|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội: 1.200 cơ sở lưu trú và hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng từ COVID-19

17:48 | 06/05/2020
Chia sẻ
Sở Du lịch cho biết trong tháng 4 do ảnh hưởng dịch COVID-19, khách du lịch chủ yếu còn lại trong các cơ sở lưu trú (chỉ còn lại 1,5%). Đã có tới 1.200 cơ sở lưu trú, 1.364 doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động và trên 35.000 người không có việc làm trong nhóm này.
Hà Nội: 1.200 cơ sở lưu trú và hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng từ COVID-19 - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận Hội nghị (Nguồn: UBND TP Hà Nội).

1.200 cơ sở lưu trú ngừng hoạt động

Sáng 6/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 4/2020 của UBND thành phố.

Thông tin tại hội nghị, trong tháng 4, khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 35.500 lượt khách, giảm 98,4% cùng kì năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 8.511 lượt khách, giảm 98,6% so với cùng kì. Công suất trung bình khối khách sạn trong tháng 4/2020 ước đạt khoảng 12,8%, giảm 10.6% so với tháng 3/2020 và giảm 61,8% so với cùng kì.

Sở Du lịch cho biết trong tháng 4 do ảnh hưởng dịch COVID-19, khách du lịch chủ yếu còn lại trong các cơ sở lưu trú (chỉ còn lại 1,5%). So với cùng kì, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay khách nội địa chỉ đạt 8,1%. 

Với tác động của dịch bệnh, có 1.200 cơ sở lưu trú đã thông báo tạm dừng hoạt động; trước ngày 30/4, 1/5 có 1.364 doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động, lượng lao động trong nhóm này có khoảng trên 35.000 người không có việc làm.

Sở Du lịch xác định từ nay đến cuối năm chủ yếu là kích cầu du lịch nội địa. Từ đó xây dựng kế hoạch kích cầu, tăng cường tuyên truyền quảng bá với các địa phương, các hãng vận chuyển, đặc biệt là số hóa sản phẩm để phục vụ du lịch

Từ ngày 30/4/2020, các khu, điểm du lịch trên địa bàn Thành phố đã mở cửa đón khách trở lại nhưng chỉ phục vụ nhu cầu tham quan, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, chiếu phim. 

Các khu, điểm du lịch chấp hành tốt các qui định về phòng chống dịch bệnh như: yêu cầu khách đeo khẩu trang khi tham quan di tích, bố trí nước rửa tay sát khuẩn, đảm bảo khoảng cách giãn cách tối thiểu 1m, luôn bố trí nhân viên điều phối khách để đảm bảo 1 khu vực không có quá 20 người tập trung, tiếp tục phun khử khuẩn toàn bộ di tích vào cuối ngày.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố 4 tháng đầu năm đạt 88.275 tỉ đồng, đạt 31,7% dự toán (cùng kì đạt 32% dự toán), bằng 98,4% so với cùng kì. 

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4.329 triệu USD, giảm 4,7% cùng kì. Chỉ số giá tiêu dùng CPI ở Hà Nội bình quân 4 tháng tăng 4,57% (cùng tăng 4,06%).

Đáng chú ý, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận cho 7.165 doanh nghiệp thành lập mới, thực hiện thủ tục giải thể cho 725 doanh nghiệp (tăng 6% so với cùng ), 4.877 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 36% so với cùng ).

Nhiều mục tiêu kinh tế không đạt do tác động của COVID-19

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch trong 4 tháng năm 2020 đã được Thành phố, các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, đặc biệt là trong công tác chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên về góc độ kinh tế, nhiều mục tiêu của Hà Nội không đạt theo kế hoạch, có nhiều biến động. 4 tháng đầu năm tình hình thu, chi ngân sách đều thấp hơn so với cùng kì; kết quả giải ngân, chi thường xuyên cũng thấp hơn... Chủ tịch Hà Nội chỉ rõ nguyên nhân đều do tác động của dịch COVID-19.

Dự báo, về tình hình dịch bệnh, Chủ tịch TP Hà Nội cho rằng dịch bệnh sẽ kéo dài trên thế giới, chưa có tín hiệu dịch bệnh kết thúc trong thời gian ngắn. Vì vậy Thành phố phải xác định công tác chống dịch phải thực hiện trong thời gian dài, đến khi thế giới có vắc xin chống được bệnh.

Ông cho biết thành phố sẽ thắt chặt chi tiêu và quản lí mua sắm hiệu quả và rút kinh nghiệm về tình trạng vật tư y tế thời gian qua mỗi nơi một giá, phải chấn chỉnh lại...Đồng thời cũng lưu ý ngành Giáo dục rà soát để môi trường giáo dục vận hành thuận lợi nhất. 

"Không nên chia giờ học và học sinh không cần đeo tấm chắn giọt bắn; chỉ cần đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn các trang thiết bị", Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Cục quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra giờ hoạt động của các cửa hàng không thiết yếu, sau vi phạm thì phải thu giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng cho phép các cửa hàng Spa, cắt tóc có thể cho mở cửa trở lại và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh...

Trúc Minh