Cá nhân trong nước mua ròng trăm tỷ phiên tăng điểm đầu tuần, tâm điểm nhóm thực phẩm
VN-Index tiếp tục hồi phục với sự dẫn dắt từ nhóm ngân hàng
Tiếp nối xu hướng tăng điểm phiên cuối tuần trước, thị trường có thêm một phiên hồi phục tích cực về cả điểm số lẫn thanh khoản. Mặc dù mở gap đầu phiên chạm ngay vùng kháng cự mạnh nhưng lực cầu ổn định giúp chỉ số duy trì đà tăng đến hết phiên.
Đóng cửa, VN-Index tăng 14,94 điểm (1,14%) lên 1.328,14 điểm với thanh khoản đạt 22.014 tỷ đồng. Tương tự, HNX-Index tăng 2,51 điểm (0,74%) lên 341,3 điểm, UPCoM-Index tăng 1,09 điểm (1,18%) lên 93,22 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên mua với 603 mã tăng (gồm 37 mã tăng trần) so với 177 mã giảm và 127 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, sắc xanh tại cổ phiếu của các nhà băng đóng góp tới 7,7 điểm cho đà tăng của chỉ số.
Trong phiên tăng điểm thứ hai của VN-Index, các cá nhân trong nước trở lại là lực mua lớn nhất toàn thị trường. Họ mua ròng 398,8 tỷ đồng tại HOSE, trong đó mua ròng khớp lệnh 320,5 tỷ đồng.
Đồng thuận với các cá nhân, nhóm tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng gần 125 tỷ đồng theo phương thức khớp lệnh.
Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài có động thái gia tăng áp lực bán ròng, trong đó nhóm này bán ròng mạnh nhất cổ phiếu thực phẩm & đồ uống. Theo sau, tổ chức nội cũng chuyển bán ròng nhẹ 55 tỷ đồng.
Tâm điểm mua ròng dịch chuyển sang nhóm thực phẩm & đồ uống
Thống kê giao dịch khớp lệnh, nhóm thực phẩm & đồ uống bất ngờ thu hút lượng lớn dòng vốn cá nhân với giá trị vào ròng 375 tỷ đồng. Như vậy, giao dịch nhóm này đối lập với áp lực bán mạnh từ khối ngoại.
Lực mua vào cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp tăng 15% so với phiên trước, theo đó nhóm này được mua ròng tổng cộng 278 tỷ đồng. Nối tiếp, các nhân cũng rót vốn ròng vào một số ngành như hàng cá nhân & gia dụng, y tế, bán lẻ...
Tại phía bán ròng, áp lực xả hàng mạnh nhất xuất hiện ở nhóm bất động sản. Nhóm này bị rút ròng lên tới 279 tỷ đồng, gấp 4,6 lần trong phiên cuối tuần trước. Diễn biến cùng chiều, nhóm dịch vụ tài chính (chủ yếu là các công ty chứng khoán) cũng chịu áp lực bán ròng 106 tỷ đồng.
Có thể thấy, dòng tiền đang có sự dịch chuyển từ ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản sang những nhóm sản xuất kinh doanh khác.
Phần lớn lực mua tập trung ở APH, MSN, VNM
Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu APH của Tập đoàn An Phát Holdings là mã thu hút lực mua ròng lớn nhất lên tới 199 tỷ đồng. Lực cầu tăng mạnh trong hai phiên gần đây khiến APH liên tiếp duy trì mức tăng trần với khối lượng giao dịch lên tới 11 - 12 triệu đơn vị, gấp gần 3 lần mức bình quân 3,3 triệu đơn vị trước đó.
Cũng trong ngày, hai lãnh đạo tại An Phát Holdings đã thông báo về giao dịch mua bán cổ phiếu từ ngày 6/9 đến ngày 5/10. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Trở lại chiều mua, dòng tiền nội tập trung ở hai "ông lớn" ngành thực phẩm & đồ uống là MSN (Masan) và VNM (Vinamilk) với quy mô mua ròng lần lượt đạt 187 tỷ đồng và 175 tỷ đồng. Đây cũng là hai mã bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trong phiên với tổng giá trị hơn 400 tỷ đồng.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu dẫn dắt, dòng tiền cũng phân bổ tại nhiều cổ phiếu bluechip như GEX, DIG, VPB, SSB, TCB, PNJ, MWG với giá trị đều dưới 60 tỷ đồng.
Trở lại phía bán ròng, cổ phiếu của Vinhomes tiếp tục dẫn đầu về quy mô rút ròng trong phiên thứ ba liên tiếp. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân bán ròng gần 351 tỷ đồng cổ phiếu VHM trong phiên 30/8, nâng tổng quy mô xả ròng chỉ sau ba phiên lên mức 1.150 tỷ đồng.
Hai cái tên lớn thuộc nhóm chứng khoán là SSI và HCM bị bán ròng 114 tỷ đồng và 22,8 tỷ đồng. Theo sau, nhà đầu tư rút ròng khỏi một số mã ngân hàng như VCB (70,3 tỷ đồng), CTG (69,1 tỷ đồng), STB (36,9 tỷ đồng) trong phiên nhóm này đồng loạt dẫn dắt thị trường.
Một số cổ phiếu cũng bị bán ròng nhẹ hơn lần lượt là DGC (33 tỷ đồng), HSG (29,5 tỷ đồng), VJC (26,7 tỷ đồng), CTD (21,9 tỷ đồng). Nhìn chung, giao dịch cá nhân tương đối trái ngược với xu hướng của nhà đầu tư ngoại.