hồi phục, xuất viện.

Yên Khê