|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình thăng rồi trầm của anh chàng khởi nghiệp từ YouTube

10:49 | 29/01/2018
Chia sẻ
Từ việc quay video và đăng lên Youtube chỉ để tiêu khiển, Nguyễn Khánh Phương (SN 1992) đã biến niềm vui trở thành công cụ kiếm tiền.
 

5 năm trước, kiếm tiền trên Youtube là điều mới mẻ đối với nhiều người ở Việt Nam. Ở thời điểm Youtube chưa siết chặt và đưa ra các quy chế ngặt nghèo, nó là nơi nhiều người có thể kiếm tiền dễ dàng. Nguyễn Khánh Phương cũng đã bắt tay vào con đường kiếm tiền trên thị trường đó với sự tình cờ ngẫu nhiên.

Năm 2012, khi đang là sinh viên năm thứ hai của Đại học Công nghiệp Hà Nội, Phương lập kênh Youtube riêng. Từ một chiếc laptop cũ, cậu tự quay lại các chương trình giải trí hấp dẫn trên kênh truyền hình rồi đăng video lên Youtube.

hanh trinh thang roi tram cua anh chang khoi nghiep tu youtube
Nguyễn Khánh Phương, anh chàng từng kiếm bộn tiền từ Youtube trước khi lao đao vì sự thay đổi thuật toán của kênh chia sẻ video. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Lúc đó ít người tham gia quay lại các chương trình giải trí. Không phải ai cũng có thể xem trực tiếp các chương trình trên tivi, nhất là các bạn sinh viên, người ở trọ. Thế nên, các video của tôi đáp ứng nhu cầu của nhiều người nên có lượt truy cập lớn”, Phương chia sẻ.

Gần một năm trôi qua, Phương vẫn kiên trì làm như vậy mà chưa bao giờ nghĩ tới ý định kiếm tiền từ Youtube.

Tình cờ trong những buổi tham gia làm cộng tác viên cho một công ty chuyên hỗ trợ marketing, cùng với việc trải nghiệm quá trình tải video trên Youtube, Phương bắt đầu nhận ra đây là thị trường đầy tiềm năng. Sau đó cậu đẩy mạnh hơn nữa các video trên Youtube. Thay vì chỉ đăng nội dung video lên Youtube, cậu bắt đầu tìm hiểu về các thủ thuật để tối ưu SEO cho các video cũng như kỹ thuật trau chuốt sản phẩm.

Dòng tiền từ video trên Youtube bắt đầu xuất hiện. Cuối năm 2012, khoản tiền vào tài khoản hàng tháng đạt trung bình 200$/tháng. Vào những giai đoạn “bùng nổ”, dòng tiền từ Youtube đổ vào lớn gấp nhiều lần con số đó.

Giai đoạn hoàng kim chẳng kéo dài mãi. Phương nói việc Youtube thay đổi quy định liên tục, sự cạnh tranh gay gắt về nội dung khiến là hai yếu tố khiến tình hình trở nên ngày càng khó khăn.

“Bạn sẽ phải tìm hiểu Youtube đang áp dụng thuật toán nào, làm thế nào để nội dung hấp dẫn cũng như thu hút được người xem bằng các thủ thuật chuẩn SEO. Tình trạng thiếu nhân sự, ý tưởng nội dung bắt đầu cạn dần cũng khiến tôi cảm thấy khó”, Phương kể.

Hơn nữa, nhiều người khác thấy tiềm năng từ Youtube nên cũng "nhảy" vào. Hàng loạt doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, nhân sự và công nghệ cũng khai thác Youtube.

“Lúc khó khăn nhất, tôi vẫn quyết theo đuổi đến cùng mục tiêu đặt ra. Cứ mắc sai lầm rồi sửa. Tôi nghĩ tôi còn trẻ nên có thể tự cho phép bản thân thất bại. Nhưng tôi nghĩ thất bại sẽ là bài học tôi bước tiếp", Phương chia sẻ.

Xoay hướng khác, vẫn thất bại

Năm 2016, sự thay đổi thuật toán của Youtube khiến nhiều kênh rơi vào tình trạng “chết”. Các kênh của Phương cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Thời gian này, Phương vẫn loay hoay với mục tiêu tìm cộng sự. Việc lựa chọn sai nội dung cũng là một vấn đề lớn với cậu.

Hồi tưởng về thời gian đó, Phương nói: “Điều đầu tiên tôi nhận thấy là thất bại xuất phát từ người quản lý kém. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi không thể đưa ra được hướng phát triển tốt. Những thất bại đó tôi chưa từng chia sẻ với ai và luôn tự vấn một mình. Tôi tự tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục.”

Cũng trong năm 2016, Phương quyết định đổ toàn bộ thu nhập từ Youtube cho mảng kinh doanh khác. Nhưng chàng trai sinh năm 1992 vẫn không thể tìm ra công thức để thành công.

“Khi chuyển hướng mà vẫn thất bại, tôi rất sợ và luôn nghĩ bản thân kém cỏi. Cuối cùng, tôi ngộ ra một điều: Tất cả chi phí tôi mất là học phí để làm những việc lớn hơn sau này", cậu nói.

Vẫn quyết tâm kiếm tiền từ Youtube, nhưng Phương sẽ tránh những sai lầm trước đây. Cậu bắt đầu từ việc tìm cộng sự tâm đầu ý hợp và chọn hướng đi phù hợp.

"Càng hỏi nhiều bạn sẽ càng hưởng nhiều lợi ích. Đừng bao giờ quên đặt câu hỏi, tại sao sự việc lại xảy ra như thế này, tại sao lại như thế kia rồi liên hệ với tình hình thực tiễn của bản thân. Điều quan trọng nhất là: Khi bạn đã xác định khởi nghiệp thì đừng sợ khó khăn", Phương bình luận.

Hạ Thảo