|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 31/8: Thu hẹp quy mô bán ròng, khối ngoại vẫn rút ròng hơn 250 tỷ đồng tại MSN

17:20 | 31/08/2021
Chia sẻ
Với việc VN-Index tiếp đà tăng điểm, khối ngoại duy trì bán ròng tại HOSE với giá trị giảm xuống chỉ còn 191 tỷ đồng. Nhóm này vẫn rút ròng mạnh nhất tại nhóm thực phẩm & đồ uống với tâm điểm giao dịch lượng lớn cổ phiếu MSN.

Sau phiên hồi phục hôm qua, nhóm ngân hàng trở lại với áp lực điều chỉnh khiến thị trường phiên cuối tháng 8 chưa thể bứt phá. Mặt khác, hôm nay là phiên MSCI hoàn tất cơ cấu danh mục quý III, các quỹ chốt NAV tháng nên không loại bỏ khả năng giao dịch của quỹ gây ra những xáo trộn trên thị trường.

Kết phiên, VN-Index tăng 3,33 điểm (0,25%) lên 1.331,47 điểm, HNX-Index tăng 0,44% lên 342,81 điểm, UPCoM-Index tăng 0,59% lên 93,77 điểm.

Thanh khoản được cải thiện với tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn là 28.360 tỷ đồng, tương đương hơn 572 triệu đơn vị giao dịch. Tính riêng giao dịch khớp lệnh trên HOSE là 21.735 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục vị thể bán ròng trong phiên thứ 5 liên tiếp, tuy vậy giá trị rút ròng đã giảm hơn 50% xuống còn 191,7 tỷ đồng. về khối lượng, nhóm này rút ròng 1,6 triệu đơn vị.

Phiên 31/8: Thu hẹp quy mô bán ròng, khối ngoại vẫn rút ròng hơn 250 tỷ đồng tại MSN  - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu tại chiều bán với giá trị rút ròng đạt 258,1 tỷ đồng. Diễn biến cùng chiều, ông lớn VNM của CTCP Sữa Việt Nam tiếp đà bị bán ròng 49,8 tỷ đồng.

Đối ứng với nhóm này, nhà đầu tư cá nhân lại mua ròng mạnh bộ đôi MSN, VNM ngay trong phiên mở cửa tuần. Cụ thể, các cá nhân đã mua vào hơn 375 tỷ đồng nhóm thực phẩm & đồ uống, trong đó rót hơn 360 tỷ đồng vào MSN, VNM.

Trở lại với giao dịch khối ngoại, VHM của Vinhomes vẫn nằm trong danh mục bán ròng với 113,9 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với phiên liền trước. Giao dịch tương tự được ghi nhận tại KBC, NLG khi hai mã này chịu áp lực bán ròng lần lượt 37,2 tỷ đồng và 16,7 tỷ đồng.

Theo sau, dòng tiền ngoại rút ròng khỏi một số cổ phiếu bluechip như HCM (24,5 tỷ đồng), HPG (20,5 tỷ đồng), PNJ (19,8 tỷ đồng), MBB (17,8 tỷ đồng) và PLX (17,5 tỷ đồng).

Phiên 31/8: Thu hẹp quy mô bán ròng, khối ngoại vẫn rút ròng hơn 250 tỷ đồng tại MSN  - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở bên mua ròng, giao dịch mua gom có phần ảm đạm khi thiếu vắng nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Hai đại diện nhóm ngân hàng quốc doanh là CTG và VCB đóng góp cho chiều mua ròng lần lượt 55,8 tỷ đồng và 19,8 tỷ đồng. Nối tiếp, các mã được vào ròng lần lượt là PDR (41,2 tỷ đồng), DGC (38,2 tỷ đồng), HCM (28,7 tỷ đồng).

Lực cầu cũng được ghi nhận với giá trị dưới 30 tỷ đồng tại các mã HSG, KDH, SSI, DIG, VJC...Nhìn chung, top10 cổ phiếu được mua ròng của khối ngoại không biến động quá nhiều so với phiên mở cửa tuần.

Tại sàn HNX, giao dịch có sự đảo chiều đột ngột khi nhóm này trở lại mua ròng 88,5 tỷ đồng, tương đương với khối lượng 595.423 đơn vị.

Nổi bật tại bên mua là giao dịch mua ròng hơn 81,8 tỷ đồng mã THD của Thaiholdings. Ghi nhận trong những phiên gần đây, THD đã liên tục duy trì sắc xanh kể từ đầu tháng 8 và tăng 0,98% trong phiên 31/8 lên mức 217.000 đồng/cp.

Theo sau là cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài gòn - Hà Nội với giá trị mua ròng hơn 17,3 tỷ đồng. Thống kê trong phiên, có gần 2,9 triệu cổ phiếu SHB được giao dịch qua kênh thỏa thuận, với tổng giá trị 79,5 tỷ đồng. Cùng chiều, PVS, NTP, KLF, SCI...cũng thu hút lực cầu với giá trị nhỏ hơn.

Chiều ngược lại, nhóm này bán ròng mạnh nhất các mã DXP (6,4 tỷ đồng), CDN (3,2 tỷ đồng), BII (1,5 tỷ đồng), BCC (1,3 tỷ đồng). Các mã bị rút ròng nhẹ hơn còn có IDJ, EID, MBG, VKC...

Thị trường UPCoM có phiên mua ròng thứ 8 liên tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, quy mô giải ngân ròng giảm chỉ còn 4 tỷ đồng so với mức 13,3 tỷ đồng trong phiên trước.

Lực cầu tập trung chủ yếu tại các cổ phiếu VEA (2,2 tỷ đồng), CTR (1,2 tỷ đồng), ACV (1,2 tỷ đồng). Theo sau là hai cổ phiếu thuộc Masan Group là MML (1,8 tỷ đồng) và MCH (1,5 tỷ đồng). Những mã ghi nhận giao dịch mua ròng dưới 1 tỷ đồng gồm có MFS, VTP, VGG, SBS, MCM...

Chiều ngược lại, QNS của Đường Quảng Ngãi bị đảo chiều rút ròng 2,9 tỷ đồng sau những phiên mua ròng nhẹ. Nối tiếp, FOX tiếp tục thu hút hơn 2,6 tỷ đồng bán ròng.

Áp lực rút ròng theo sau xuất hiện tại PGV, HPP, QTP, VNA... với quy mô đều dưới 1 tỷ đồng.

Thảo Bùi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.