|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình khởi nghiệp của kỹ sư Bách Khoa sở hữu siêu thị máy thực phẩm

06:13 | 04/09/2018
Chia sẻ
Niềm đam mê công nghệ thực phẩm đã dẫn dắt một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách Khoa theo con đường kinh doanh và trở thành ông chủ siêu thị máy thực phẩm.
hanh trinh tu ky su bach khoa toi ong chu sieu thi may thuc pham Huy Việt Nam - Ông chủ Phở Hùng, Món Huế rót 40 triệu USD xây hai nhà máy thực phẩm

Khi vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Nguyễn Bảo Ngọc đăng ký học ngành công nghệ sinh học. Sang năm thứ hai, trường mở thêm khoa Công nghệ thực phẩm nên anh đăng ký chuyển sang.

Tốt nghiệp đại học vào năm 2004, Ngọc tìm thấy cơ hội việc làm ở một nhà máy quốc phòng tại huyện Sóc Sơn. Chỉ trong gần một năm, anh đã thăng tiến tới chức trưởng phòng sản xuất. Trong thời gian đó, anh vẫn học thêm một chuyên ngành tại Đại học Bách Khoa. Tới năm 2005, vì di chuyển vất vả giữa nhà máy và Đại học Bách Khoa, anh thôi việc ở nhà máy rồi nhập máy thực phẩm từ Đức để bán lẻ. Chàng kỹ sư chọn phân phối máy thực phẩm vì đó là loại sản phẩm mà anh am hiểu, phù hợp với chuyên ngành mà anh học.

hanh trinh tu ky su bach khoa toi ong chu sieu thi may thuc pham
Nguyễn Bảo Ngọc, người thành lập siêu thị máy thực phẩm Quang Trung. Ảnh: Nguyễn Bảo Ngọc.

Bài học kinh doanh vô giá từ quá trình thuyết phục khách hàng

“Việc tìm khách không hề đơn giản. Hồi đó máy thực phẩm vẫn là sản phẩm xa lạ với nhiều người. Ngoài ra, máy của Đức có giá khá cao so với mức thu nhập trung bình của người dân. Tôi phải thường xuyên gặp khách hàng tiềm năng để thuyết phục họ dùng thử sản phẩm”, Ngọc kể.

Nhận thấy máy thực phẩm từ Trung Quốc có chất lượng khá ổn mà giá lại thấp hơn nhiều so với sản phẩm từ Đức, phù hợp với thu nhập của người dân hơn, từ năm 2007, Ngọc quyết định nhập sản phẩm từ Trung Quốc để phân phối. Một điều may mắn là những nhà sản xuất bên Trung Quốc hỗ trợ anh rất tích cực. Thậm chí họ sẵn sàng cho anh trả chậm tiền hàng, hoặc trả lại sản phẩm.

Sau khi chuyển hướng, Ngọc xác định các làng nghề, cơ sở kinh doanh thực phẩm là mục tiêu của anh. Ban đầu, anh tới các quán phở, nhà hàng để thuyết phục họ dùng thử máy. Khi chủ quán phở nhận thấy máy thái thịt có thể giúp họ giảm chi phí, tăng tốc độ làm việc, họ mới chi tiền để mua. Với phương thức tương tự, anh lần lượt tới các làng nghề ở Hà Nội và các tỉnh lân cận để bán máy.

“Hồi ấy, ở nhiều làng nghề tại Bắc Ninh và một số tỉnh khác, gần như cả làng mua máy của tôi vì nếu không dùng máy, chi phí của họ cao hơn, còn tốc độ làm sản phẩm lại chậm hơn những người khác trong làng”, Ngọc kể.

hanh trinh tu ky su bach khoa toi ong chu sieu thi may thuc pham
Một loại máy rang cơm, xào rau do siêu thị máy thực phẩm Quang Trung phân phối. Ảnh: Siêu thị Quang Trung.

Ngoài ra, Ngọc mở một cửa hàng ở đường Trường Chinh, Hà Nội rồi đăng sản phẩm lên các trang rao vặt. Hồi đó, mạng xã hội Facebook chưa phổ biến như bây giờ lên các trang rao vặt là kênh bán hàng khá hiệu quả. Hàng nghìn người từ các tỉnh tới Hà Nội để mua máy thực phẩm mà anh bán. Nhiều lúc đơn hàng vượt quá số lượng hàng trong kho khiến anh trở tay không kịp.

