Nikkei: Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng yếu kém ngăn cản Trung Quốc kiểm soát dịch virus corona (covid-19)
Kể từ khi Trung Quốc được xem là một cường quốc kinh tế đang trỗi dậy nhanh chóng và có năng lực đáng nể về kĩ thuật, từ xây dựng cầu đường đến tàu cao tốc, một số người nhận định lĩnh vực chăm sóc y tế của nước này cũng phải phát triển ở trình độ tương đương.
Tuy nhiên, theo Nikkei Asian Review, phản ứng chậm trễ và rối rắm của Trung Quốc trước dịch virus corona (covid-19) cho thấy lĩnh vực chăm sóc y tế của đất nước tỉ dân chưa bắt kịp năng lực kĩ thuật của họ.
Vốn nhân lực hạn hẹp
Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giải pháp y tế cộng đồng ở Trung Quốc phải đối mặt với nhiều vấn đề. Một trong các thách thức lớn nhất chính là thiếu nguồn nhân lực trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Theo một nghiên cứu, Trung Quốc chỉ có khoảng 60.000 bác sĩ đa khoa, tức một bác sĩ phải thăm khám cho trung bình 23.000 người dân. Trong khi đó, tỉ lệ này ở Mỹ là một bác sĩ đa khoa/1.500 bệnh nhân.
Đồng thời, Trung Quốc cũng thiếu hụt đội ngũ chuyên gia y tế được đào tạo bài bản. Trong các trung tâm y tế cộng đồng, chưa đến 1/4 bác sĩ có bằng cử nhân trở lên.
Hay như cách đây một thập kỉ, chỉ 67% đội ngũ bác sĩ tại Trung Quốc học đến cao đẳng hoặc trung học, hầu như không đủ tiêu chuẩn để trở thành một chuyên gia y tế có trình độ cao.
Ngoài thiếu hụt vốn nhân lực, hệ thống y tế cộng đồng yếu kém của Trung Quốc còn liên quan đến một yếu tố khác. Y học cổ truyền Trung Hoa chiếm thị phần lớn thứ hai trên thị trường dược phẩm bán lẻ (29%), chỉ ngay sau dược phẩm hóa học.
Không xét đến các bằng chứng cho thấy hiệu quả về mặt dược học của y học cổ truyền Trung Hoa trong thử nghiệm lâm sàng, loại hình chữa trị này còn hút nguồn lực khổng lồ khỏi hoạt động cung cấp dịch vụ y tế cũng như nghiên cứu y khoa hiện đại.
Nikkei cho rằng giải quyết các thách thức lớn về y tế cộng đồng là mục tiêu mà chính phủ Trung Quốc nên đầu tư ngân sách vào thực hiện.
Thiếu quan tâm đến xây dựng hệ thống cơ sở y tế địa phương, công tác ngăn dịch virus corona (covid-19) gặp khó khăn
Mặc dù Trung Quốc rất giỏi về lĩnh vực xây dựng, các trung tâm y tế có thể chính là thị trường duy nhất ở đất nước tỉ dân bị bỏ quên trong thời kì bùng nổ của ngành xây dựng thập kỉ qua.
Năm 2009, Trung Quốc có 917.000 cơ sở y tế nhưng đến năm 2018, con số này chỉ tăng lên 997.000, tăng trưởng khoảng 1% mỗi năm.
Thay vào đó, Trung Quốc tập trung vào xây dựng các bệnh viện cao cấp có qui mô lớn, từ đó tạo ra nhiều loại hình dịch vụ y tế khác nhau. Ngày càng có nhiều chuyên gia tập trung về các bệnh viện lớn ở thành phố lớn.
Năm 2018, các bệnh viện cấp cơ sở qui mô nhỏ và tập trung ở những thành phố nhỏ hơn có tỉ lệ lấp đầy giường bệnh là 57%, trong khi ở các bệnh viện cấp ba (cấp cao nhất trong hệ thống phân loại cơ sở y tế và nằm ở các siêu đô thị), tỉ lệ này là 98%.
Mức độ vốn nhân lực và dịch vụ thấp đã trở thành một vấn đề bức bối tại Trung Quốc. Hình ảnh bệnh nhân có hành vi bạo lực với nhân viên y tế đã trở nên phổ biến đến mức Trung Quốc phải ra một đạo luật đặc biệt nhằm xử lí hành vi này.
Nhiều nghiên cứu về dân số nói chung cho thấy người dân Trung Quốc không thật sự hài lòng với một số khía cạnh của dịch vụ chăm sóc y tế trong nước, từ thái độ tôn trọng và giao tiếp với bệnh nhân đến vấn đề về tổ chức và tương tác với bác sĩ.
Người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay có thể nhận được gần như mọi thứ chỉ trong vài giờ nhưng lại thất vọng trước trình độ yếu kém của đội ngũ y bác sĩ và thực trạng thiếu thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Nikkei mô tả.
Tuy vậy, Nikkei cho rằng khoản đầu tư lớn nhất mà chính phủ Trung Quốc đã thực hiện để giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng liên quan đến nhiều dịch bệnh chính là cuộc cách mạng nhà vệ sinh.
Bắt đầu từ vài năm trước, nhà vệ sinh xả nước đã về đến tay các hộ gia đình ở nông thôn, đồng thời nhà vệ sinh công cộng ở các trung tâm đô thị đông đúc cũng đã được cải thiện. Chính những điều này giúp nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh của Trung Quốc.