|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 31/8: Tự doanh CTCK rót tiền trở lại khi VN-Index có nhịp tăng gần 15 điểm

07:17 | 31/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index tiếp đà hồi phục, tự doanh và NĐT cá nhân đồng loạt chuyển vị thế mua ròng với tổng giá trị vào ròng hơn 500 tỷ đồng. Tâm điểm giao dịch của hai nhóm này là cổ phiếu chứng khoán và bất động sản.

VN-Index mở gap tăng điểm ngay từ đầu phiên và duy trì nhịp tăng tích cực đến cuối phiên. Đóng cửa, chỉ số sàn HOSE tăng 14,94 điểm (1,14%) lên 1.328,14 điểm.

Một số cổ phiếu ngân hàng đã có phiên retest đáy tháng 7 thành công như VCB, MBB, TCB,….tạo lực đẩy giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ. Dù nhóm bluechips đang quay trở lại nhưng nhóm midcap và smallcap vẫn có sức bật tốt với độ rộng nghiêng hẳn về bên mua.

Điều còn thiếu ở phiên này là thanh khoản chưa tạo được sự bứt phá cùng mức tăng mạnh của chỉ số. Cụ thể, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 25.636 tỷ đồng, giảm 1,8% so với phiên liền trước. Trong đó, giá trị giao dịch trên HOSE là 21.014 tỷ đồng.

Dòng tiền đầu tư lan tỏa vào thị trường khi có 16/19 nhóm ngành tăng điểm với mũi nhọn tăng trưởng đến từ nhóm y tế, bảo hiểm và tài nguyên cơ bản. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm thực phẩm và đồ uống, xây dựng và vật liệu trong khi giảm ở nhóm ngân hàng, bất động sản so với phiên trước đó.

Trong phiên VN-Index tiếp đà hồi phục, giao dịch khối ngoại không mấy khởi sắc khi họ tiếp đà bán ròng gần 400 tỷ đồng. Trong khi đó, các bên còn lại gồm tự doanh, tổ chức trong nước và NĐT cá nhân đều có sự hoán đổi vị thế giao dịch so với phiên cuối tuần trước.

 - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro).

Tự doanh dừng bán ròng, tập trung gom cổ phiếu bất động sản

Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, họ chuyển vị thế mua ròng 124,7 tỷ đồng sau ba phiên rút vốn trước đó. Theo ghi nhận, toàn bộ giao dịch được thực hiện qua kênh khớp lệnh.

Cụ thể, khối tự doanh mua ròng 8/18 ngành với giá trị vào ròng lớn nhất đặt tại nhóm dịch vụ tài chính, bất động sản. Top cổ phiếu được khối này mua ròng phiên ngày hôm qua gồm FUEVFVND, DXG, ACB, MSN, HPG, VNM, VHM, VRE, VIC, NVL. Như vậy, cả ba cổ phiếu họ Vingroup đều nằm trong danh mục mua ròng của tự doanh với tổng giá trị chưa đến 20 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, tự doanh công ty chứng khoán chủ yếu xả cổ phiếu bán lẻ. Top các mã bị khối này bán ròng gồm MBB, MWG, E1VFVN30, BID, VPB, FPT, TCB, TIP, PNJ, SMC.

 - Ảnh 2.

Top10 mã khối tự doanh mua/bán ròng phiên 30/8. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức trong nước chuyển bán ròng hơn 130 tỷ đồng

Giao dịch trái chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước bán ròng trở lại với giá trị 132,9 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 54,7 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 10/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp. Trong khi đó, họ mua ròng nhiều nhất cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc.

Giao dịch cụ thể theo từng mã, Top cổ phiếu bị khối này bán ròng có APH, DXG, GEX, SSB, VPB, TCB, MBB, ACB, DIG, DPM. Chiều ngược lại, dòng tiền của tổ chức nội chảy vào danh mục gồm VHM, SSI, VNM, CTD, GAS, VJC, SCR, VHC, VIC, STB.

Cá nhân trong nước chủ yếu mua bán đối ứng với nước ngoài

Về phía NĐT cá nhân, họ mua ròng 398,8 tỷ đồng, trong đó mua ròng 320,5 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 10/18 ngành, chủ yếu là ngành thực phẩm và đồ uống. Top mua ròng của NĐT cá nhân gồm APH, MSN, VNM, GEX, DIG, VPB, SSB, TCB, PNJ, MWG.

Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ rút vốn khỏi 8/18 ngành với lực bán chủ yếu tại nhóm ngành bất động sản, dịch vụ tài chính. Top bán ròng có VHM, SSI, VCB, CTG, STB, DGC, VJC, HCM, CTD. Có thể thấy việc mua bán ròng của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là đối ứng với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo quan sát, mặc dù cùng là bên xuống tiền nâng đỡ thị trường, vị thế giao dịch ở nhóm dịch vụ tài chính, bất động sản của NĐT cá nhân và khối tự doanh công ty chứng khoán hoàn toàn trái ngược nhau.

Khối ngoại duy trì quy mô bán ròng, tập trung vào nhóm thực phẩm và đồ uống

Trong phiên giao dịch đầu tuần, NĐT nước ngoài bán ròng 393,3 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 390,5 tỷ đồng.

Dòng tiền ngoại chủ yếu rút khỏi nhóm thực phẩm và đồ uống. Top10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng thông qua kênh khớp lệnh là VNM, MSN, FUEVFVND, PNJ, VIC, DIG, VCI, VHM, DGW.

Như vậy là nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra chứng chỉ quỹ Diamond (FUEVFVND) cùng với nhóm cổ phiếu lớn. Nhóm cổ phiếu họ Vingroup tiếp tục được bán ròng cả ba, trong đó VIC có chuỗi bán ròng dài nhất.

Ở chiều mua, lực gom khớp lệnh chính của NĐT ngoại là nhóm ngân hàng, hóa chất. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VCB, CTG, MBB, SSI, DGC, HSG, STB, PTB, VJC, HCM.

Thu Thảo

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.