Tuần 23 - 27/8: Khối ngoại giảm quy mô rút ròng hơn 80% so với tuần trước đó, giao dịch cân bằng tại các bluechip
VN-Index đóng cửa tuần thứ 35 của năm 2021 với 2 phiên tăng và 3 phiên điều chỉnh, mất đi 16,23 điểm tương đương 1,22% dừng lại ở mức 1.313,2 điểm. Thị trường mở của tuần với một phiên lao dốc mạnh do tâm lý bi quan tiếp nối cuối tuần trước. Tuy phần lớn thời gian giao dịch diễn ra trong xu hướng giằng co, nhịp phục hồi trong phiên đóng cửa tuần giúp thu hẹp biên độ giảm của chỉ số.
Diễn biến tích cực hơn, HNX tăng 0,73 điểm (0,2%) còn UPCoM-Index chỉ giảm nhẹ 0,6 điểm (0,6%) sau tuần giao dịch biến động.
Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 20.888 tỷ đồng, giảm 25,8% so với thanh khoản tăng kỷ lục trong tuần trước đó bởi dòng tiền có xu hướng thận trọng để chờ đợi tín hiệu ổn định hơn.
Thống kê giao dịch khối ngoại, nhóm này bán ròng tại 4/5 phiên với áp lực xả hàng mạnh nhất trong phiên đầu tuần và hai ngày giao dịch cuối tuần. Phiên 24/8 đánh dấu phiên mua ròng duy nhất tại HOSE, tuy nhiên quy mô giải ngân chỉ đạt hơn 132 tỷ đồng.
Ở sàn HOSE, tiếp tục bán ròng với quy mô 1.047 tỷ đồng
Lũy kế trong tuần, tổng quy mô rút vốn trên HOSE là 1.047 tỷ đồng, trong đó 922 tỷ đồng được thực hiện qua phương thức khớp lệnh. Mặc dù duy trì xu hướng thoát hàng, điểm tích cực là giá trị rút ròng đã giảm hơn 81,5% so với tuần trước đó.
Áp lực bán ròng mạnh nhất thuộc về cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Mã này bị xả ròng 332 tỷ đồng, tuy vậy lực bán đã giảm khoảng 100 tỷ đồng do với tuần giao dịch liền trước.
Theo sau, khối ngoại tập trung xả ròng các mã MSN (242 tỷ đồng), VJC (239 tỷ đồng) và chứng chỉ ETF FUEVFVND (225 tỷ đồng). Trong đó, lượng lớn chứng chỉ FUEVFVND được bán ra trong phiên 23/8 (bán ròng 9,3 triệu đơn vị), còn cổ phiếu VJC của Vietjet bất ngờ được "sang tay" hơn 1,9 triệu đơn vị tại mức giá trần trong phiên cuối tuần.
Đối lập với giao dịch khối ngoại, hai tổ chức trong nước có liên quan đến chủ tịch Nguyễn Đăng Quang của Masan đã đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu MSN kể từ ngày 26/8 đến ngày 24/9.
Cổ phiếu GMD của Gemadept chịu áp lực bán ròng 149 tỷ đồng trong tuần. Trước đó, nhóm quỹ KIM Vietnam Growth Equity Fund đã bán ra hơn 1,8 triệu đơn vị cổ phiếu từ ngày 18/8 - 24/8, ước tính thu về gần 85 tỷ đồng.
Chiều bán cũng ghi nhận sự góp mặt của nhiều ông lớn ngành bất động sản như VHM, VIC, KDH, nối tiếp VPB, GAS cũng chịu áp lực xả mạnh trong tuần.
Trở lại bên mua ròng, cổ phiếu của Chứng khoán SSI có sự đảo chiều khi được mua ròng mạnh nhất với 411 tỷ đồng, trái ngược lực xả gần 800 tỷ đồng trong tuần trước đó. Nhóm này theo sau mua ròng 289 tỷ đồng cổ phiếu MBB của Ngân hàng MB.
Từ đầu tháng 8 đến nay STB của Sacombank và MBB là hai cổ phiếu được khối ngoại rót vốn mạnh nhất, đạt giá trị lần lượt là 1.071 và 871 tỷ đồng. Đóng góp vào xu hướng trên, nhóm này mua ròng hơn 40 tỷ đồng STB trong tuần qua.
Bên cạnh đó, chứng chỉ E1VFVN30 lại được mua ròng 71 tỷ đồng, tương ứng 2,9 triệu đơn vị. Theo quan sát, những nhà đầu tư nước ngoài còn rót vốn vào VNM, SAB, VHC, BVH, PHR, NLG với giá trị đều dưới 65 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại đảo chiều chốt lời hơn 56 tỷ đồng
Đồng thuận với giao dịch tại HOSE, khối ngoại có động thái bán ròng hơn 56,6 tỷ đồng tại HNX ngay sau tuần mua ròng trước đó, tập trung ở nhóm chứng khoán và ngân hàng.
Tại chiều bán, cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect bị rút ròng gần 30 tỷ đồng, tương đương với giá trị mua ròng tuần 16 - 20/8. Giao dịch diễn ra khi nhóm cổ phiếu chứng khoán trải qua nhiều phiên biến động và không giữ được đà tăng trước đó.
Một đại diện khác cũng bị bán ròng 9,7 tỷ đồng là SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội. Cùng chiều, dòng vốn ngoại rút khỏi SHB (12 tỷ đồng), DXP (8,9 tỷ đồng), NTP (7,8 tỷ đồng)...
Ở chiều ngược lại, DXS của Đất Xanh Services vươn lên dẫn đầu top mua ròng với 38,1 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần. Theo sau, khối ngoại giải ngân nhẹ hơn vào PAN, EVS, PVI, SRA...
Theo thông báo từ HNX, VND, DXS, PAN cùng 13 mã chứng khoán khác sẽ giao dịch tại HNX đến hết phiên 27/8 trước khi chính thức chuyển về HOSE vào ngày 6/9 tới đây sau khi tình trạng nghẽn lệnh đã được khắc phục.
Tại UPCoM: Duy trì xu hướng mua ròng gần 71 tỷ đồng
Có phần trái ngược với xu hướng giao dịch trên HOSE và HNX, nhà đầu tư nước ngoài nối tiếp xu hướng trong tuần trước khi mua ròng 70,91 tỷ đồng tại UPCoM, trong đó tâm điểm mua ròng là nhóm sản xuất thực phẩm, vận tải và xây dựng & vật liệu.
Thống kê theo từng mã, QNS của Đường Quảng Ngãi và CTR của Viettel Construction được mua ròng đồng thời 21,3 tỷ đồng.
Giao dịch QNS nhộn nhịp trở lại sau khi giá đường thế giới lên mức cao nhất trong 4 năm sau khi vụ đường ở Brazil, quốc gia cung cấp khoảng 40% sản lượng đường thế giới, có thể kết thúc sớm hơn nhiều thường lệ, khiến nguồn cung toàn cầu bị hạn chế.
Cùng chiều, các mã ghi nhận giao dịch tích cực còn có ACV (15,8 tỷ đồng), VTP (10,4 tỷ đồng), LTG (6,7 tỷ đồng)...
Trở lại chiều bán, cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt bị rút ròng mạnh nhất 8,8 tỷ đồng. Tuy vẫn dẫn đầu top bán ròng, lực xả tại mã này đã giảm gần 65% so với tuần trước.
Nối tiếp, giao dịch rút ròng còn xuất hiện tại VGI (5,1 tỷ đồng), theo sau là FOX, GHC, VNA...