|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hạn chế gửi ngân hàng, NĐT cá nhân rót nửa tỷ USD vào chứng khoán trong tháng 8, tâm điểm nhóm bất động sản

12:09 | 01/09/2021
Chia sẻ
Trong tháng VN-Index lấy lại đà tăng điểm, nhà đầu tư cá nhân có tháng mua ròng lớn thứ 2 kể từ đầu năm với giá trị 12.180 tỷ đồng tại HOSE. Tâm điểm thuộc về nhóm bất động sản trong đó cổ phiếu họ Vingroup đóng góp tới hơn 65% giá trị.

NĐT cá nhân rót nửa tỷ USD vào chứng khoán, tăng trưởng tiền gửi ngân hàng thấp nhất 10 năm

Sau nhịp chỉnh mạnh trong tháng 7, VN-Index đã liên tục phục hồi từ vùng đáy lên ngưỡng 1.370 điểm. Ngay sau đó, chỉ số chịu áp lực điều chỉnh trở lại và giao dịch giằng co trước khi đóng cửa tháng 8 ở mốc 1.331,47 điểm, tăng 21,42 điểm (1,63%) so với phiên mở cửa.

Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành phố phía Nam là nguyên nhân chính gây nên tâm lý thận trọng từ các nhà đầu tư. Điểm sáng là thanh khoản hồi phục mạnh trong tháng 8 khi định giá thị trường đã trở về mức hấp dẫn hơn.

Cá nhân trong nước rót ròng hơn nửa tỷ USD trong tháng 8, mua vào hàng loạt cổ phiếu bất động sản - Ảnh 1.

VN-Index giao dich biến động sau khi phục hồi lên ngưỡng 1.370 điểm trong tháng 8. (Nguồn: TradingView).

Giá trị giao dịch bình quân toàn sàn tăng 15,3% so với tháng trước lên 30.177 tỷ đồng. Riêng thanh khoản tại HOSE tăng 23,4% và là tháng có thanh khoản lớn thứ hai trong lịch sử, chỉ sau tháng 6/2021.

Trái ngược với sức nóng trên thị trường chứng khoán, tiền gửi của cư dân tại ngân hàng chỉ ở mức 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm trước và là mức tăng trưởng tiền gửi thấp nhất trong một thập kỷ qua.

Mặc dù thanh khoản sôi động là động lực đưa chứng khoán tăng trưởng, việc rút tiền khỏi các nhà băng được dự báo sẽ kéo theo áp lực huy động vốn cho toàn ngành ngân hàng trong nửa cuối 2021.

Tháng 8: Cá nhân trong nước đánh dấu tháng mua ròng nhiều thứ 2 kể từ đầu năm - Ảnh 1.

Giao dịch khớp lệnh tại HOSE theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Giữa những nhịp biến động, sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền cá nhân đóng vai trò lớn trong việc dẫn dắt chỉ số tăng điểm. Nhóm này có tháng mua ròng lớn thứ 2 kể từ đầu năm với giá trị 12.180 tỷ đồng (hơn nửa tỷ USD) và là lực cầu lớn nhất tại sàn HOSE. Tính riêng giao dịch  khớp lệnh, họ mua ròng 11.194 tỷ đồng.

Trái ngược với xu hướng trước đó, nhà đầu tư ngoại quay lại bán ròng khớp lệnh 7.815 tỷ đồng tại HOSE trong tháng 8. Như vậy, nhóm này bán ròng trong 6/8 tháng kể từ đầu năm với giá trị lũy kế kỷ lục chạm mốc 32.005 tỷ đồng (1,39 tỷ USD). Tổ chức trong nước theo sau duy trì bán ròng 4.192 tỷ đồng tại HOSE, tương đương với giao dịch trong tháng 7. 

Nhóm ngân hàng giảm nhiệt, cổ phiếu bất động sản lên ngôi

Quan sát giao dịch theo từng ngành, dòng tiền thông minh tập trung chủ yếu tại nhóm bất động sản. Nhóm này được mua ròng hơn 8.918 tỷ đồng, đóng góp phần lớn cho chiều mua và tăng gấp gần 5 lần so với quy mô giao dịch trong tháng 7.

Sức hút của thị trường bất động sản một phần đến từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư cơ sở hạ tầng giúp tạo điều kiện cho nguồn cung, trong khi lãi suất vay mua nhà ở mức thấp chưa từng sẽ kích thích lực cầu hồi phục.

Theo sau, dòng tiền cá nhân dịch chuyển sang ngành hàng & dịch vụ công nghiệp và thực phẩm & đồ uống. Hai nhóm này được mua ròng lần lượt 1.829 tỷ đồng và 981 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên sàn.

