|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc chiến căng thẳng trên chính trường Mỹ: Vì sao Hạ viện bỏ phiếu ba lần vẫn chưa bầu được chủ tịch?

12:26 | 05/01/2023
Chia sẻ
Đảng Cộng hòa đã giành được đa số ghế trong Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ 2022, nhưng hiện nay vẫn chưa chọn được đại diện ưu tú làm Chủ tịch Hạ viện.

Đồng nghiệp vỗ vào vai Lãnh đạo Phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy hôm 4/1/2023. (Ảnh: Reuters).

Chức chủ tịch Hạ viện quan trọng tới đâu?

Chủ tịch Hạ viện (Speaker of the House of Representative) là người đứng đầu một trong hai viện quốc hội của Mỹ. Bất kỳ văn bản luật nào muốn được ban hành đều cần được cả hai viện quốc hội phê chuẩn và tổng thống ký tên.

Chủ tịch Hạ viện cũng là người đứng thứ hai trong thứ tự kế vị tổng thống. Nếu tổng thống đương nhiệm không thể đảm đương trọng trách của mình (vì đã chết, bị bắt cóc, chấn thương bất tỉnh, …), phó tổng thống (người đồng thời là chủ tịch Thượng viện) sẽ thay thế. Nếu phó tổng thống cũng không thể thực hiện được nhiệm vụ của tổng thống thì chủ tịch Hạ viện sẽ làm thay.

Theo Reuters, chủ tịch Hạ viện là người quyết định chương trình lập pháp cũng như khuynh hướng chính trị của Hạ viện. Thông thường, vị trí lãnh đạo này thuộc về người của đảng chiếm đa số ghế trong Hạ viện, nhưng cũng có thể được dành cho những người khác, bao gồm người không phải là nghị sĩ.

Chủ tịch Hạ viện được chọn ra như thế nào?

Tất cả thành viên của Hạ viện bỏ phiếu bầu chủ tịch vào ngày làm việc đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội mới, lần này là ngày 3/1/2023. Hạ viện có 435 ghế, chủ tịch Hạ viện phải giành được đa số phiếu, tức là được ít nhất 218 nghị sĩ tín nhiệm.

Nếu không ai giành được tối thiểu 218 phiếu bầu, Hạ viện sẽ tiếp tục bỏ phiếu lại cho đến khi nào chọn được chủ tịch thì thôi. Kỷ lục lần bầu cử chủ tịch Hạ viện kéo dài nhất là vào năm 1856 khi phải mất hai tháng và 133 lần bỏ phiếu.

Hiện nay, ai đang làm chủ tịch Hạ viện?

Hạ viện Mỹ hiện nay không có chủ tịch. Chủ tịch cũ là bà Nancy Pelosi đến từ Đảng Dân chủ, bà đã mãn nhiệm vào ngày 3/1/2023.

Hạ viện quay lại làm việc vào hôm 3/1 sau kỳ nghỉ mùa đông và ngay lập tức bắt đầu quy trình bầu chọn chủ tịch cũng như tuyên thệ nhậm chức các hạ nghị sỹ mới thắng cử trong cuộc bầu cử giữa kỳ cuối năm 2022.

Theo Reuters, đã trải qua ba vòng bỏ phiếu nhưng những ứng viên được đề cử đều không giành được 218 phiếu cần thiết để trở thành người đứng đầu Hạ viện. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1923, Hạ viện không chọn được chủ tịch trong lần bỏ phiếu đầu tiên.

Nếu chưa chọn được chủ tịch, Hạ viện sẽ không thể thực hiện bất kỳ công việc nào khác, bao gồm tuyên thệ nhậm chức các hạ nghị sỹ mới và đặt ra quy trình thủ tục làm việc.Các hạ nghị sỹ không được tuyên thệ sẽ chưa phải là thành viên chính thức của quốc hội và do vậy không được cập nhật các thông tin mật về quân sự và tình báo.

Nói cách khác, Hạ viện Mỹ hoàn toàn vô dụng khi chưa bầu ra chủ tịch.

 

Các thành viên nhiệm kỳ thứ 118 của Hạ viện Mỹ tập trung tại Washington, ngày 4/1/2023. (Ảnh: Reuters).

 

 

Ai đang dẫn đầu cuộc đua vào ghế chủ tịch Hạ viện?

