|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình thăng trầm của doanh nhân Úc nói tiếng Việt không sõi mở mô hình cà phê mới ở Hà Nội

13:47 | 02/06/2020
Chia sẻ
Trong lúc phần lớn doanh nghiệp ngành ẩm thực chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh cà phê và hoa của vị doanh nhân từ Úc tại Hà Nội vẫn phát triển. Nhưng trước đó, ông từng mất 1,2 tỉ đồng vì mắc sai lầm.

Anthony Mould là tên một doanh nhân Úc đang làm việc tại Việt Nam trong cửa hàng cà phê mang tên Tony’s mà ông tâm huyết xây dựng suốt một năm qua. Trong khi Soya Garden và nhiều chuỗi kinh doanh ẩm thực lao đao, doanh số coffee shop của ông Anthony tăng tới 20% trong mùa dịch COVID-19. 

Vì thế, Anthony đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh, thành lập chuỗi coffee shop khắp Hà Nội. 

Vị doanh nhân 6X đã kể lại hành trình từ ngày đầu tiên “say đắm” Hà Nội đến hành trình thành công với mô hình coffee hoa.

Doanh nhân Úc nói tiếng Việt không sõi đổ tiền mở coffee shop ở Hà Nội: 3 tháng đầu mất tiền tỷ, phất lên sau dịch - Ảnh 1.

Doanh nhân Úc Anthony Mould, người đứng sau coffee shop có doanh thu tăng 20% trong mùa dịch. Ảnh: Diên Vỹ

Anthony, vì sao ông chọn kinh doanh coffee shop, một lĩnh vực tưởng như đã bão hòa tại Việt Nam?

Trước khi nói về lựa chọn của bản thân, tôi muốn nói đến những ngày đầu lập nghiệp ở Việt Nam.

Tôi đến Việt Nam tháng 12/2018 và ngay lập tức “yêu say đắm” mảnh đất này. Tôi đi nhiều nơi như Đà Lạt, Đà Nẵng, Hạ Long… rồi mới chọn Hà Nội là điểm dừng chân cuối cho hành trình. 

Hà Nội giống như một thỏi nam châm thu hút tôi, khiến tôi quyết định ngay tức khắc rằng tôi sẽ ở lại đây và xây dựng một thứ gì đó. Bây giờ, sau hơn một năm gắn bó, tôi gọi Hà Nội là nhà.

Ở Úc, tôi có một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản. Úc vốn nổi tiếng với nông sản sạch. Nghề tay trái của tôi là đầu tư chứng khoán. Hiện tại, tôi vẫn kiếm tiền từ hai nguồn này. Nhưng kinh doanh coffee là giấc mơ của tôi, không đơn giản là nghề nghiệp mà tôi chọn lựa. Khi đến Hà Nội, tôi biết đã đến lúc tôi nên hiện thực hóa ước mơ đó.

Hành trình phát triển coffee shop tại Việt Nam có êm đềm và thuận lợi?

Tôi bắt đầu ước mơ với 2 quyết định có vẻ “an toàn” là mua lại một quán coffee ở gần đường Nguyễn Chí Thanh và một quán trà sữa Royal Tea nhượng quyền ở khu phố cổ. Người môi giới nói: “Thương hiệu này bán rất chạy, lợi nhuận rất tốt”. Nhưng rồi mọi thứ không suôn sẻ như tôi mong đợi. Thậm chí, tôi còn gặp phải hội bảo kê.

Mất trắng 1,2 tỷ đồng, tôi nghĩ: Tại sao ta phải tìm các cửa hàng chuyển nhượng? Tôi sẽ tự tìm địa điểm, tự sáng tạo menu đồ uống và công thức pha chế độc đáo, tự thiết kế coffee shop theo tưởng tượng của tôi, tự làm nên một thương hiệu “chỉ tôi mới có”. Đó chính là khi Tony’s coffee ra đời, khoảng tròn 1 năm về trước.

Một mình ở Việt Nam, nói không sõi và nghe không hiểu Tiếng Việt, ông xoay xở thế nào trong những ngày đầu tiên của coffee shop?

Hồi ấy, tôi thậm chí không biết đọc - viết tên đường Tiếng Việt; chỉ có thể "bập bẹ" nó chuyện với bạn bè bằng phiên âm Tiếng Anh những gì tôi nghe. Ví dụ, đường Nguyễn Đình Thi tôi đọc và viết là “Wang-Dan-Tae”, khiến nhiều người bạn không thể tìm ra địa điểm. Nhớ lại thì đó là một khởi đầu khó khăn và chật vật.

Tôi thuê một trợ lý giỏi Tiếng Anh. Chính cô ấy đã đồng hành và giúp đỡ tôi rất nhiều trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Tôi có một vài người bạn đáng tin cậy nữa. Ở Hà Nội, tôi gặp người tốt và cả kẻ xấu. Tất nhiên, ở đâu cũng vậy, những cuộc gặp gỡ như một ẩn số mà cuộc sống sắp đặt. Tôi lạc quan và hạnh phúc đón nhận.

Thời điểm đó, đa số mọi việc tôi phải tự thực hiện. Tôi tìm được địa điểm ở mặt đường Nguyễn Đình Thi ven Hồ Tây, rồi lại tìm một nhà thi công nội thất để hoàn thiện mọi thứ.

