|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lý do Fed sắp chấm dứt bữa tiệc trên Phố Wall và tác động vượt xa thị trường chứng khoán

10:52 | 30/08/2021
Chia sẻ
Việc Fed cắt giảm chương trình mua trái phiếu không chỉ ảnh hưởng đến giới đầu tư mà còn cả những người bình thường muốn mua nhà hay kinh doanh.
Lý do Fed sắp chấm dứt bữa tiệc trên Phố Wall và tác động vượt xa thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Nhà đầu tư tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images).

Trong hội nghị Jackson Hole, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell đã nói bóng gió về việc Fed sẽ sớm bắt đầu cắt giảm các chương trình kích thích kinh tế hậu đại dịch, hay còn được gọi là quy trình "tapering". Nhưng tapering thực sự có nghĩa là gì và vì sao lại khiến nhà đầu tư căng thẳng?

Câu trả lời: Về cơ bản, tiền bây giờ là miễn phí, nhờ hai phát súng của Fed: lãi suất gần 0 và khoản đầu tư khổng lồ vào trái phiếu đẩy lợi suất xuống đáy. Nếu Fed giảm kích thích kinh tế, chi phí vay có thể trở nên đắt đỏ hơn, đồng nghĩa với lợi nhuận giảm và Phố Wall buồn bã.

Tuy "tapering" nghe có vẻ hơi hàn lâm, nhưng quyết định của Fed có thể có tác động rất lớn đối với người thường, đặc biệt là những người có ý định mua nhà hay kinh doanh.

Cơn bão COVID-19

Để hiểu được hành động của Fed hiện nay, đầu tiên chúng ta phải hồi tưởng lại tháng 3/2020, khi COVID-19 ập vào Mỹ như một cơn bão khổng lồ. Doanh nghiệp đóng cửa, ít nhất 20 triệu người mất việc trong một tháng, Phố Wall rơi vào hoảng loạn.

Trong chưa đầy một tháng, chỉ số S&P 500 mất 30%. Giá trị tài khoản hưu trí của nhiều người giảm mạnh.

Khi Quốc hội mải tranh cãi xem nên làm gì, Fed đã liều mình ngăn chặn cuộc sụp đổ kinh tế và tài chính. Fed làm vậy bằng cách ngốn lấy các khoản nợ được chính phủ bảo đảm bất chấp bảng cân đối phình to. Về cơ bản, Fed ồ ạt xả tiền vào thị trường.

Fed đã duy trì việc này trong suốt một năm rưỡi qua, mỗi tháng mua khoảng 120 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp, tờ CNN cho biết. 

Với nguồn cung tiền dễ dàng từ Fed, nhà đầu tư đã quay trở lại từ bên bờ vực thẳm. Tháng 4/2020, chứng khoán Mỹ bắt đầu phục hồi, ngay cả khi nền kinh tế rơi sâu hơn vào suy thoái và đại dịch trầm trọng thêm. 

Sự mất kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế tồn tại một phần là do Fed duy trì lãi suất gần bằng 0 và đảm bảo với nhà đầu tư rằng cơ quan này sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ siêu lỏng cho đến khi nền kinh tế trở lại đúng hướng.  

Hãm phanh

Chương trình mua trái phiếu của Fed được thực hiện để ngăn chặn khủng hoảng và được kỳ vọng là sẽ chấm dứt một khi nền kinh tế đã có đủ đà để phục hồi từ cuộc suy thoái năm 2020.

Tin tốt là kinh tế Mỹ đang phục hồi khi ngày càng nhiều người tiêm vắc xin, trở lại việc làm, và phần lớn đã nối tiếp cuộc sống trước đại dịch. Điều đó có nghĩa là đã đến lúc giảm tốc chương trình mua trái phiếu.

Quy trình này đòi hỏi phải được tiến hành khéo léo, và Chủ tịch Fed đã rất thận trọng về cách thức và thời điểm bắt đầu điều chỉnh. Đạp phanh sẽ khiến nhà đầu tư hoảng loạn, nhưng nếu không giảm tốc thì kinh tế sẽ lao thẳng vào lạm phát.

Né "taper tantrum"

Fed rõ ràng đang cố tránh việc lặp lại hiện tượng "taper tantrum" năm 2013.

Vào thời điểm đó, Fed đã gây ra làn sóng hoảng loạn chỉ với việc đề cập đến kế hoạch giảm quy mô mua trái phiếu Kho bạc – hay còn gọi là chính sách nới lỏng định lượng. Fed bắt đầu chính sách nới lỏng định lượng để đối phó với suy thoái 2008 và nhà đầu tư đã bị nghiện với những khoản vay dễ dàng.

Việc Fed nhắc đến tapering đã khiến nhà đầu tư trái phiếu bất ngờ, họ bắt đầu bán tháo ồ ạt. Giá trái phiếu xuống dốc, lợi suất tăng vọt.

Lợi suất trái phiếu tăng kéo theo lãi suất vay thế chấp đi lên, khiến cho việc doanh nghiệp vay nợ để tăng trưởng trở nên rất đắt đỏ. Đây là tin rất xấu đối với một nền kinh tế đang hồi sức và là kịch bản Fed muốn tránh bằng mọi giá.

Khi nào Fed sẽ giảm hỗ trợ?

Phần đông các nhà phân tích dự đoán Fed sẽ bắt đầu giảm quy mô mua trái phiếu vào mùa thu năm nay. Goldman Sachs dự kiến Fed sẽ bắt đầu quy trình này vào tháng 11, mỗi tháng giảm 15 tỷ USD.

Thứ Sáu tuần trước, Chủ tịch Powell bày tỏ sự lạc quan về việc giảm bớt bơm tiền vào cuối năm nay, nhưng không quên nhắc nhở: Chủng Delta vẫn là mối đe dọa tiềm tàng với kinh tế Mỹ.

Đến giờ, việc Fed công bố ý định giảm tốc chương trình mua tài sản khó có khả năng khiến nhà đầu tư bị sốc. Kết phiên 27/8, chứng khoán Mỹ đồng loạt khởi sắc, cả ba chỉ số chính Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều tăng nhẹ sau bài phát biểu của ông Powell. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ 2 điểm cơ bản xuống 1,32%.

Giang