Ông Kevin McCarthy, Thủ lĩnh Đảng Cộng hòa ở Hạ viện, từ lâu đã muốn giành chức chủ tịch và được nhiều người kỳ vọng sẽ chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu hôm 3/1. Năm 2015, ông McCarthy từng rời cuộc đua vì vấp phải sự phản đối từ các thành viên bảo thủ cứng rắn của Đảng Cộng Hòa.

Sau cuộc bầu cử giữa kỳ cuối năm 2022, Đảng Cộng hòa giành lại thế đa số ở Hạ viện từ tay Đảng Dân chủ, nhưng với khoảng cách rất mong manh là 222 – 212.

212 hạ nghị sỹ của Đảng Dân chủ chắc chắn không bỏ phiếu cho một đại diện đến từ Đảng Cộng hòa như ông McCarthy. Vì vậy, để giành được ghế chủ tịch, ông McCarthy cần được ít nhất 218 thành viên của Đảng Cộng hòa ủng hộ, tức là số người cùng đảng phản đối ông không được lớn hơn 4.

Trong thực tế, 20 nhà lập pháp cực hữu của Đảng Cộng hòa đã không bỏ phiếu cho ông McCarthy trong ba lần bỏ phiếu liên tiếp hôm 3/1.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Ông McCarthy và các đồng minh đang cố sức thuyết phục những người bảo thủ cứng rắn ủng hộ ông trong mọi trường hợp. Ông đã chấp nhận nhượng bộ nhiều yêu cầu của phe cực hữu, bao gồm hạ thấp yêu cầu cần thiết để tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm chủ tịch Hạ viện.

Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa rõ ông McCarthy có thể làm gì để lấy lòng những người phản đối khi các nhà lập pháp này tin rằng ông McCarthy không cam kết theo đuổi các mục tiêu lập pháp phù hợp với ý mình.

Còn phương án thay thế nào?

Ông Steve Scalise, Phó Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện và một người ủng hộ ông McCarthy, là một ứng viên thay thế tiềm năng nếu ông McCarthy rời cuộc đua.

Tuy vậy, một số thành viên Đảng Cộng hòa ngày 3/1 đã nói rõ rằng việc bỏ ông McCarthy để bầu một người khác tương đồng về mặt chính trị và ý thức hệ là không hợp lý.

Ông Jim Jordan, một hạ nghị sỹ với lập trường bảo thủ cứng rắn, được sự ủng hộ của toàn bộ 20 người bỏ phiếu chống lại ông McCarthy hôm 3/1. Tuy nhiên, các thành viên trung dung hơn của Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ không bỏ phiếu cho ông Jordan. Bản thân ông Jordan đã đề cử ông McCarthy và liên tục bỏ phiếu cho ông McCarthy.

Hôm 4/1, 20 nghị sỹ Đảng Cộng hòa phản đối ông McCarthy đã tập trung ủng hộ ông Byron Donalds, một trong số ít thành viên da đen của Đảng Cộng hòa trong Hạ viện. Ông Donalds chuẩn bị làm nhiệm kỳ hạ nghị sỹ thứ hai kéo dài hai năm.

 

Hạ nghị sỹ Byron Donalds. (Ảnh: Reuters).

 

Cựu Hạ nghị sỹ Fred Upton cũng là một ứng viên tiềm năng. Ông được bầu vào Hạ viện lần đầu năm 1986, không ra tranh cử lại trong cuộc bầu cử 2022. Ông Upton có thể nhận được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ vì ông có lập trường trung dung và đã từng bỏ phiếu luận tội cựu Tổng thống Donald Trump.

Khi trả lời phỏng vấn hãng tin The Detroit News hôm 3/1, ông Upton đã úp mở về khả năng đứng ra tranh cử chức chủ tịch Hạ viện. Một người không phải là nghị sỹ vẫn có thể làm chủ tịch Hạ viện.

Cựu Hạ nghị sỹ Justin Amash là thành viên Đảng Cộng hòa đầu tiên kêu gọi luận tội ông Trump năm 2019. Ông rời khỏi Đảng Cộng hòa năm 2020 để gia nhập Đảng Tự do và không tái tranh cử chức hạ nghị sỹ năm đó. Tương tự ông Fred Upton, ông Justin Amash cũng có cơ hội trở thành chủ tịch Hạ viện Mỹ. 

Trong khi Đảng Cộng hòa chia rẽ sâu sắc thì Đảng Dân chủ lại đoàn kết ủng hộ đại diện của mình là ông Hakeem Jeffries.

Đức Quyền