|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Grab, Sea đối mặt với mức tăng trưởng trực tuyến chậm nhất trong nhiều năm

09:47 | 02/11/2023
Chia sẻ
Tăng trưởng chi tiêu kinh tế số của Đông Nam Á được dự báo chậm lại sau nhiều năm bùng nổ, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Co.

Báo cáo mới của Google, Temasek và Bain & Co cho biết nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ đạt tổng giá trị giao dịch 218 tỷ USD trong năm nay, tăng 11% so với một năm trước bất chấp những trở ngại kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Đông Nam Á đã vượt qua những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô toàn cầu với khả năng phục hồi cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Niềm tin của người tiêu dùng đang bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm nay sau khi sự sụt giảm của nửa đầu năm.

Báo cáo cũng tiết lộ doanh thu tại nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm nay, tăng nhanh gấp 1,7 lần tổng giá trị giao dịch của khu vực. Điều này là do các công ty đang chuyển trọng tâm từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang tìm kiếm lợi nhuận.

“Nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á thực sự đang ở giữa một giai đoạn chuyển hướng chưa từng có, hướng tới lợi nhuận", ông Fock Wai Hoong, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại Temasek, cho biết.

 Người giao hàng của Shopee Food chờ lấy hàng tại một cửa hàng trà sữa ở TP HCM. (Ảnh: Thành Vũ).

Báo cáo này cũng lưu ý rằng các công ty kỹ thuật số đang ngừng đốt tiền để thu hút người dùng và tăng cường tương tác với khách hàng hiện tại nhằm hướng sự tập trung vào lợi nhuận. “Các công ty giờ đây nhận ra rằng cách tốt nhất để phát triển không phải là tăng trưởng bằng mọi giá mà là chuyển đổi sang giai đoạn tăng trưởng và hướng tới sự bền vững tài chính", ông Fock.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Co, các nền tảng thương mại điện tử đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút người dùng có giá trị cao, tăng quy mô giao dịch cũng như tìm kiếm các nguồn doanh thu từ dịch vụ quảng cáo và giao hàng để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Tổng giá trị giao dịch của lĩnh vực này ước tính đạt 186 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ mức 139 tỷ USD vào năm 2023.

Tuy nhiên, nền kinh tế internet của Đông Nam Á có thể đối mặt với mức tăng trưởng chậm kỷ lục trong năm nay khi ước tính chi tiêu thương mại điện tử trong ngắn hạn cho khu vực có thể bị cắt giảm xuống 13%.

Tổng chi tiêu trực tuyến sẽ tăng khoảng 11% trong năm nay lên 218 tỷ USD trong khu vực, song tốc độ này chậm lại so với mức 20% của một năm trước đó và đạt mức thấp nhất kể từ năm 2017.Chi tiêu cho lĩnh vực thương mại điện tử dự kiến ​​chỉ đạt 186 tỷ USD vào năm 2025, thay vì 211 tỷ USD mà các nhà quan sát ước tính trước đây.

Người tiêu dùng Đông Nam Á cũng đang hạn chế chi tiêu để đối phó với lạm phát và lãi suất tăng cao. Trong khi, Đông Nam Á hiện tại là chiến trường của các gã khổng lồ toàn cầu như Amazon, Alibaba và nhiều công ty trong khu vực như Grab, Sea - công ty mẹ của Shopee...

Toàn bộ nền kinh tế internet của khu vực hiện đang trên đà đạt giá trị 295 tỷ USD vào năm 2025, giảm so với dự báo trước đó là 330 tỷ USD. Đây là lần thứ hai ước tính được điều chỉnh giảm trong nghiên cứu hàng năm của Google, Temasek và Bain & Co ở các thị trường: Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Bà Sapna Chadha, Phó Chủ tịch Google khu vực Đông Nam Á, cho rằng ngay cả khi ngày càng có nhiều người ở Đông Nam Á lên mạng, phần lớn chi tiêu trong khu vực vẫn đến từ những người tiêu dùng tương đối giàu có hơn ở các thành phố lớn.

Báo cáo cho biết 30% người dùng có giá trị cao hàng đầu chiếm hơn 70% giá trị giao dịch của nền kinh tế kỹ thuật số, báo hiệu các công ty internet đang gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng tiềm năng ở những vùng xa xôi hơn.

Kinh doanh đã khó, nguồn vốn đầu tư cho Đông Nam Á cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm, chậm lại đáng kể so với mức cao ngất ngưởng thời kỳ dịch bệnh.

Các nhà đầu tư trở nên kén chọn hơn và dòng vốn cũng trở nên đắt đỏ hơn. Số lượng giao dịch liên quan đến các công ty công nghệ trong khu vực đã giảm hơn một nửa, xuống còn 564 trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Các quỹ đầu tư trong khu vực đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc mang lại lợi nhuận trong một thị trường đầy thách thức. Theo đó, các quỹ ở Đông Nam Á bắt đầu hoạt động trong vòng 5 đến 7 năm qua đã trả lại trung bình 4% vốn đầu tư cho các nhà đầu tư, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ khoảng 50% ở Trung Quốc và 40% tại Mỹ.

Thùy Trang