|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ hệ trọng thế nào đối với nền kinh tế Mỹ?

15:40 | 09/11/2022
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái và nhiều mối lo khác. Bất luận đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nền kinh tế đều sẽ chịu tác động đáng kể.

(Ảnh minh hoạ: NBC News).

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra ngay thời điểm nền kinh tế Mỹ đang chao đảo. Các nhà kinh tế không còn dự đoán “liệu” Mỹ có suy thoái hay không, mà là “khi nào” suy thoái xảy ra. Chưa kể, lạm phát vẫn đang trụ vững ở mức cao hàng chục năm.

Người dân trên khắp nước Mỹ đã bắt đầu cảm thấy khó khăn khi lạm phát ăn mòn thu nhập và lãi suất tăng cao. Sắp tới, họ sẽ còn phải đối mặt với một loạt căng thẳng địa chính trị trong mùa đông.

Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ xác định cấu trúc của Quốc hội, từ đó tác động đến các chính sách tiềm năng trong tương lai. Môi trường tài khoá của Mỹ có thể sẽ thay đổi từ đây, tờ CNN dự đoán.

 

Dưới đây là những vấn đề chính sách mà các nhà đầu tư sẽ đặc biệt quan tâm khi kết quả kiểm phiếu được công bố:

Thay đổi về thuế

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden cảnh báo ông có thể sẽ đánh thuế đối với lợi nhuận cao bất thường của các công ty dầu mỏ (windfall profit tax), sau khi ngành công nghiệp này báo lợi nhuận kỷ lục nhờ giá xăng dầu tăng mạnh.

Các nghị sĩ Đảng Cộng hoà nhiều khả năng sẽ không thông qua đề xuất áp thuế nêu trên và nhìn chung, họ cũng không ủng hộ việc tăng thuế đối với những người giàu có, tờ CNN cho hay.

Ông David Wagner, quản lý danh mục tại hãng tư vấn Aptus Capital Advisors, nhận định: “Các cuộc bầu cử giữa kỳ có ý nghĩa gì với thị trường ư? Nếu Đảng Cộng hoà kiểm soát Hạ viện, mong muốn tăng thuế [của ông Biden] sẽ tan thành mây khói”.

Vậy, việc cắt giảm thuế thì sao? Nếu Đảng Cộng hoà nắm quyền kiểm soát Quốc hội, rất khó để đảng này triển khai bất kỳ đợt giảm thuế lớn nào mà thiếu sự ủng hộ từ Đảng Dân chủ hay ông Biden.

Trần nợ công

Mỹ vừa nâng trần nợ công vào tháng 12 năm ngoái nhưng có thể chi tiêu liên bang sẽ lại chạm trần vào một thời điểm nào đó trong năm 2023.

Điều đó đồng nghĩa rằng Washington cần phải nâng mức trần thêm lần nữa nhằm đảm bảo chính phủ có thể vay đủ tiền để vận hành và duy trì hoạt động trơn tru trên thị trường trái phiếu Kho bạc trị giá 24.000 tỷ USD.

 

Một cuộc chiến dường như đang âm thầm diễn ra giữa hai đảng. Các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà cho biết họ có thể yêu cầu đảng đối thủ giảm mạnh chi tiêu để đổi lấy sự nhượng bộ cho việc nâng trần nợ công.

Nếu Quốc hội rơi vào tình cảnh chia rẽ và tình trạng căng thẳng tài khoá vẫn tiếp diễn, đây có thể là tin xấu cho thị trường.

Lần gần nhất thế bế tắc đó xảy ra - cụ thể là dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama năm 2011, Mỹ đã mất xếp hạng tín nhiệm AAA từ S&P và thị trường chứng khoán bốc hơi hơn 5%.

Chi tiêu ngân sách

Đảng Dân chủ đã hàm ý rằng họ dự định sẽ tập trung vào các hạng mục trong chương trình tài khoá do Tổng thống Biden đề xuất vào năm 2021 mà hiện vẫn chưa thành luật, chẳng hạn việc mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế và tín dụng thuế chăm sóc trẻ em.

Nếu Đảng Cộng hoà giành chiến thắng vượt trội trong cuộc bầu cử hoặc tạo ra thế bế tắc tại Quốc hội thì tham vọng của Đảng Dân chủ sẽ bị chặn đứng.

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cũng lưu ý rằng nếu Đảng Dân chủ chiến thắng, các gói hỗ trợ tài khoá trong trường hợp suy thoái sẽ cao hơn, trong khi Đảng Cộng hoà nhiều khả năng sẽ tránh các gói cứu trợ tốn kém.

An sinh xã hội

Các chương trình phổ biến như An sinh Xã hội và Medicare đã gặp khó khăn về khả năng thanh toán trong thời gian dài. Chủ đề này đã trở thành một vấn đề nóng hổi ở cả hai đảng, CNN cho hay.

Theo các nhà phân tích, chủ đề trên được theo dõi sát sao đến mức ngay cả các cuộc tranh luận liên quan cũng có thể tác động đến niềm tin của người tiêu dùng.

Tuần trước, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Joe Manchin cho biết chính phủ cần phải thay đổi chi tiêu để tăng cường nguồn ngân sách cho An sinh Xã hội và các chương trình khác mà ông gọi là “sắp phá sản”.

Tại một hội nghị CEO của Fortune, ông Manchin khẳng định mình ủng hộ các dự luật lưỡng đảng trong hai năm tới nhằm giải quyết “những vấn đề to lớn” của các gói an sinh.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Rick Scott thì đề xuất rằng Quốc hội nên bỏ phiếu gia hạn 5 năm một lần đối với các chương trình chi tiêu liên bang. Song, giới phân tích nói kế hoạch đó có thể khiến chương trình An sinh Xã hội và Medicare dễ bị loại bỏ hơn.

Cục Dự trữ Liên bang

Các nhà lập pháp ngày càng lên tiếng phản đối tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren, Sherrod Brown và John Hickenlooper đã kêu gọi Chủ tịch Fed Jerome Powell giảm tốc độ tăng lãi suất.

Bây giờ, Đảng Cộng hoà cũng tham gia. Tuần trước, Thượng nghị sĩ Pat Toomey đã yêu cầu ông Powell không nên mua trái phiếu Kho bạc nếu thị trường không ổn định. Các nhà đầu tư nên kỳ vọng rằng cả hai đảng sẽ tiếp tục giám sát Fed sau cuộc bầu cử giữa kỳ.

 

Thị trường chứng khoán

Kể từ thời cựu Tổng thống Jimmy Carter, tỷ suất sinh lời của thị trường chứng khoán dưới thời ông Biden hiện đang xếp thứ hai từ dưới lên. Tính đến phiên 7/11, chỉ số S&P 500 đã giảm 1,2% kể từ khi ông vào làm chủ Nhà Trắng vào tháng 1/2021.

Khi ông Biden mới nhậm chức, thị trường chứng khoán từng rất bùng nổ. Song, cho đến cuộc bầu cử giữa kỳ thì thị trường đã đi xuống một cách nghiêm trọng.

Ngược lại, hai người tiền nhiệm liền kề của ông Biden thì bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tiên khi thị trường tăng mạnh. Chỉ số S&P 500 tăng 52,2% trong 656 ngày tại vị đầu tiên của ông Obama và tăng 23,9% đối với ông Trump.

Khả Nhân

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.