Bloomberg: Dịch virus corona (covid-19) khiến chủ nhà máy lẫn công nhân Trung Quốc đứng ngồi không yên
Bà Janey Zhang, chủ một nhà máy sản xuất ô (dù) ở thành phố Thượng Ngu (tỉnh Chiết Giang), đã dành nhiều ngày để xem tin tức cập nhật về diễn biến dịch virus corona (covid-19) và nhận điện thoại của các công nhân đang trong hoàn cảnh túng thiếu, giải đáp cho họ biết khi nào có thể đi làm trở lại.
"Tôi không biết nữa", bà Zhang, chủ sở hữu nhà máy Zhejiang Xingbao Umbrella với khoảng 200 công nhân, cho hay.
"Chúng tôi đang chờ chỉ thị của chính phủ. Nếu chỉ có mình tôi, tôi có thể thắt lưng buộc bụng vài tháng. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy yếu. Khi đó mọi thứ sẽ thật khủng khiếp", bà nói thêm.
Trên khắp trung tâm sản xuất nằm bên bờ biển phía đông của Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Hàng nghìn công ty đang "án binh bất động", chờ đợi thông tin từ chính quyền địa phương để biết khi nào có thể hoạt động trở lại.
Ngay cả khi được cấp phép nối lại hoạt động, doanh nghiệp phải mất nhiều ngày để kêu gọi toàn bộ nhân viên quay lại làm việc, vì rất nhiều người trong số họ đã trở về quê nhà ăn Tết Nguyên đán và bị kẹt lại bởi lệnh hạn chế di chuyển.
Các đơn hàng đã hoàn thiện sẽ bị dồn ứ ở đâu đó, vì các công ty logistics cũng không thể vận hành.
Dịch khởi phát ở Hồ Bắc, nhiều tỉnh thành khác bị vạ lây
Nỗ lực ngăn chặn dịch virus corona (covid-19) của chính phủ Trung Quốc không chỉ diễn ra ở tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn dịch. Với qui mô 4,6 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 660 tỉ USD), nền kinh tế tỉnh Hồ Bắc thậm chí còn lớn hơn Ba Lan hoặc Thụy Điển và hiện chiếm 4,6% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Tình trạng gián đoạn ở Hồ Bắc lan rộng sang các tình thành khác và gây ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vào lúc cao điểm hồi tuần trước, doanh nghiệp ở các tỉnh thành chiếm khoảng 69% tổng GDP của Trung Quốc đều đóng cửa, Bloomberg ước tính.
Mặc dù Hồ Bắc không phải là một trung tâm xuất khẩu, các nhà máy dọc bờ biển phía đông Trung Quốc (tức bao gồm khu vực tỉnh Hồ Bắc) lại gắn bó mật thiết với chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, hàng nghìn nhà máy đóng cửa có thể phá vỡ dây chuyền lắp ráp ở Hàn Quốc và Ấn Độ.
Bloomberg Economics ước tính nếu ổ dịch Hồ Bắc được kiểm soát hoàn toàn, tác động đến nền kinh tế Trung Quốc sẽ khá nghiêm trọng nhưng không kéo dài. Tăng trưởng kinh tế của đất nước tỉ dân sẽ chững về mức 4,5% trong quí I sau đó phục hồi và ổn định ở nửa sau của năm 2020.
Quĩ đạo trên sẽ giúp tăng trưởng cả năm 2020 của nền kinh tế Trung Quốc đạt 5,7%, thấp hơn 0,2 điểm % so với dự đoán của Bloomberg Economics trước khi dịch bùng phát và cũng giảm so với tăng trưởng 6,1% vào năm 2019.
Nếu nỗ lực kiểm soát dịch virus covid-19 kéo dài lâu hơn, tác động của dịch đến tăng trưởng sẽ lớn hơn.
Dịch virus corona chưa có tiến triển, doanh nghiệp than thở, công nhân chịu thiệt
Ông David Ni, CEO của hãng Jiangsu Siborui Import and Export (có trụ sở ở thành phố cảng Trường Giang, tỉnh Nam Kinh), chia sẻ: "Chúng tôi đang bỏ lỡ mùa bán hàng cao điểm của công ty".
Theo Bloomberg, Jiangsu Siborui chuyên mua bánh xe hơi làm từ hợp kim nhôm từ các nhà sản xuất Trung Quốc và sau đó xuất khẩu đến các chuỗi bán lẻ ở Mỹ.
Ông Ni cho hay chưa có nhà cung ứng nào của Jiangsu Siborui quay lại làm việc, và cũng không rõ khi nào họ sẽ bắt tay vào sản xuất. "Các chủ nhà máy không thể làm gì ngoài chờ đợi. Nếu cứ thất thường như vậy, dịch virus covid-19 có thể khiến sản xuất bị đình trệ trong ít nhất hai tháng. Hầu hết nhà máy không thể kiếm ra tiền trong năm nay".
Đối với các nhà máy chuyên sản xuất hàng hóa cấp thấp ở Trung Quốc như đồ nội thất và điện thoại giá rẻ, dịch virus corona là mối đe dọa mới nhất đến khả năng tồn tại của họ.
Vốn đã hoạt động dựa trên biên lợi nhuận mỏng vì chi phí lao động và vật liệu tăng cao, những doanh nghiệp này lại phải chịu thêm đòn đau từ thuế quan trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump đối với 360 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Đối với một số công ty khác, sự bùng phát của dịch virus corona thậm chí còn là mối đe dọa nghiêm trọng hơn.
"Tác động của dịch bệnh thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung", ông Zhou Xinqi - chủ công ty Cixi Jinshengda Bearing tại thành phố Từ Khê, tỉnh Chiết Giang, cho hay. 60% trong khối doanh thu 100 triệu nhân dân tệ của công ty này đến từ thị trường nước ngoài.
"Chiến tranh thương mại đã làm giảm biên lợi nhuận của chúng tôi, nhưng ít nhất công ty còn kiếm ra tiền", ông chia sẻ với Bloomberg. "Giờ chúng tôi không làm ra tiền. Chúng tôi đã thiệt hại hơn 1 triệu nhân dân tệ rồi".
Khoảng 90% trong số 300 công nhân của Cixi Jinshengda đến từ các tỉnh thành khác. Ông Zhou nói với nhân viên rằng họ không thể quay lại nhà máy cho đến khi chính phủ Trung Quốc đưa ra thông báo, cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Ông Zhou dự đoán Cixi Jinshengda không thể sản sản xuất trở lại ít nhất là cho đến ngày 25/2. Bất kì công nhân nào quay lại sớm sẽ phải tự trả chi phí khách sạn để tự cách li.