|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng Việt bị chặn tại cửa khẩu vì… trộn hàng Thái

06:52 | 31/10/2019
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp bán trái cây sang Trung Quốc theo kiểu trộn hàng, đội lốt... khiến cả ngành bị ảnh hưởng theo.

Thời gian gần đây, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) đã xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sangthị trường Trung Quốc (TQ).

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VN), người vừa có chuyến công tác cùng đoàn Bộ NN&PTNT làm việc với phía TQ để giải quyết tình trạng ùn tắc trái cây tại cửa khẩu cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có vấn đề đảm bảo truy xuất nguồn gốc chưa tốt. 

Ngoài ra còn có tình trạng bao bì in một đằng, giấy tờ khai một nẻo nên kiểm dịch hải quan TQ tăng cường kiểm tra, kiểm soát... dẫn đến chậm thông quan.

“Có trường hợp một số lô hàng chôm chôm VN xuất sang TQ bị các cơ quan chức năng nước này chặn lại vì nghi ngờ có lẫn chôm chôm Thái Lan” - ông Nguyên khẳng định.

Nguyên nhân chôm chôm VN lẫn với mặt hàng cùng loại của Thái Lan có hai lý do. Thứ nhất, có thể đó là giống chôm chôm Thái Lan được trồng tại VN nhưng phía TQ lại cho rằng đó là hàng nhập từ Thái Lan, vi phạm về truy xuất nguồn gốc. Thứ hai, do nhu cầu nhập khẩu của TQ cần đơn hàng lớn, trong khi nhà cung cấp VN không đủ nên lấy thêm trái cây Thái Lan trộn lẫn vào để đủ đơn hàng.

Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Rau quả VN cũng tiết lộ có một số đơn vị xuất khẩu vi phạm quy định của TQ khi trộn thêm những loại trái cây mà phía thị trường này chưa cho phép nhập khẩu từ VN như sầu riêng.

Đồng quan điểm, đại diện một công ty xuất khẩu rau quả đánh giá có tình trạng trái cây Thái Lan mượn đường VN rồi tái xuất đi TQ. Các loại trái cây có xuất xứ Thái Lan được nhập khẩu về nước ta, sau đó xuất khẩu tiếp sang TQ chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, nhãn… Không chỉ trái cây Thái Lan mượn nước ta làm nơi quá cảnh để xuất sang TQ mà nhiều loại trái cây ngoại khác cũng tương tự.

Vị đại diện công ty xuất khẩu trái cây trên cho biết thêm, từ đầu tháng 10, hải quan TQ đã áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu. 

Riêng với mặt hàng trái cây, TQ áp dụng các yêu cầu mới về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc… khi xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, nhiều đơn vị thu mua, xuất khẩu lại chưa thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu này dẫn đến tình trạng hàng ách tắc.

“Trước đây mỗi xe chỉ mất khoảng 2-3 phút để qua cửa khẩu, chỉ kiểm mẫu một xe. Tuy nhiên, hiện nay sau khi phát hiện lô hàng lẫn trái cây Thái Lan và một số loại trái cây chưa được xuất sang nên phía TQ kiểm chặt từng xe, yêu cầu dỡ bạt, mở thùng. 

Tính ra mỗi xe thông quan mất 10 phút kiểm tra. Một số doanh nghiệp vi phạm khiến cả ngành bị ảnh hưởng theo” - đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Hàng Việt bị chặn tại cửa khẩu vì… trộn hàng Thái - Ảnh 1.

Doanh nghiệp VN và doanh nghiệp TQ giao dịch tại hội nghị hợp tác phát triển thương mại VN - TQ diễn ra mới đây. Ngay tại hội nghị, một hợp tác xã đã thỏa thuận cung cấp cho một số đối tác TQ trên 1.600 tấn trái cây các loại, trị giá trên 45 tỉ đồng. Ảnh: BCT

Cần bỏ suy nghĩ thị trường dễ dãi

Nhiều công ty xuất khẩu nông sản than thở thời gian gần đây TQ không chỉ siết nhập tiểu ngạch mà còn liên tục thay đổi các quy định trong nhập khẩu chính ngạch khiến nhiều mặt hàng nông sản VN trở tay không kịp. Hệ quả là hàng hóa ùn tắc, có mặt hàng thậm chí còn không thể xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy vậy, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho biết quy định của TQ không khó, công ty nào quen xuất khẩu chính ngạch đều thấy rất bình thường. Phía TQ mua hàng thì họ cần phải biết sản phẩm nuôi trồng ở đâu, đóng gói tại cơ sở nào để truy xuất nguồn gốc. Do trước nay nhiều người vẫn quen với việc sản xuất không có tiêu chuẩn, dễ dãi nên nay gặp khó.

“Cần phải tuyên truyền, tác động liên tục để nông dân lẫn nhà xuất khẩu hiểu rằng bây giờ yêu cầu chất lượng sản phẩm của TQ đã được nâng lên. Nếu chúng ta vẫn giữ tư tưởng TQ là thị trường dễ tính thì không còn phù hợp. Muốn bán hàng đi TQ phải tìm hiểu kỹ chuẩn mực của TQ” - ông Huy nhấn mạnh.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, ông Đặng Phúc Nguyên, cho hay hiệp hội khuyến cáo doanh nghiệp phải chấp hành những quy định truy xuất nguồn gốc của thị trường TQ. Tuyệt đối không trộn lẫn trái cây Thái Lan để cho đủ đơn hàng. 

Đối với việc TQ nhầm lẫn trái cây giống Thái Lan được trồng ở VN, ông Nguyên cho biết phía cơ quan quản lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp những thông tin về vùng trồng các loại trái cây trên cho phía TQ xác thực.

“Hiện VN được xuất khẩu chín loại quả sang TQ gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Còn các loại trái cây khác chưa được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào TQ như sầu riêng. Doanh nghiệp không nên nóng lòng vì Chính phủ đang đàm phán để TQ mở cửa nhập trong thời gian tới. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu nhanh chóng, thuận lợi qua TQ nên đầu tư sản phẩm chế biến. Ví dụ, sầu riêng doanh nghiệp có thể tách vỏ, cấp đông múi, đóng gói bao bì, xuất sang TQ” - ông Nguyên khuyến nghị.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh

Đối với nhóm hàng nông thủy sản, TQ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong chín tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả sang TQ đạt 1,91 tỉ USD, giảm khá mạnh 13,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Trước tình hình trên, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

"Đồng thời cần nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu. Từ đó giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu" - Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị.


Quang Huy