|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đầu tư cổ phiếu ngành nào đón sóng quan hệ thương mại tích cực Việt Nam - Hoa Kỳ?

08:46 | 30/08/2021
Chia sẻ
Với nền tảng bền vững của mối quan hệ Việt - Mỹ, Chứng khoán BSC đánh giá việc mở cửa trở lại của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giao thương với Hoa Kỳ là nền tảng cho đà hồi phục của nền kinh tế. Một số nhóm hưởng lợi trực tiếp bao gồm ngành thép, dệt may, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển...

Trong giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng bình quân 18%/năm. Tính đến hết 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ chiếm 16,75% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ xếp sau Trung Quốc.

Theo số liệu đến tháng 6/2021 từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 1.100 dự án của Mỹ tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 9,7 tỷ USD, xếp thứ 11/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào nước ta. Bên cạnh đầu tư FDI, quốc gia này cũng gián tiếp rót khoảng 655 triệu USD thông qua các Quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Chứng khoán BSC: Đầu tư vào ngành nào theo triển vọng quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 1.

Nguồn: BSC, Bloomberg.

Việc chọn Việt Nam là một trong hai điểm dừng chân trong chuyến công du Đông Nam Á mới đây của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam đối với nền kinh tế Mỹ.

Với kỳ vọng mở ra chương mới cho quan hệ với Hoa Kỳ sau chuyến thăm, Chứng khoán BSC đã đưa ra nhận định về những ngành sẽ hưởng lợi trực tiếp từ quan hệ thương mại Việt - Mỹ, đặc biệt trong nửa cuối năm 2021.

Đầu tư cổ phiếu ngành nào đón sóng quan hệ thương mại tích cực Việt Nam - Hoa Kỳ? - Ảnh 2.

Ngành thép được dự báo hưởng lợi từ thị trường Mỹ. Ảnh: Hoàng Linh.

Ngành thép: Hưởng lợi từ giá thép tăng cao do nhu cầu tăng khi kinh tế hồi phục

Chứng khoán BSC: Đầu tư vào ngành nào theo triển vọng quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 2.

Nguồn: BSC.

Theo thống kê, giá các sản phẩm thép cán nóng (HRC) và thép cán nguội (CRC) tại thị trường Bắc Mỹ đã liên tục tăng trong vòng một năm qua. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu xây dựng và sản xuất tăng mạnh thúc đẩy hồi phục kinh tế sau dịch và nguồn cung bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa và giãn cách.

BSC cho rằng giá bán thép trong thời gian tới vẫn sẽ duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu xây dựng tăng mạnh khi gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD của chính phủ Mỹ có hiệu lực. Do đó, dư địa tăng trưởng xuất khẩu cho các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn tích cực.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép dẹt tại thị trường Bắc Mỹ sẽ giúp cho kết quả kinh doanh của các đơn vị có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021 (như Hoa Sen, Nam Kim).

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sắt thép từ Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 336.000 tấn (tương đương giá trị 332 triệu USD), chiếm 7% tổng kim ngạch và tăng trưởng 250% so với cùng kỳ.

Thủy sản: Cước vận tải và giá nguyên vật liệu ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi lợi nhuận

Mỹ luôn là một trong những thị trường xuất khẩu chính của ngành thủy sản Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường này đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tính riêng trong quý II/2021, hoạt động xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh đạt 567 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn với tỷ trọng chiếm tới 22%.

Mặc dù tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu được dự báo khả quan do nhu cầu tiêu thụ thủy sản hồi phục sau khi vắc xin được tiêm rộng rãi, BSC cho rằng chi phí vận tải và chi phí nguyên vật liệu neo cao sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này.

Cụ thể, chuyên gia phân tích cho rằng các doanh nghiệp thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt với rủi ro do giá cước vận tải vẫn đang ở mức cao. Mặt khác, giá các loại thức ăn chăn nuôi tuy đã giảm nhưng vẫn cao hơn 20% so với cùng kỳ. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí đầu vào do thức ăn đã chiếm khoảng 60% - 70% trong tổng chi phí nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Nam là rủi ro chính và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do năng suất lao động luân phiên giảm, số lượng lao động giảm cũng như phát sinh nhiều chi phí (chi phí 3 tại chỗ, chi phí kiểm dịch…).

