|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hạ viện Mỹ hoàn toàn tê liệt vì chưa bầu được chủ tịch

17:51 | 05/01/2023
Chia sẻ
Hạ viện Mỹ hiện nay không thể phê chuẩn bất kỳ dự luật nào, không thể giải quyết các vấn đề khẩn cấp quốc gia, các hạ nghị sỹ cũng không thể tiếp cận với các thông tin mật hay hỗ trợ cử tri.

Hạ viện Mỹ họp phiên toàn thể hôm 3/1/2023 để bầu ra chủ tịch nhiệm kỳ 2023 - 2024 nhưng bất thành. (Ảnh: New York Times).

Mỗi nhiệm kỳ của Hạ viện Mỹ kéo dài hai năm. Vào mỗi năm chẵn, toàn bộ 435 ghế hạ nghị sỹ phải được bầu cử lại. Sau cuộc bầu cử giữa kỳ cuối năm 2022 vừa qua, Đảng Cộng hòa đã lật ngược tình thế và giành được đa số 222 - 212 ghế ở Hạ viện.

Ngày 3/1 vừa qua, Hạ viện Mỹ họp phiên toàn thể đầu tiên của nhiệm kỳ mới để bầu chủ tịch. Ông Kevin McCarthy, Lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Hạ viện, là người được cho là có cơ hội chiến thắng cao nhất. Mặc dù vậy, thực tế đã không diễn ra như mong đợi.

Trải qua ba lần bỏ phiếu trong ngày 3/1, không ai giành được 218 phiếu cần thiết để đắc cử chủ tịch Hạ viện. Bản thân ông McCarthy đến từ phe đa số nhưng đã có tới 20 nghị sĩ Đảng Cộng hòa không bầu cho ông.

Theo quy định của Mỹ, sau khi bầu được chủ tịch Hạ viện thì hơn 400 nhà lập pháp mới đắc cử cuối năm 2022 vừa qua mới có thể được tuyên thệ và chính thức trở thành nghị sỹ Quốc hội.

Theo New York Times, việc không chọn được chủ tịch đang khiến một trong hai viện Quốc hội của Mỹ bị tê liệt hoàn toàn, không thể thực hiện được bất kỳ hoạt động gì.

Ông Kevin McCarthy, Lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Hạ viện. (Ảnh: New York Times).

Hiện nay, Hạ viện Mỹ không có thành viên nào để phản ứng khi xảy ra tình huống khẩn cấp hay khủng hoảng. Quy trình hoạt động của Hạ viện không thể được ban hành, mọi dự luật đều không thể được thông qua.

Không có chủ tịch, Hạ viện cũng không thể thực hiện trách nhiệm giám sát các cơ quan chính phủ hay bất kỳ thực thể nào khác. Hạ viện không thể triệu tập nhân chứng ra điều trần trước các ủy ban.

Những hạ nghị sỹ được bầu ra để phục vụ cử tri giờ đây chưa có thẩm quyền để làm bất cứ điều gì, thậm chí không được phép tiếp cận thông tin quân sự và tình báo mật vì vẫn chưa tuyên thệ nhậm chức và chưa phải thành viên chính thức của quốc hội.

“Nếu bây giờ xảy ra vấn đề khẩn cấp, Hạ viện không thể xử lý được”, Hạ nghị sỹ Đảng Dân chủ Jerrold Nadler của bang New York nói. “Hoặc là Đảng Cộng hòa không hiểu điều này, hoặc có hiểu nhưng chẳng thèm quan tâm. Tôi không biết kịch bản nào tệ hơn, nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì đất nước càng lâm nguy”.

Hạ nghị sỹ Đảng Dân chủ Dan Kildee của bang Michigan cho biết ông hy vọng rằng trong trường hợp khẩn cấp, Đảng Cộng hòa sẽ nhanh chóng đoàn kết ủng hộ đại diện của mình làm chủ tịch để Hạ viện có thể ứng phó hiệu quả. Tuy vậy, ông lo rằng kịch bản lạc quan này sẽ khó xảy ra vì những mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng hòa.

“Nếu có vấn đề cấp bách đòi hỏi quốc hội phải hành động, hiện không có hy vọng nào ở phía cuối đường hầm, và đây là một tình huống nguy hiểm”, New York Times dẫn lời ông Kildee nói. “Liệu các nghị sỹ có sẵn lòng tìm ra một giải pháp không? Tôi không biết liệu có khả thi với đám đông hỗn loạn này hay không?”.

Đảng Dân chủ không phải là những người duy nhất lo ngại. 17 hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa là các cựu binh đã tổ chức một buổi họp báo vào tối 3/1 để chỉ trích 20 thành viên cực hữu đang ngăn cản Hạ viện chọn ra chủ tịch và bắt đầu làm việc nhiệm kỳ mới.

Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Mike Gallagher đến từ bang Wisconsin từng phục vụ trong lực lượng Thủy quân Lục chiến. Ông đã được chọn làm chủ tịch một ủy ban ứng phó với các hành động gây hấn của Trung Quốc. Tuy nhiên hôm 4/1, ông đã không được phép tham dự một cuộc họp với lãnh đạo quân đội cấp cao vì ông chưa phải là thành viên chính thức của Hạ viện nhiệm kỳ mới.

Đức Quyền