Hạ viện Mỹ có chủ tịch mới sau 15 vòng bỏ phiếu
Vào đầu ngày 7/1 (theo giờ địa phương), sau 15 vòng bỏ phiếu kéo dài, ông Kevin McCarthy, lãnh đạo Đảng Cộng hoà tại Hạ viện, đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện với 216 phiếu thuận - 212 phiếu chống.
Chiến thắng của nhà lập pháp 57 tuổi đến từ bang California đã chấm dứt tình trạng hỗn loạn và chia rẽ nhất của Quốc hội Mỹ trong hơn 160 năm qua, Reuters đánh giá.
Tuy nhiên, quá trình bỏ phiếu cam go cũng cho thấy những thách thức mà ông McCarthy sẽ phải đối mặt khi lãnh đạo Hạ viện, bởi Đảng Cộng hoà đang bị phân cực sâu sắc và chiếm đa số rất mỏng manh tại Hạ viện.
Thành công của ông McCarthy đã chấm dứt việc Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden nắm quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội.
Trong bài phát biểu nhậm chức, ông bày tỏ: “Hệ thống [chính trị] của chúng ta được xây dựng dựa trên quá trình giám sát và cân bằng. Đã đến lúc chúng ta phải đánh giá và giúp cân bằng các chính sách của Tổng thống Biden”.
Tân Chủ tịch Hạ viện đã vạch ra nhiều ưu tiên trong bài phát biểu, từ cắt giảm chi tiêu ngân sách cho đến siết chặt tình trạng nhập cư.
Trong một tuyên bố mới, Tổng thống Joe Biden đã chúc mừng chiến thắng của ông McCarthy. “Jill và tôi chúc mừng ông Kevin McCarthy đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ”, ông Biden chia sẻ.
“Tôi sẵn sàng hợp tác cùng Đảng Cộng hoà và cử tri cũng đã làm rõ rằng họ mong muốn Đảng Cộng hoà có thể sẵn lòng làm việc cùng tôi”, ông chủ Nhà Trắng cho biết thêm.
Để giành được chiến thắng, ông McCarthy đã phải chấp nhận nhượng bộ một nhóm cánh hữu có đường lối cứng rắn. Ông đồng ý rằng mọi nhà lập pháp đều có thể yêu cầu cách chức ông vào bất kỳ thời điểm nào.
Động thái nhượng bộ nói trên sẽ làm suy giảm quyền lực của ông McCarthy khi Đảng Cộng hoà cố gắng thông qua các dự luật quan trọng như tài trợ ngân sách chính phủ, giải quyết trần nợ công và các cuộc khủng hoảng tiềm tàng khác.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11 năm ngoái, Đảng Cộng hoà đã không thể đạt được thành tích như mong đợi. Đảng này hiện đã giành lại Hạ viện, nhưng với tỷ lệ đa số sít sao 222 - 212.
Điều đó đồng nghĩa rằng các nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn thuộc phe cánh hữu đã được trao quyền lực lớn hơn. Trên thực tế, nhóm này đã cật lực phản đối sự lãnh đạo của ông McCarthy.
Sự nhượng bộ của tân Chủ tịch Hạ viện có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn hơn trong những tháng tới, đặc biệt là khi Quốc hội cần thông qua kế hoạch vay nợ bổ sung của chính phủ.
Trong thập kỷ qua, nhằm buộc Washington phải cắt giảm chi tiêu, Đảng Cộng hoà đã nhiều lần khiến chính phủ phải đóng cửa và đẩy Mỹ - “con nợ” lớn nhất thế giới - đến bờ vực vỡ nợ.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng Viện Chuck Schumer cảnh báo rằng những nhượng bộ mà ông McCarthy đã thực hiện để giành chiến thắng có thể gây hại cho chính ông trong tương lai.
Ông McCarthy hiện có quyền ngăn cản chương trình lập pháp của Tổng thống Biden. Tân Chủ tịch Hạ viện có thể yêu cầu bỏ phiếu cho các ưu tiên của Đảng Cộng hoà về kinh tế, năng lượng và nhập cư. Đồng thời, ông McCarthy còn có thể tiến hành các cuộc điều tra về Tổng thống Biden và gia đình, theo Reuters.
Song, việc nhượng bộ các nhà lập pháp cánh hữu sẽ khiến quyền lực của ông giảm đáng kể so với người tiền nhiệm Nancy Pelosi (thuộc Đảng Dân chủ).
Ông sẽ khó đi đến thoả thuận với các đảng viên Dân chủ trong một quốc hội bị chia rẽ. Cho phép một nhà lập pháp bất kỳ yêu cầu loại bỏ chủ tịch Hạ viện sẽ trao cho các đảng viên có đường lối cứng rắn đòn bẩy rất lớn.