|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ diễn biến thế nào sau cuộc bầu cử giữa kỳ?

10:26 | 09/11/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ thường đi lên sau các cuộc bầu cử giữa kỳ. Nhưng lần này, điều trái ngược có thể xảy ra.

(Hình minh họa: New York Times). 

Trong mọi mùa bầu cử tại Mỹ, các ứng viên từ cả hai phe đều tuyên bố rằng nếu đối thủ của họ chiến thắng thì nền kinh tế sẽ rơi vào thảm họa và thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ. Nhưng lịch sử cho thấy bất luận ai là người thắng kẻ thua thì kịch bản đó cũng không xảy ra.

Thị trường và nhà đầu tư có quan tâm đến các cuộc bầu cử - nhưng không nhiều như mọi người nghĩ. Điều thú vị là chứng khoán Mỹ thường diễn biến khả quan sau các cuộc bầu cử giữa kỳ.

Dữ liệu của U.S. Bancorp Investments cho thấy trong mọi năm Mỹ tổ chức bầu cử giữa kỳ kể từ năm 1962, trung bình chỉ số S&P 500 tăng 16,3% trong vòng 12 tháng sau ngày 31/10.

Liệu thị trường chứng khoán Mỹ có phục hồi trong năm tới như các kỳ bầu cử trước đây? Trong ngắn hạn, dường như chứng khoán Mỹ sẽ đi lên. Nhưng khi nhìn xa hơn thì mọi chuyện lại trở nên phức tạp hơn.

Điều thị trường thực sự muốn

Hầu hết các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều có chung sở thích về chính sách, đó là giảm thuế và bớt các quy định quản lý. Nhưng họ cũng khao khát sự ổn định và chắc chắn. Và đây là lý do chứng khoán Mỹ thường diễn biến tích cực sau mọi cuộc bầu cử, chứ không chỉ bầu cử giữa kỳ.

Trong 4 kỳ bầu cử liên bang gần nhất, có đến ba kỳ mà chỉ số S&P 500 đã tăng đáng kể trong giai đoạn 30 ngày sau đó. Cụ thể, S&P 500 tăng 2,9% trong năm 2014, 5% trong năm 2016 và 10% trong năm 2020. Điều trái ngược xảy ra vào năm 2018, nhưng S&P 500 chỉ giảm khoảng 1,4%.

Điều đáng chú ý là thị trường có vẻ không đặc biệt ủng hộ phe nào trong các cuộc bầu cử. Chứng khoán Mỹ đi lên khi Đảng Cộng hòa thắng lợi trong năm 2014 và 2016, nhưng cũng bật tăng khi Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn Thượng viện vào năm 2020.

Các cuộc bầu cử trên có thể giúp doanh nghiệp thấy rõ triển vọng tương lai. Kết cục của cuộc bầu cử có thể không đúng như mong muốn của doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhưng miễn là họ biết kết quả thì họ có thể lập kế hoạch và vạch ra tầm nhìn cho tương lai. Thị trường thường phản ứng tích cực với điều này, ít nhất là trong ngắn hạn.

 

Cục diện lý tưởng

Một số người lập luận rằng lần này đà tăng của thị trường sau bầu cử sẽ không nhanh chóng tan biến, bởi nhiều khả năng hệ thống chính trị Mỹ sẽ rơi vào thế bế tắc.

Hầu hết các mô hình dự đoán rằng Đảng Cộng hòa sẽ chiếm đa số trong ít nhất một viện của Quốc hội. Trang phân tích FiveThirtyEight.com cho rằng có 70% khả năng Đảng Cộng hòa sẽ giành được Hạ viện.

Tại Mỹ, một dự luật thường chỉ có thể được thông qua khi được cả tổng thống, Thượng viện và Hạ viện phê chuẩn. Do vậy, nếu Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden không chiếm được đa số trong cả lưỡng viện Quốc hội thì ông sẽ rất khó có thể ban hành bất kỳ dự luật quan trọng nào trong hai năm tiếp theo.

Thế bế tắc trên là điều khiến nhiều người Mỹ ghét chính trị, nhưng nhà đầu tư lại vui vẻ khi các nhà lập pháp không thể bày thêm rắc rối cho thị trường.

Sự bế tắc của hệ thống chính trị Mỹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong kỳ bầu cử này. Nếu ông Biden có thể chỉ đạo chính phủ tăng cường chi tiêu thì lạm phát ở Mỹ có nguy cơ sẽ bùng lên.

Do đó, nếu Quốc hội bị chia rẽ, khiến Nhà Trắng gặp khó khăn trong việc thông qua các dự luật chi tiêu thì đây có thể coi là một chuyện tốt.

Các biến số khác

Tuy nhiên, lạm phát cao dai dẳng ở Mỹ và trên toàn cầu là lý do đáng tin cậy cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đi ngược xu hướng trên và sa sút trong những tháng sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ làm mọi thứ có thể để khống chế giá cả, dẫu điều này có thể gây ra “một số đau đớn” cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Không ai biết chắc liệu chiến dịch tăng lãi suất mạnh tay của Fed có đẩy Mỹ vào suy thoái hay không. Nhưng nhiều nhà kinh tế quả quyết rằng suy thoái chắc chắn sẽ xảy ra.

Và tuy Mỹ có thể sẽ chỉ suy thoái nhẹ và nhanh chóng phục hồi, việc đặt cược rằng thị trường sẽ bật tăng trong bối cảnh kinh tế giảm sút và lãi suất tăng cao rõ ràng là hành động rất rủi ro.

Theo tờ CNBC, câu nói thịnh hành trong giới chính trị Mỹ những năm gần đây là "mọi cuộc bầu cử đều gây ra hậu quả. Thật vậy, kết quả bầu cử tác động đến mọi thứ, từ cơ cấu của Tòa án Tối cao cho đến những người đứng đầu các ủy ban quyền lực của Quốc hội và các cơ quan quản lý của chính phủ".

Tuy nhiên, tác động của các cuộc bầu cử đến thị trường thì lại không lớn đến thế. Những biến số khác quan trọng hơn nhiều, ví dụ như chính sách lãi suất, định giá cổ phiếu và sức khỏe của nền kinh tế.

Nhiều khả năng trong những tháng tới, tác động của những yếu tố này đến thị trường sẽ lấn át kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ.

Giang

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.