|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 30/8: Khối ngoại tiếp đà bán ròng phiên thứ ba liên tiếp với tâm điểm là VNM, MSN

16:59 | 30/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên thị trường diễn biến tích cực, khối ngoại tiếp tục giữ vị thế bán ròng hơn 392 tỷ đồng tại HOSE. Nhóm này tập trung rút ròng khỏi nhóm thực phẩm và đồ uống (VNM, MSN) nhưng mua vào hàng loạt cổ phiếu nhà băng (VCB, CTG, MBB) trong phiên nổi sóng dẫn dắt thị trường.

Kết phiên, VN-Index tăng 14,94 điểm (1,14%) lên 1.328,14 điểm, HNX-Index tăng 2,51 điểm (0,74%) lên 341,3 điểm, UPCoM-Index tăng 1,09 điểm (1,18%) lên 93,22 điểm.

Mặc dù tâm điểm hút tiền thuộc về nhóm vốn hóa vừa và nhỏ nhưng không thể phủ nhận vai trò dẫn dắt của cổ phiếu các nhà băng trong phiên 30/8. Trong số 10 mã ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số có tới 8 đại diện đến từ nhóm ngân hàng. Chiều ngược lại, sắc đỏ của MSN, VIC, LGC là tác nhân chính kìm hãm xung lực tăng điểm của thị trường.

Trên sàn HOSE, phía bán tiếp tục chiếm ưu thế trong cán cân giao dịch. Theo đó khối ngoại rút ròng phiên thứ ba liên tiếp với quy mô 392 tỷ đồng. Khối lượng bán ròng tương ứng đạt 6,9 triệu đơn vị.

Phiên 30/8: Khối ngoại tiếp đà bán ròng phiên thứ ba liên tiếp với tâm điểm là VNM, MSN - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Dẫn đầu chiều bán ròng là hai ông lớn ngành thực phẩm và đồ uống, Vinamilk (Mã: VNM) và Masan (Mã: MSN). Cụ thể, cổ phiếu VNM chịu áp lực xả hàng mạnh nhất với quy mô rút ròng lên tới 210 tỷ đồng, nối tiếp MSN bị bán ròng gần 195 tỷ đồng.

Kế đó, chứng chỉ quỹ ETF ngoại là FUEVFVND chịu áp lực xả lớn từ khối ngoại khi bị bán ròng hơn 4,3 triệu đơn vị, tương ứng gần 109 tỷ đồng. Giao dịch tại chứng chỉ quỹ này tiếp nối lực xả hơn 225 tỷ đồng trong tuần trước.

Trở lại giao dịch nhóm cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài duy trì đà xả khoảng 34 tỷ đồng tại hai cổ bluechip là PNJ và VIC. Theo sau, nhóm này cũng rút vốn khỏi hàng loạt cổ phiếu như GAS, DIG, VCI, VHM, DGW... với quy mô rút ròng nhỏ hơn.

Phiên 30/8: Khối ngoại tiếp đà bán ròng phiên thứ ba liên tiếp với tâm điểm là VNM, MSN - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở phía giao dịch mua, khối ngoại duy trì giải ngân vào nhiều cổ phiếu ngân hàng trong phiên nhóm này đồng loạt dậy sóng và dẫn dắt chỉ số. VCB (89 tỷ đồng), CTG (69,5 tỷ đồng), MBB (62,6 tỷ đồng) dẫn đầu danh mục mua ròng, theo sau là STB với 27,9 tỷ đồng.

Ghi nhận trong phiên, bộ đôi ngân hàng quốc doanh VCB, CTG cũng là hai mã đóng góp lớn nhất cho chỉ số với hơn 2,8 điểm. Đáng chú ý, sau nhiều ngày giảm liên tiếp, CTG đã tăng mạnh trở lại (3,7%), tuy vẫn thấp hơn gần 25% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 7.

Nhóm dịch vụ tài chính (chủ yếu là cổ phiếu chứng khoán) cũng là tâm điểm thu hút lực cầu trong phiên với SSI và HCM đồng loạt được mua ròng 41,2 tỷ và 16,8 tỷ đồng. Cùng chiều, đòng tiền tìm đến nhiều cổ phiếu với diễn biến tích cực như DGC, HSG, PTB, VJC...

Tại sàn HNX, tương quan giữa chiều mua/bán là 13,37 tỷ/29,49 tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại tiếp đà bán ròng hơn 16,1 tỷ đồng về giá trị, tương đương 816.647 đơn vị về khối lượng.

Giao dịch bán ròng tập trung chủ yếu tại các mã BCC (4 tỷ đồng), IDJ (3,4 tỷ đồng) và CDN (3,3 tỷ đồng). Lực bán xuất hiện sau khi giá cổ phiếu BCC đã tăng mạnh 24,8% trong 4 phiên giao dịch gần đây.

Nối tiếp, nhà đầu tư ngoại bán ròng trên 1 tỷ đồng hai cổ phiếu VNR, HUT, theo sau rút ròng nhẹ hơn khỏi hàng loạt cái tên như SHB, NVB, AMV, VKC...

Trái chiều, không có mã nào được rót vốn ròng trên 1 tỷ đồng trong phiên 30/8. Nhóm này mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VCS của Vicostone (839 triệu đồng), theo sau mua ròng lần lượt PVS (796 triệu đồng), SHS (443 triệu đồng), TC6 (328 triệu đồng)...

Thị trường UPCoM ghi nhận phiên mua ròng thứ 7 liên tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài. Họ giải ngân ròng với quy mô 13,3 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 182.420 đơn vị trên thị trường cổ phiếu.

Về giá trị cụ thể, ACV của Tổng CTCP Cảng hàng không Việt Nam thu hút lượng lớn dòng tiền ngoại với 9,2 tỷ đồng. Khối ngoại cũng duy trì giải ngân vào nhiều cổ phiếu quen thuộc trong danh mục như VTP (3 tỷ đồng), MML (1,7 tỷ đồng), QNS (1,4 tỷ đồng), ABI (955 triệu đồng).

Trở lại chiều bán, giao dịch rút ròng diễn ra mạnh nhất tại FOX của CTCP Viễn thông FPT (3,1 tỷ đồng). Mới đây, HNX đã chấp thuận việc giao dịch bổ sung 54,7 triệu cổ phiếu FOX mà đơn vị này đã phát hành trả cổ tức năm 2020.

Cùng chiều, một số cổ phiếu ghi nhận giao dịch cùng chiều gồm có DHD, SGB, VLB, PBG... với giá trị rút ròng lần lượt dưới 400 tỷ đồng.

Thảo Bùi