Guinea bị cuốn vào chính biến, chuỗi cung ứng quặng sắt và nhôm toàn cầu có thể hụt nguồn hàng trong nay mai
Cuối tuần trước, một đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ do Đại tá Mamady Doumbouya (41 tuổi) chỉ huy đã thực hiện một cuộc đảo chính tại "cường quốc khoáng sản" Guinea. Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực trong nhiều năm qua, trước đó từng xảy ra ở Mali và Chad.
Đại tá Doubouya tuyên bố, quân đội buộc phải hành động trong bối cảnh tham nhũng tràn lan, vi phạm nhân quyền và quản lý kinh tế yếu kém dưới thời Tổng thống Alpha Conde. Tuy nhiên, động thái này đã bị Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi và cơ quan quản lý khu vực ECOWAS lên án.
Theo nhiều chuyên gia, cuộc đảo chính tại Guinea đang gây cản trở hoạt động khai thác và sản xuất khoáng sản khi đây là ngành cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế đất nước Tây Phi và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quặng sắt
Rặng Simandou dài 110 km của Guinea là nơi có một trong những mỏ quặng sắt chưa được khai thác lớn nhất thế giới. Viện Thống kê Quốc gia Guinea ước tính, Simandou chứa hơn 8,6 tỷ tấn quặng sắt với hàm lượng sắt trung bình là 65%.
Dự án khai phá mỏ Simandou hiện do tập đoàn khai khoáng Rio Tinto Group và ông lớn ngành thép Trung Quốc Baowu Steel Group hậu thuẫn. Trung Quốc coi Simandou là món hời có thể giúp nước này giảm phụ thuộc vào nguồn cung quặng sắt của Brazil và Australia.
Theo CNBC, Simandou nằm sâu trong vùng nội địa phía đông nam của Guinea, cách thủ đô Conakry và bờ biển phía tây một khoảng rất xa. Để đưa nguồn cung quặng sắt ra thị trường thế giới bằng đường biển, nhà khai thác buộc phải chuyển hàng đến bờ biển phía tây.
Ông Andrew Gadd, chuyên gia phân tích ngành thép tại CRU Group, cho hay: "Nhu cầu cơ sở hạ tầng của mỏ Simandou là cực kỳ quy mô, phức tạp và tốn kém, vượt xa chi phí từng được rót vào để xây dựng ngành công nghiệp xuất khẩu quặng bauxit của nước này những năm về trước".
"Cho đến nay, rủi ro địa chính trị là một trong nhiều rào cản gây cản trở tiến độ của mỏ Simandou. Cuộc đảo chính quân sự vừa diễn ra tại Guinea đang làm suy giảm đáng kể triển vọng khai thác tại mỏ quặng sắt này", ông Gadd nhấn mạnh.
Do bất ổn chính trị, tranh chấp về quyền khai thác và lo ngại về chi phí, dự án Simandou đã bị đình trệ khá nhiều kể từ mỏ khi được phát hiện vào những năm 1990, CNBC thông tin thêm.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mỏ Simandou đòi hỏi cơ sở hạ tầng đường sắt và cầu cảng khổng lồ, trong khi Guinea lại là một nước kém phát triển, xếp hạng 160 trong 186 quốc gia về GDP bình quân đầu người.
Ở diễn biến khác, nhà đầu tư cũng khá thận trọng và không muốn rót vốn mạnh tay cho mỏ Simandou trong bối cảnh giá nguyên liệu thô có thể giảm sâu bất cứ lúc nào. Bất chấp những tiến bộ gần đây về công tác chuẩn bị, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định tính khả thi của dự án.
"Việc tìm nguồn tài chính cho Simandou rất khó khăn và cuộc chính biến mới đây sẽ tạo thêm thách thức, khiến các bên quan tâm dự án ngần ngại tham gia", nhà phân tích Gadd cảnh báo.
Quặng bauxit
Ngoài quặng sắt - nguyên liệu chính để luyện thép, Guinea còn có trữ lượng bauxit lớn nhất thế giới và quặng bauxit là thành phần chính để chế biến kim loại nhôm.
Hôm 6/9, trên Sàn Giao dịch Kim loại London, giá nhôm đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong hơn 10 năm do thị trường lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung quặng bauxit trên toàn cầu.
Ông Eric Humphery-Smith, nhà phân tích cấp cao tại công ty đánh giá rủi ro Verisk Maplecroft, bình luận: "Đối với ngành khai thác khoáng sản đang trên đà bùng nổ của Guinea, cuộc đảo chính diễn ra ở thời điểm không thể tồi tệ hơn. Các công ty khai khoáng không có nhiều lựa chọn ngoài đứng im chờ đợi diễn biến cuộc chuyển giao quyền lực…".
"Cuộc chính biến sẽ gây ra sự gián đoạn nguồn cung lớn đối với thị trường bauxit toàn cầu, vì hoạt động khai thác có thể sẽ bị đóng cửa trong nhiều ngày hoặc thậm chí là vài tuần tới", ông Humphery-Smith cảnh báo.
Đáng chú ý, bất kỳ sự đứt đoạn nào cũng kéo giá nguyên liệu thô lên cao hơn, làm tăng chi phí cho ngành nhôm Trung Quốc khi mà các doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung quặng bauxit của Guinea.
Theo Reuters, Điện Kremlin hôm 7/9 cho biết họ hy vọng cuộc đảo chính sẽ không làm tổn hại đến lợi ích kinh doanh của Nga ở Guinea. Gã khổng lồ ngành nhôm của Nga là Rusal đã cam kết sẽ duy trì hoạt động của ba mỏ khai thác bauxit và một nhà máy lọc alumin tại đất nước Tây Phi bất chấp biến động chính trị.