Song từ khi Facebook trở nên phổ biến, số lượng người bán máy thực phẩm tăng vọt theo từng năm. Số lượng đơn hàng qua các trang rao vặt giảm dần. Ngọc quyết định nâng cấp cửa hàng thành siêu thị máy thực phẩm Quang Trung ở đường Lĩnh Nam, đồng thời chuyên nghiệp hóa hoạt động bán hàng.

“Trong thời đại của mạng xã hội, nhiều người bán hàng lợi dụng những doanh nghiệp như chúng tôi để kinh doanh. Họ dùng những video, hình ảnh về sản phẩm của chúng tôi để quảng bá. Nhiều khách hàng tới siêu thị của chúng tôi để xem và thử sản phẩm, sau đó liên hệ với những người bán hàng nhỏ lẻ để lấy hàng. Nhận yêu cầu của khách, người bán mới mua sản phẩm với những thông số mà khách hàng cung cấp rồi giao cho khách. Sau khi giao hàng, người bán nhỏ lẻ sẽ không chịu trách nhiệm hướng dẫn, bảo hành sản phẩm”, Ngọc thổ lộ.

Cạnh tranh bằng sự tận tâm, trung thực, chất lượng

Sản phẩm của siêu thị máy thực phẩm Quang Trung không thể rẻ như mặt hàng của những người bán nhỏ lẻ. Nhưng anh luôn cử nhân viên hướng dẫn khách sử dụng thiết bị một cách chu đáo và bảo hành sản phẩm. Khi Facebook và Zalo chưa trở nên phổ biến, anh luôn sẵn sàng phái nhân viên kỹ thuật tới tận nhà người mua để hướng dẫn họ sử dụng thiết bị đúng cách.

“Bây giờ, nhờ khả năng đàm thoại video qua Facebook, Zalo và nhiều ứng dụng khác, chúng tôi có thể hướng dẫn khách hàng sử dụng từ xa”, Ngọc nói.

hanh trinh tu ky su bach khoa toi ong chu sieu thi may thuc pham
Am hiểu sản phẩm, tận tâm và trung thực với khách hàng là những lợi thế của Nguyễn Bảo Ngọc trên thương trường. Ảnh: Siêu thị Quang Trung.

Với sản phẩm máy thực phẩm, Ngọc không tuyển cộng tác viên kinh doanh hay đại lý vì người bán phải am hiểu sản phẩm để hướng dẫn khách sử dụng. Nếu không sử dụng đúng cách, những sản phẩm đắt tiền có thể hỏng trong khoảng thời gian ngắn, khiến khách hàng nghĩ người bán cung cấp máy “rởm”.

“Một chủ doanh nghiệp thực phẩm từng gặp tôi để phàn nàn rằng ông mua máy từ Đức nhưng nó hỏng sau gần một năm. Tôi nói rằng ông đã không sử dụng đúng cách nên máy của Đức vẫn hỏng sớm dù chất lượng rất cao. Sau đó, tôi gợi ý rằng ông có thể dùng máy của Trung Quốc từ siêu thị Quang Trung. Nếu máy hỏng trong vòng 3 năm, chúng tôi trả lại tiền cho ông. Điều kiện duy nhất là ông phải sử dụng máy theo đúng chỉ dẫn của chúng tôi”, Ngọc kể. 5 năm sau, dàn máy vẫn vận hành tốt và không chiếc nào hỏng.

Am hiểu sâu về sản phẩm, chăm sóc khách hàng tận tình, tư vấn trung thực chứ không bán hàng bằng mọi giá là những ưu thế của Ngọc trong kinh doanh. Mặc dù vậy, việc chưa tận dụng triệt để mạng xã hội và những công nghệ mới là những vấn đề mà anh phải khắc phục.

“Trong thời gian tới, công ty Quang Trung sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm trên Facebook, Zalo, Instagram, báo chí để người tiêu dùng biết tới chúng tôi. Bằng cách đó, chúng tôi hy vọng Quang Trung sẽ đưa những loại máy thực phẩm tốt tới khách hàng, giúp họ có cơ hội sử dụng máy đúng cách, hưởng chế độ bảo hành và chăm sóc tận tình”, Ngọc tâm sự.

Xem thêm

Kim Cương