Hà Nội 21 °C | 04:08AM, 08/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hãng taxi của ông Phạm Nhật Vượng công bố giá cước: So găng giữa GSM với Mai Linh, Vinasun,…

13:59 | 28/03/2023
Chia sẻ
Mức phí của hãng taxi GSM được đánh giá là khá cạnh tranh so với các hãng taxi truyền thống.

Ngày 27/3 xuất hiện hình ảnh chụp bảng phí dịch vụ của GSM - hãng taxi điện do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng mới thành lập. Theo đó, giá mở cửa 1 km đầu tiên của GSM đang là 20.000 đồng. Từ km tiếp theo đến km thứ 25 là 15.500 đồng/km và 12.500 đồng là mức phí từ km thứ 26 trở đi.

Ngoài ra, hành khách sẽ được yêu cầu thanh toán phí cầu đường, bến phà & sân bay, nếu có. 

Nguồn tin của chúng tôi xác nhận đây là biểu phí chính thức của taxi GSM. “Theo dữ liệu cập nhật mới nhất thì GSM giá tốt hơn taxi truyền thống”, người này cho biết thêm.

Theo tìm hiểu, ứng dụng dành riêng cho tài xế GSM cũng đã xuất hiện trên App Store của iOS. Phía công ty cho biết trong tháng 4, khi đi vào vận hành, GSM sẽ có thêm ứng dụng đặt xe cho khách hàng, ngoài tính năng có thể đặt trên ứng dụng Be. 

“Ứng dụng sẽ tính lộ trình, đường đi, giá cước. Do đó, không lo bị lái xe đi đường dài, mất thêm phí”, phía GSM chia sẻ thông tin.

Sau hai thông tin mới cập nhật, theo chúng tôi quan sát, GSM tỏ ra đang có lợi thế hơn so với các hãng taxi truyền thống như Mai Linh hay Vinasun - hai hãng taxi có thị phần lớn ở Việt Nam.

 Đội hình xe taxi của GSM. (Ảnh: GSM).

Cạnh tranh về giá với taxi truyền thống

Thứ nhất, xét về mức giá cước dịch vụ. Theo khảo sát của người viết, trong mảng taxi truyền thống, GSM đang là hãng có mức phí thấp nhất. Đơn cử, với Mai Linh, giá mở cửa cho 1 km đầu là 20.000 đồng; tiếp theo đến km thứ 25 là 16.800 đồng/km; từ km thứ 26 trở đi là 16.600 đồng/km.

Hay như với VinasunTaxi, giá mở cửa 500 m đầu là 11.000 đồng, trong phạm vi 30 km là 18.200 đồng/km và từ km thứ 31 trở đi 15.100 đồng/km.

Tại Vinataxi loại hình 7 chỗ, khách hàng sẽ trả 12.000 đồng cho 500 m đầu mở cửa. Mỗi km tiếp theo đến km thứ 30 mức giá là 19.100 đồng/km và từ km thứ 31 trở đi mức giá là 15.100 đồng/km.

Hãng taxi của ông Phạm Nhật Vượng cho biết ngoài lựa chọn taxi điện tiêu chuẩn - sử dụng VinFast VF e34 thì khách hàng cũng có thể lựa chọn taxi điện cao cấp, sử dụng mẫu xe VinFast VF 8. Trong khi với các hãng taxi truyền thống khác, không có lựa chọn này.

Thứ hai, về tính minh bạch giá cước. Ngoài việc hợp tác với Be Group cho phép khách hàng đặt xe ngay trên ứng dụng Be, GSM cũng có ứng dụng gọi xe riêng. Do đó, khách hàng sẽ được cập nhật lộ trình, quãng đường và giá cước từ lúc đầu đặt xe, tương tự các nền tảng gọi xe công nghệ khác. 

Về điểm này, một số hãng taxi truyền thống khác cũng đã tham gia làm ứng dụng riêng, chẳng hạn như taxi Mai Linh. Ứng dụng Taxi Mai Linh được phát hành trên cả iOS và Android, cũng cho phép khách hàng tính toán cước di chuyển. 

Tương tự, Vinasun có ứng dụng riêng nhưng ứng dụng này chỉ cho biết. Theo phản hồi của người dùng trên nền tảng iOS, ở các tỉnh, ứng dụng chỉ ước lượng giá do đó mức phí khách hàng phải trả có thể khác so với phí hiển thị trên app.

“Cơn đau đầu” của các hãng gọi xe công nghệ

 Gọi xe trên ứng dụng di động của Grab. (Ảnh minh hoạ: Grab).

Với mức giá cạnh tranh như trên, không chỉ taxi truyền thống, ngay đến các “gã khổng lồ” gọi xe công nghệ như Grab cũng phải dè chừng GSM của ông Vượng. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với dịch vụ GrabCar, mức giá thấp nhất người dùng phải trả cho 2 km đầu tiên là 29.000 đồng, giá cước cho mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng và giá cước tính theo thời gian di chuyển sau 2 km đầu tiên là 450 đồng/phút.

Mức giá trên chưa bao gồm phí nền tảng, và các loại phụ phí khác. Giá cước có thể bị điều chỉnh khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày. 

Đối với GoCar của nền tảng Gojek, cập nhật bảng giá mới nhất cho thấy với xe 4 chỗ, giá mở cửa là 27.000 đồng, dưới 2 km tiếp theo là 2.000 - 3.000 đồng/km, trên 2 km có giá từ 9.000 đồng đến 11.000 đồng mỗi km. 

Tương tự GrabCar, GoCar cũng tính thêm phí theo thời gian di chuyển 400 đồng/phút, phí nền tảng 3.000 đồng/chuyến đi, phí khi đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất 13.000 đồng/chuyến đi, phụ phí ban đêm 20.000 đồng/chuyến đi, phụ phí điểm dừng 10.000 đồng/điểm dừng thêm và phụ phí thay đổi điểm đến 15.000 đồng.

Trong khi đó, lợi thế của GSM theo chia sẻ từ phía hãng, công ty taxi này cam kết sẽ không tính phụ thu trong trường hợp cao điểm, nắng mưa thất thường hay tắc đường. 

Ngoài chính sách giá, GSM còn cạnh tranh về yếu tố nào?

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng giám đốc GSM cho biết mô hình của GSM hoàn toàn giống mô hình taxi truyền thống về mặt vận hành nhưng khác biệt duy nhất tới từ ba yếu tố:

Phương tiện: Hiện đại, nhiều tính năng thông minh và hoàn toàn là xe điện, mang đến cho cả người lái lẫn hành khách trên xe nhiều trải nghiệm vượt trội như không ồn, không mùi, không khói bụi, tốt cho sức khoẻ, an toàn trong vận hành…

Công nghệ: Người dân có thể đặt taxi thông qua số tổng đài của hãng, đặt taxi tại các khu vực có điểm đỗ taxi hoặc có thể đặt ngay trên ứng dụng thông minh của hãng.

Cuối cùng, theo ông Thanh, chất lượng dịch vụ cũng sẽ là một điểm khác biệt. GSM sẽ lấy dịch vụ tận tâm làm kim chỉ nam trong mọi hoạt động, từ đó mang tới dịch vụ 5 sao cho người dùng.

Đức Huy

Tiêu dùng là động lực quyết định tăng trưởng của nền kinh tế 2025
Với nhận định trên, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ có các giải pháp để tăng thu nhập của người dân, kích thích tiêu dùng nội địa.