Mô hình coffee shop là cafe - hoa. Tôi yêu hoa, lấy một chút cảm hứng từ Paris. Khách đến uống cafe và được tặng hoa, hoặc mua hoa về, lãng mạn như những xe chở hoa ngang dọc Hà Nội. 

Đương nhiên, không gian quán đẹp, vị thế đắc địa phải đi kèm chất lượng đồ uống. Tôi có một số công thức đồ uống riêng từ những ngày còn sống ở Úc. Hành trang của tôi sang Việt Nam chỉ có ước mơ và vài công thức pha chế như thế.

Doanh nhân Úc nói tiếng Việt không sõi đổ tiền mở coffee shop ở Hà Nội: 3 tháng đầu mất tiền tỷ, phất lên sau dịch - Ảnh 4.

"Hành trang của tôi sang Việt Nam chỉ có ước mơ và vài công thức pha chế như thế", Anthony nói. Ảnh: Diên Vỹ

Điều khó khăn nhất khi vận hành coffee shop ?

Tìm nhân sự là việc khó nhất. Như tôi đã nói, cho đến giờ vốn tiếng Việt của tôi vẫn rất ít, hầu như không thể nghe hoặc hiểu. Tôi gặp khó khăn lớn trong việc tuyển dụng. Thời gian đầu, mọi thứ đã hoàn thiện cơ bản nhưng thời gian khai trương vẫn phải trì hoãn hàng chục ngày liền vì không có nhân viên. Thú thực, tôi khá lo lắng.

Một điều khó khăn nữa là hạn chế trong kinh nghiệm kinh doanh ngành F&B. Đó cũng là lý do vì sao tôi mất 1,2 tỷ chỉ trong vài tháng đầu đặt chân đến Việt Nam. Sau này, khi mọi thứ vận hành ổn định, tôi nhận ra rằng ta thực chất không cần quá nhiều kinh nghiệm mỗi khi muốn bắt đầu một kế hoạch nào đó, miễn là có đủ đam mê và đủ sức chấp nhận thất bại. Thất bại là cuộc sống. Khi vượt qua thất bại, đó là thành công mỉm cười. Sắp tới, tôi có kế hoạch mở rộng mô hình kinh doanh.

Đây liệu có phải thời điểm mở rộng kinh doanh phù hợp khi dịch Covid-19 chỉ vừa được kiểm soát và nhiều chuỗi nhà hàng, đồ uống có tiếng đang lao đao?

Một người bạn Việt Nam nói với tôi: trong nguy cơ, có cả nguy và cơ.

Khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, tôi buộc phải đóng cửa coffee shop trong 3 tuần. Chúng tôi tận dụng thời gian đó để “làm mới” hình ảnh, concept sau gần một năm hoạt động. Nếu bạn đến cửa hàng của tôi trước và sau dịch, bạn sẽ bất ngờ vì một hình ảnh rất khác. Tất nhiên, tôi vẫn trung thành với mô hình cafe hoa và hơi hướng Paris trong phong cách trang trí, thiết kế.

Tôi cũng nghe nói đến việc nhiều chuỗi F&B lao đao vì dịch, nhưng thật bất ngờ, doanh thu của chúng tôi đã tăng mạnh 20% kể từ khi kết thúc 3 tuần đóng cửa cho đến nay. Tôi có kế hoạch riêng về phát triển chuỗi coffee shop từ nay đến cuối năm, nhưng trước mắt phạm vi phát triển sẽ chỉ ở quanh nội thành Hà Nội. Tôi yêu Hà Nội.

Sau 1 năm hoạt động, liệu Tony’s Coffee đã đủ sức thu hồi vốn trước khi bàn chuyện mở rộng thành chuỗi coffee ?

Câu chuyện vốn và chi phí vận hành, tôi xin được phép giữ bí mật kinh doanh. Nhưng với tôi, giá trị lớn nhất tôi tạo ra không phải kiếm bao nhiêu tiền mỗi tháng, mà là trải nghiệm của khách hàng tốt đến đâu. Để thành công, bạn phải mang đến cho khách hàng hơn cả những gì họ muốn.

Tôi tự tay thiết kế lại coffee shop vài tháng một lần, theo từng mùa nhất định để tránh sự nhàm chán trong trải nghiệm. Menu đồ uống cũng thay đổi liên tục cho phù hợp với các mùa trong năm: các đồ uống đá xay, kem tươi giải nhiệt cho mùa hè, trà và chocolate nóng cho mùa đông chẳng hạn.

Tôi chỉ có thể hé lộ là thương hiệu của tôi hiện đã vận hành đủ ổn định để tính đến chuyện mở rộng mô hình thành chuỗi coffee shop với nhiều địa điểm khác tại Hà Nội. Hiện tại, tôi đang bắt đầu triển khai các kế hoạch này. 

Cá nhân tôi cho rằng F&B là ngành dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, không phải ngành kinh doanh thời vụ và ngắn hạn. Do đó, tôi nghĩ một chuỗi coffee shop ở Hà Nội là ý tưởng hoàn toàn khả thi.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này! Chúc ông thành công!

Diên Vỹ

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.