|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội muốn nới lỏng giãn cách xã hội, có cơ chế đặc thù về ngân sách và đầu tư

16:04 | 20/04/2020
Chia sẻ
Trong cuộc họp với Thủ tướng Chính Phủ sáng nay, lãnh đạo TP Hà Nội đã đề nghị được giữ lại 42% ngân sách, áp dụng cơ chế đặc thù trong các trường hợp bồi thường, tái định cư,... đồng thời có thể nới lỏng một phần nào đó giãn cách xã hội để khôi phục sản xuất.

Sáng nay (20/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2020, thông tin từ UBND Thành phố.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, do tác động của COVID-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng của Hà Nội đều thấp hơn so với cùng kì và kế hoạch đề ra.

Trong đó, kinh tế chỉ tăng trưởng 3,72%, chỉ hơn một nửa so với mức tăng trưởng cùng kì năm ngoái. Mức tăng trưởng 3,72% là nhờ duy trì tăng trưởng của ngành công nghiệp - xây dựng trong tháng 1 và 2, thời điểm chưa chịu tác động của COVID-19. Thu ngân sách chưa bị ảnh hưởng do nhiều khoản thu chuyển từ quý 4 năm ngoái chuyển sang quí 1 năm nay.

Một số lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có cơ hội phát triển như: sản phẩm công nghiệp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin; sản xuất nông nghiệp giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và vẫn có cơ hội phát triển trong năm nay.

Trước bối cảnh đó, Hà Nội dự báo và xây dựng một số kịch bản cho các tình huống cụ thể để đạt mục tiêu cao nhất như kế hoạch đề ra của năm nay, đó là tăng trưởng 7,5%.

Xem thêm: Ba kịch bản phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 của Hà Nội

Đề nghị cơ chế đặc thù cho Hà Nội

Hà Nội muốn nới lỏng giãn cách xã hội, có cơ chế đặc thù về ngân sách và đầu tư - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung báo cáo tại buổi làm việc (Nguồn: hanoi.gov.vn).

Tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong thực hiện xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

Đồng thời để bảo đảm nguồn lực triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn Chủ tịch đề nghị Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thủ đô, nâng tỉ lệ ngân sách Thành phố được giữ lại hiện nay là 35% lên thành 42% cho thời kì ốn định ngân sách mới (2021-2025) để bảo đảm nguồn lực phát triển.

Ngoài ra, Thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế, qui trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất. 

Cho phép thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, lựa chọn danh mục một số công trình cấp bách, cần thiết trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và có tác động lan tỏa trong việc phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, ùn tắc giao thông.

Kiến nghị nới lỏng giãn cách xã hội

Báo cáo Thủ tướng về tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID -19, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết các ổ dịch tại Hà Nội như Hạ Lôi, Đông Cứu, hiện đang được khống chế.

Trong 2 ngày qua, Hà Nội cũng tổ chức lấy 1.064 mẫu là các trường hợp tiểu thương kinh doanh tại 5 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố và tất cả các mẫu này đều có kết quả âm tính. Từ đó, ông Quý khẳng định, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố đã được kiểm soát tốt; nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng đã giảm dần.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất, đến 22/4, nếu không có ca mới, các ổ dịch tiếp tục kiểm soát được Hà Nội thì Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương có thể nghiên cứu, giảm mức giãn cách xã hội ở Thủ đô; các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Theo đưa tin từ Zing News, chia sẻ tại cuộc họp về việc phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ nhận định thành phố là một địa bàn trọng điểm có rủi ro cao (nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài, lây nhiễm từ bên trong với các ổ dịch phức tạp như Trúc Bạch, Bạch Mai, Mê Linh). Tuy nhiên, thành phố đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng dịch, đến nay cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, không để lây lan.

Tới đây, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cân nhắc trên bộ tiêu chí Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia để đánh giá, xếp loại mức độ rủi ro Hà Nội, TP HCM và các tỉnh khác để có thể nới lỏng một phần nào đó giãn cách xã hội, đảm bảo vừa phòng chống dịch nhưng cũng vừa có điều kiện khôi phục sản xuất ở mức độ nhất định.

"Hà Nội hứa với Thủ tướng sẽ quyết tâm làm tốt việc này", ông Huệ nói.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng cho biết thành phố đang cố gắng "nạp năng lượng" để phục hồi sau khi dịch COVID-19 qua đi, đồng thời phấn đấu tăng trưởng đạt cao gấp 1,3 lần so với cả nước tùy theo từng kịch bản mà thành phố xây dựng.

Về đầu tư công, Bí thư Hà Nội thông tin dự kiến tháng 9/2020, thành phố sẽ khánh thành đường trên cao đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long.

Trong lĩnh vực đầu tư tư nhân và đầu tư theo hình thức (PPP) cũng như phát triển doanh nghiệp, Hà Nội đã có đối thoại với doanh nghiệp và tới đây sẽ triển khai chương trình hành động, giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, thành lập "tổ đặc nhiệm" để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy đầu tư công.

Trúc Minh