VinaCapital dự báo tăng trưởng EPS của chứng khoán Việt Nam giảm một nửa vì dịch đợt 4
Lợi nhuận teo tóp vì dịch bệnh
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg hôm 30/8, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư VinaCapital cho biết bộ phận phân tích của quỹ này từng dự báo lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của doanh nghiệp Việt Nam năm 2021 có thể tăng trưởng 35-40% so với 2020.
Tuy nhiên sau khi dịch đợt 4 bùng phát và kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay, VinaCapital hạ dự báo tăng trưởng EPS xuống còn 15-20%.
"Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các ngành cung cấp dịch vụ như khách sạn, hàng không, logistics. Giờ đây chúng tôi thấy cả các doanh nghiệp chuỗi cung ứng cũng bị tác động. Ảnh hưởng của COVID-19 đang ngày càng lan rộng trong nền kinh tế", ông Andy Ho nhận định và cho biết không chỉ lợi nhuận trong năm nay mà cả năm 2022 cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Fed không tác động nhiều tới Việt Nam
Cuối tuần trước, bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell được thị trường chứng khoán đón nhận khá tích cực khi ông cho biết Fed sẽ giảm bơm tiền trong năm nay nhưng sẽ không vội nâng lãi suất.
Ông Andy Ho cho rằng tác động của quyết định này tới Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi nói chung sẽ khá nhỏ.
Trong lần Fed giảm bơm tiền vào năm 2013, nhiều quốc gia đã bị bất ngờ và đồng nội tệ mất giá mạnh. Nguyên nhân là các nước này đã vay nợ rất lớn bằng đồng USD.
Hiện nay, Việt Nam không vay nhiều bằng USD, thậm chí dự trữ ngoại hối còn lớn hơn nhiều so với giá trị vay USD. Vì vậy, ông Andy Ho dự đoán quyết định của Fed sẽ ảnh hưởng không đáng kể tới nước ta.
Thanh khoản thị trường bùng nổ
Việt Nam còn rất nhiều tiền mặt ở trong dân và do vậy thị trường chứng khoán có dư địa để tăng trưởng và còn vùng đệm khi thị trường biến động.
Ông Andy Ho chỉ ra rằng lượng tiền khổng lồ trong nền kinh tế đã giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh từ khoảng 200 triệu USD (5.000 tỷ đồng) mỗi phiên hồi một năm trước lên 1,2 tỷ USD (28.000 tỷ đồng) mỗi phiên hiện nay.
"Chính phủ khuyến khích tái đầu tư trong nền kinh tế và có rất ít loại tài sản để lựa chọn như trái phiếu, tiền gửi kỳ hạn, vàng, bất động sản và tất nhiên là cổ phiếu niêm yết. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được nguồn vốn mà ở các nước khác không có", ông Andy Ho nói.
Ưu tiên doanh nghiệp có bảng cân đối và dòng tiền mạnh mẽ
Giám đốc đầu tư của VinaCapital cho rằng nhiều doanh nghiệp sẽ gặp muôn vào khó khăn trong thời kỳ giãn cách, phong tỏa hiện nay và tiêu chí quan trọng để lựa chọn doanh nghiệp rót vốn là một bảng cân đối kế toán lành mạnh và dòng tiền dồi dào.
"Nếu chúng tôi thấy doanh nghiệp có doanh thu giảm, giá cổ phiếu giảm nhưng bảng cân đối kế toán vững mạnh, thì đó chính là cơ hội để mua vào".
"Nhưng nếu bảng cân đối yếu và vay nợ nhiều thì doanh nghiệp sẽ rất khó để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay", ông Andy Ho nhận định.
Chuyến thăm đúng lúc của Phó Tổng thống Mỹ
Tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công du tới Việt Nam. Ông Andy Ho cho rằng chuyến thăm này diễn ra rất đúng lúc bởi nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đã đề nghị chính phủ Mỹ giúp đỡ bằng cách cung cấp thêm nhiều vắc xin cho Việt Nam, nhất là ngành sản xuất.
Ngay trong chuyến thăm, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 1 triệu liều vắc xin COVID-19. Hiện nay Mỹ là nước cung cấp cho Việt Nam nhiều vắc xin nhất.
Ông Andy Ho cho biết ộng đồng đầu tư rất hoan nghênh chuyến thăm này, đặc biệt là trong lĩnh vực may mặc và da giày, đây là các ngành mà Việt Nam xuất khẩu lượng hàng lớn sang Mỹ.