Hàng Việt bị trả lại vì không hiểu luật Mỹ
Hàng loạt công ty xuất khẩu rau quả, thủy sản Việt đang “ngồi trên đống lửa” vì các lô hàng xuất khẩu có nguy cơ bị tiêu hủy, trả về. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các đơn vị xuất khẩu không nắm thông tin cũng như quy định của nước nhập khẩu.
Thế giới cấm, Việt Nam còn cho “lộ trình” sử dụng
Là một trong những công ty xuất khẩu trái cây hàng đầu vào thị trường Mỹ nhiều năm qua, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, chia sẻ: “Chúng tôi đang lo sốt vó vì đã nhận được cảnh báo từ phía nhà nhập khẩu Mỹ về các chất cấm mà nước này quy định với sản phẩm rau quả nhập từ Việt Nam. Trong đó lo nhất là hoạt chất carbendazim - chất diệt nấm - được sử dụng nhiều trong trồng cây ăn quả. Bởi sau khi phát hiện một số lô hàng rau quả Việt Nam dính chất này, Mỹ đã tiến hành xử phạt, bắt tiêu hủy và cảnh báo sẽ ngừng nhập nếu còn vi phạm”.
Cũng theo ông Tùng, cơ quan chức năng của Mỹ cũng xử phạt nhà nhập khẩu của nước này nếu vi phạm quy định trên. Đơn cử mới đây, một lô hàng của doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu sang Mỹ bị phát hiện có chất carbendazim. Lập tức lô hàng của nhà nhập khẩu Mỹ bị cơ quan chức năng nước này tiêu hủy và phạt hơn 50.000 USD. Sau đó nhà nhập khẩu đã gửi cảnh báo cho phía DN Việt, nếu còn vi phạm chất cấm thì nguy cơ sẽ mất thị trường xuất khẩu.
Không chỉ DN của ông Tùng mà nhiều công ty xuất khẩu rau quả, trái cây sang Mỹ cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Một số DN thừa nhận quy định về chất cấm trên của Mỹ đã có từ lâu nhưng DN có phần chủ quan nên chịu thiệt hại. Bên cạnh đó, các DN loay hoay tìm chất thay thế chất cấm nhưng lại không có. Ví dụ với chất cấm carbendazim, sau khi DN phản ánh thì đến tháng 1-2017, Bộ NN&PTNT mới có quyết định loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa ba hoạt chất gồm carbendazim, benomyl và thiophanate-methyl ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam; đồng thời các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa ba hoạt chất trên được buôn bán, sử dụng tối đa hai năm kể từ ngày 3-1-2017. Tức từ nay đến năm 2019 thì chất cấm trên mới bị cấm hoàn toàn. Điều này cũng đồng nghĩa nguy cơ rau quả, trái cây xuất khẩu sang Mỹ bị trả về vẫn treo lơ lửng.
“Đáng lẽ Bộ NN&PTNT phải có quyết định thu hồi, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất trên ngay lập tức, tránh thiệt hại cho xuất khẩu sang Mỹ. Bản thân DN cũng phải thay đổi cách quản lý, tổ chức lại vùng nguyên liệu để kiểm soát chất lượng sản phẩm” - đại diện một công ty xuất khẩu trái cây đề nghị.
Chuyên gia của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang kiểm tra trái cây Việt trước khi đưa vào chiếu xạ. Ảnh: QUANG HUY |
Hàng trăm DN bị hủy mã số kinh doanh
Tại hội thảo quốc tế liên quan đến các yêu cầu mới trong tiêu chuẩn chất lượng nông sản, thực phẩm diễn ra tại Cần Thơ mới đây, ông Herb Cochran, cố vấn Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), cho rằng các DN cần phải biết về bộ tiêu chuẩn của luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA) của Mỹ để giảm rủi ro, tránh chuyện hàng bị trả về.