Cá nhân trong nước rót ròng hơn nửa tỷ USD trong tháng 8, mua vào hàng loạt cổ phiếu bất động sản - Ảnh 3.

Giao dịch khớp lệnh theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trái lại, tại chiều bán, giao dịch bán ròng xuất hiện mạnh nhất ở bộ ba "bank, chứng, thép". Là nhóm dẫn đầu đà tăng trong 6 tháng đầu năm, những cổ phiếu này sẽ chịu áp lực chốt lời lớn nhất khi thị trường đã đi qua vùng đỉnh.

Cụ thể, cổ phiếu ngân hàng bị rút ròng lớn nhất 567 tỷ đồng, theo sau là dịch vụ tài chính (chủ yếu là các công ty chứng khoán) với 491 tỷ đồng và tài nguyên cơ bản (192 tỷ đồng).

Cổ phiếu "họ" Vingroup đóng góp khoảng 50% giá trị mua ròng trên HOSE

Thống kê giao dịch từng mã, hai cái tên thuộc nhóm Vingroup là VHM và VIC đều góp mặt trong top3 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất của các cá nhân.

Cụ thể, cổ phiếu VHM của Vinhomes dẫn đầu với giá trị mua ròng áp đảo 4.388 tỷ đồng, còn VIC (Vingroup) được mua ròng 1.228 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng bộ đôi này đã đóng góp 50% quy mô mua ròng trên toàn sàn HOSE.

Trong tháng 8, cổ phiếu VHM đã đánh mất 11,33% giá trị từ vùng đỉnh ngay khi cán mốc vốn hóa 400 nghìn tỷ sau khi hai cổ đông lớn đồng loạt bán ra hơn 132 triệu cổ phiếu. Diễn biến tương tự, VIC cũng mất đi 9,52% giá trị từ mức đỉnh 104.000 đồng/cp trong tháng 8.

Cũng thuộc top3 mua ròng, cổ phiếu DIG của DIC Corp ghi nhận quy mô giao dịch 1.608 tỷ đồng. Mặc dù lực cung trên thị trường gia tăng sau khi Địa ốc Him Lam và Thiên Tân lần lượt bán chốt lời chục triệu cổ phiếu trên vùng đỉnh, DIG vẫn tăng hơn 36% chỉ trong tháng 8 và hiện vẫn duy trì sắc xanh trong phiên mở cửa tháng 9.

Cổ phiếu DPM (Đạm Phú Mỹ) cũng được mua ròng 613 tỷ đồng tỷ đồng giữa lúc cổ phiếu phân bón đồng loạt bứt phá trước tỉnh hình khả quan của thị trường phân bón thế giới. Chỉ sau nửa đầu năm, DPM đã thực hiện 59% mục tiêu doanh thu, song đã vượt gần 140% kỳ vọng lãi cả năm.

Chiều mua ròng cũng có sự góp mặt của hàng loạt cổ phiếu như APH, NVL, SSB, LPB, GAS, MSB...với giá trị vào ròng dưới 650 tỷ đồng.

Cá nhân trong nước rót ròng hơn nửa tỷ USD trong tháng 8, mua vào hàng loạt cổ phiếu bất động sản - Ảnh 4.

Top 10 mã nhà đầu tư cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất tháng 8. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trở lại bên bán, STB của Sacombank chịu áp lực xả lớn nhất từ các cá nhân với giá trị 1.305 tỷ đồng. Sau khi tăng gần 77% kể từ đầu năm, áp lực bán mạnh trong tháng 8 khiến STB điều chỉnh hơn 8,5%.

Cùng chiều, cá nhân trong nước cũng rút ròng mạnh khỏi các mã MBB (531 tỷ đồng), TCB (459 tỷ đồng), HDB (364 tỷ đồng).

Trong tháng 8, Ngân hàng MB đã niêm yết bổ sung gần 980 triệu cổ phiếu sau đợt phát hành chia cổ tức năm 2020. Trước thời điểm phát hành, MBB chạm đỉnh hơn 44.000 đồng/cp (tương đương mức giá điều chỉnh 32.000 đồng). Đóng cửa phiên 31/8, thị giá mã này là 27.900 đồng/cp, tương ứng mức lỗ khoảng 13%.

Cũng chịu áp lực chốt lời tại vùng đỉnh, SSI bị bán ròng 643 tỷ đồng. Theo sau, lực rút ròng được duy trì tại các mã DGC, HSG, VJC, MWG, FPT... với giá trị đều dưới 300 tỷ đồng.

Thảo Bùi