Dệt may: Triển vọng khả quan nhưng cần chú ý ảnh hưởng của giãn cách xã hội

Trong nhiều năm, Mỹ luôn là một trong những thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may nước ta. Kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Mỹ năm 2020 đạt 14 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi trong nửa đầu năm, xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ cũng tăng trưởng mạnh, đạt giá trị 4 tỷ USD (tăng 41% so với cùng kỳ) và tiếp tục là thị trường lớn nhất với tỷ trọng 41%.

Trên cơ sở đó, BSC cho rằng kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục khả quan, tuy cũng cần lưu ý tới ảnh hưởng của giãn cách xã hội tại 16 tỉnh thành miền Nam đến hoạt động sản xuất trong hai quý tới.

Chứng khoán BSC: Đầu tư vào ngành nào theo triển vọng quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 3.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu Dệt may của Việt Nam. (Nguồn: BSC).

Tương tự với ngành thủy sản, doanh nghiệp dệt may cũng chịu ảnh hưởng từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Điều này có thể gây khó khăn trong việc giao đơn hàng đã ký kết đúng hạn và tâm lý e ngại khi ký kết đơn hàng mới giữa bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp

Tuy vậy, Chứng khoán BSC kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may sẽ tăng trưởng khả quan nhờ vào giá trị đơn hàng lớn đã ký từ đầu năm và đơn ký mới trong mùa tiêu dùng nửa cuối năm. Ngoài ra, mức nền thấp của năm 2020 cũng là yếu tố hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng.

Bất động sản Khu công nghiệp: Triển vọng kết nối hạ tầng giao thông và "mở khóa" nguồn cung đất KCN

Tỷ trọng nguồn vốn đầu tư FDI từ Mỹ vào nước ta đã liên tục được cải thiện kể từ sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tính riêng sau 6 tháng, giá trị đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn tăng 4% bất chấp diễn biến phức tạp của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư.

Chứng khoán BSC: Đầu tư vào ngành nào theo triển vọng quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 4.

Tổng vốn FDI đăng ký mới vào thị trường Viêt Nam. (Nguồn: BSC).

Đánh giá về triển vọng của ngành này trong nửa cuối năm, BSC kỳ vọng vào 4 yếu tố. Đầu tiên là việc “mở khóa” nguồn cung đất khu công nghiệp và xu hướng dịch chuyển mở rộng ra các khu vực tỉnh thành cấp 2, cấp 3. 

Lũy kế tháng 5/2021, có 25 dự án đầu tư KCN mới trong số 38 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN mới/mở rộng/phân khu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô lên đến 7,34 nghìn ha.

Nối tiếp, nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng cao vẫn là những yếu tố giúp giá cho thuê đất KCN duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm, đặc biệt giữa làn sóng chuyển dịch của các công ty từ Trung Quốc về Việt Nam.

Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn là rào cản lớn nhất dẫn đến sự đình trệ trong tiến độ giao dịch của khu công nghiệp trong bối cảnh nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao trong hai quý cuối năm.

Việc hạ tầng giao thông kết nối nhờ đẩy mạnh đầu tư công sẽ góp phần giải quyết nút thắt cổ chai “logistic”, hỗ trợ trực tiếp cho ngành bất động sản KCN trong trung hạn.

Cảng biển: Tăng trưởng theo đà hồi phục của kinh tế toàn cầu

Chứng khoán BSC: Đầu tư vào ngành nào theo triển vọng quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 5.

Kim ngạch XNK năm 2020 và dự phóng sản hàng hóa qua cảng năm 2021. (Nguồn: BSC).

Mỹ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với danh mục hàng loạt mặt hàng đa dạng. Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.

Chỉ trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 44,9 tỷ USD (tăng trưởng 42,6%) còn kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 9,5% lên mức 7,7 tỷ USD.

Với việc các quốc gia đang thúc đẩy chiến dịch miễn dịch toàn dân kết hợp với các chính sách kinh tế kích thích tăng trưởng tiêu dùng và đẩy mạnh sản xuất, ngành Cảng biển được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng với sản lượng hàng hóa lưu thông ước tính đạt 381 triệu tấn (+9% YoY) trong nửa cuối 2021 nhờ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.

Thảo Bùi