Đặc biệt, nếu không tuân thủ yêu cầu mới thì sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng với các cơ quan chức năng của Mỹ và có nguy cơ bị phạt rất nhiều tiền, bao gồm cả việc bị cấm xuất khẩu sang thị trường này.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, dẫn chứng mặc dù đạo luật trên đã được ban hành từ rất lâu nhưng các cơ quan, DN lại ít chú ý về những quy định trong đạo luật này. Hệ quả là hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ gặp nhiều khó khăn và gặp nhiều rủi ro. Ví dụ, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay đã có tới 45% kiện hàng xuất sang Mỹ bị dội lại do thiếu các hồ sơ quy trình của sản phẩm, chưa kể đến chất lượng của sản phẩm.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ mới đây cũng cho hay theo quy định của FSMA, cứ hai năm một lần, nghĩa là vào các năm chẵn, các DN nước ngoài, trong đó có các DN Việt Nam đang xuất hàng thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Mỹ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới.
Tuy nhiên, theo thống kê gần đây của FDA, trước thời gian cho phép đăng ký lại, Việt Nam có tổng cộng 1.485 cơ sở sản xuất được FDA cấp mã số kinh doanh hợp lệ nhưng con số này hiện giảm xuống chỉ còn 806. Như vậy, có tới 679 cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã bị hủy mã số kinh doanh do không tiến hành đăng ký lại hoặc có tiến hành đăng ký lại với FDA nhưng không đúng thủ tục hiện hành vốn đã có nhiều thay đổi so với trước đây.
“Các cơ sở sản xuất tại Việt Nam do không biết mã số kinh doanh với FDA đã bị hủy và không còn giá trị vẫn cứ xuất hàng vào Mỹ sẽ bị từ chối không cho giao hàng hoặc tàu chở hàng bị từ chối không cho cập cảng. Hơn nữa, việc không có mã số kinh doanh hợp lệ của FDA mà vẫn cứ tiến hành giao hàng sẽ cấu thành tội “bị cấm nhưng vẫn làm” và có thể bị xử lý hình sự hoặc bị phạt rất nặng theo đạo luật về thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm của Mỹ” - Thương vụ Việt Nam tại Mỹ phân tích.
Trước thực tế trên, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo các công ty xuất nhập khẩu hàng thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Mỹ cần kiểm tra ngay với FDA xem mã số kinh doanh có còn hợp lệ hay không. Nếu mã số đã bị hủy, cần làm các thủ tục để đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ với FDA để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới. Tất cả công việc này đều cần phải hoàn tất trước khi xuất hàng vào Mỹ.
Cảnh báo nhưng vẫn thờ ơCác DN xuất khẩu tôm cũng đang đứng trước nguy cơ mất hàng loạt thị trường vì khó khăn đáp ứng quy định mới hàng rào kỹ thuật về bệnh dịch, tồn dư kháng sinh. Cụ thể, vừa qua sáu thị trường gồm Úc, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Trung Quốc, Brazil và Mexico đã yêu cầu các lô hàng tôm của Việt Nam phải xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh. Nếu không thì từng lô phải có chứng nhận sạch bệnh đối với sản phẩm tôm chưa nấu chín. Những thị trường này hiện chiếm đến hơn 25% tỉ trọng xuất khẩu tôm của Việt Nam, tương đương 800 triệu USD/năm. Tuy nhiên, theo Cục Thú y, đơn vị này đã nhiều lần cảnh báo về các quy định từ phía nước ngoài để phối hợp ứng phó nhưng các DN vẫn khá thờ ơ. Ngay như hội nghị mới đây được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn về vấn đề này cho DN, Cục Thú y mời gần 40 DN để triển khai nhưng chỉ có… ba DN tham dự. _________________________________ Rau quả xuất khẩu của nước ta đã được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalG.A.P. Nhưng kẽ hở chính là cách quản lý. Cụ thể, một số DN bỏ mặc khâu giám sát quá trình trồng trọt dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép. Ngoài ra, cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo khiến thị trường thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc vẫn bán tràn lan. TS VÕ MAI, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/