|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền lớn trở lại nhóm bất động sản nhưng vẫn dè dặt với cổ phiếu ngân hàng

06:57 | 01/09/2021
Chia sẻ
Trong phiên tăng điểm thứ ba của VN-Index, nhà đầu tư cá nhân vẫn mua ròng hơn 315 tỷ đồng tại HOSE, trong đó mua qua khớp lệnh 278 tỷ đồng. Tâm điểm thu hút dòng tiền là nhóm bất động sản trong khi vẫn dè dặt với nhóm ngân hàng.

VN-Index tăng nhẹ do áp lực chốt lời gia tăng trước thềm nghỉ lễ 2/9

Thị trường ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp bất chấp lực cản từ các cổ phiếu ngân hàng. Điểm nhấn trong phiên là sức bật của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh nhóm bất động sản khu công nghiệp đang thu hút dòng tiền trở lại.

Đóng cửa phiên cuối tháng 8, VN-Index giữ được mức tăng 3,33 điểm (0,25%) lên 1.331,47 điểm, HNX-Index tăng 0,44% lên 342,81 điểm, UPCoM-Index tăng 0,59% lên 93,77 điểm.

Tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn là 28.360 tỷ đồng, tương đương hơn 572 triệu đơn vị. Tính riêng giao dịch khớp lệnh trên HOSE là 21.735 tỷ đồng, cải thiện so với phiên trước.

Cá nhân trong nước - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch theo nhóm nhà đầu tư và biến động của VN-Index trong 20 phiên gần nhất. (Nguồn: FiinPro).

Với áp lực chốt lời có phần gia tăng do tâm lý nghỉ lễ 2/9 đang đến gần, các cá nhân trong nước thu hẹp lực mua ròng về mức 315 tỷ đồng tại HOSE, trong đó mua qua khớp lệnh là 278 tỷ đồng.

Đối ứng với các cá nhân, khối ngoại tiếp tục bán ròng 190 tỷ đồng. Áp lực bán giảm nhẹ do nhóm này đã thực hiện chốt lời hàng loạt trong nhiều phiên trước đó.

Dòng tiền quay lại nhóm bất động sản, dè dặt với nhóm ngân hàng

Thống kê giao dịch khớp lệnh, nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp tiếp tục là tâm điểm thu hút lượng lớn lực cầu với giá trị 204 tỷ đồng. Quy mô giải ngân ròng giảm nhẹ so với mức 278 tỷ đồng trong phiên trước.

Nhà đầu tư cá nhân bất ngờ trở lại mua ròng 173 tỷ đồng các cổ phiếu ngân hàng sau nhiều phiên chốt lời. Trong phiên nhóm này thu hút hơn 4.700 tỷ đồng giá trị giao dịch toàn sàn và đóng góp 1,46 điểm cho đà tăng của VN-Index.

Nhóm này cũng mua ròng các cổ phiếu ngành thực phẩm & đồ uống (72 tỷ đồng) và dịch vụ tài chính (30 tỷ đồng).

Cá nhân trong nước - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trái lại, cổ phiếu tài nguyên cơ bản là tâm điểm xả ròng trong phiên 31/8 với quy mô 125 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần trước đó. Giao dịch tương tự cũng được ghi nhận tại 6 nhóm cổ phiếu, trong đó có hóa chất (59 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (24 tỷ đồng)...

Tâm điểm mua ròng thuộc về APH, VHM, DIG

Xem xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu APH của Tập đoàn An Phát Holdings là mã được mua ròng nhiều nhất với giá trị hơn 185 tỷ đồng, gần tương đương với phiên trước đó.

Tuy tăng điểm tích cực trong buổi sáng, áp lực chốt lời xuất hiện mạnh sau 2 phiên tăng kịch trần khiến APH mất đi xung lực tăng, đóng cửa ở mức giá tham chiếu 53.700 đồng/đơn vị.

Nối tiếp, lực cầu tập trung tại hai đại diện khác thuộc nhóm bất động sản là VHM và DIG với giá trị tương ứng 116 tỷ đồng và 81,5 tỷ đồng. Dòng tiền cá nhân có dấu hiệu trở lại với cổ phiếu nhà Vinhomes sau khi mã này đã đánh mất 11,33% giá trị từ vùng đỉnh giữa tháng 8.

Trong phiên giao dịch không mấy tích cực của nhóm ngân hàng, cá nhân trong nước mua ròng nhẹ một số cái tên như SSB, MBB, VPB, HDB với giá trị đều dưới 50 tỷ đồng. Theo sau, nhóm này cũng vào ròng tại các bluechip VNM, KBC, HCM...

Cá nhân trong nước - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Chuyển sang phía bán ròng, CTG của Vietinbank là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất hơn 82 tỷ đồng. Chỉ riêng đà giảm 1,55% tại CTG đã lấy đi gần 3,2 điểm của VN-Index. Theo sau, TCB của Techcombank cũng bị bán ròng 21,9 tỷ đồng khiến mã này đánh mất 1,42% giá trị trong phiên.

Dòng tiền cá nhân đồng thời rút khỏi hai ông lớn ngành thép là HPG (78,2 tỷ đồng) và HSG (45,8 tỷ đồng). Những mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có PDR, DGC, KDH, SSI, DCM, VJC...

Thảo Bùi