|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Google, Microsoft khẩn trương chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vì dịch virus corona

23:49 | 26/02/2020
Chia sẻ
Dự kiến trong năm 2020 sẽ có những chiếc điện thoại Pixel của Google và máy tính Surface của Microsoft được sản xuất tại Việt Nam. Lượng máy được sản xuất ban đầu có thể thấp nhưng sẽ tăng dần trong tương lai.
Google, Microsoft đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc trước tình hình dịch virus corona - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Nikkei Asian Review đưa tin Google và Microsoft đang khẩn trương chuyển việc sản xuất điện thoại, máy tính cá nhân và các thiết bị khác từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á trong bối cảnh diễn biến dịch virus corona đang ngày càng xấu đi.

Các nhà máy ở Việt Nam và Thái Lan được cho là sẽ hưởng lợi từ động thái này.

Google đã chuẩn bị để sản xuất mẫu điện thoại thông minh giá rẻ mới – có tên gọi dự kiến là Pixel 4A – với các đối tác ở miền Bắc Việt Nam ngay trong tháng 4. Ngoài ra, nguồn tin của Nikkei cho biết Google cũng có kế hoạch sản xuất dòng điện thoại thông minh cao cấp mới nhất trực tiếp tại Việt Nam ngay trong nửa cuối năm 2020.

Cả Google và Microsoft đều đang đẩy mạnh lĩnh vực sản phẩm phần cứng cho người tiêu dùng. Đây là một phần của chiến lược khóa chặt người dùng vào hệ sinh thái phần mềm và các dịch vụ đám mây vào hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ. 

Cả hai đều hi vọng rằng chiến lược này sẽ giúp họ có được lợi thế đối với các công nghệ tương lai, ví dụ như trí tuệ nhân tạo.

Google là nhà sản xuất loa thông minh lớn thứ hai nước Mỹ, chỉ sau Amazon. Dù điện thoại Pixel của hãng này chỉ xếp thứ 6 trong thị trường Mỹ, doanh số toàn cầu của nó đã tăng hơn 50% trong năm ngoái.

Google đã nhờ một đối tác sản xuất lâu năm để chuẩn bị các dây chuyền nhằm sản xuất các sản phẩm liên quan đến "nhà thông minh" tại Thái Lan, bao gồm loa thông minh kích hoạt bằng giọng nói như Nest Mini.

Nguồn tin của Nikkei cho biết những sản phẩm đầu tiến dự kiến sẽ sẵn sàng để giao hàng vào nửa đầu năm 2020.

Hai nguồn tin khác nói với Nikkei rằng Microsoft đã lên kế hoạch để bắt đầu sản xuất dòng máy tính Surface tại miền Bắc Việt Nam, nhanh nhất là trong quí II năm nay.

Một giám đốc trong chuỗi cung ứng nói với Nikkei: "Sản lượng ban đầu ở Việt Nam có thể thấp nhưng sẽ dần tăng theo chiều hướng mà Microsoft mong muốn".

Cho đến nay, hầu hết – nếu không muốn nói là tất cả - điện thoại thông minh của Google và máy tính của Microsoft đều được sản xuất ở Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến rất nhiều ngành, đặc biệt là ngành công nghệ phải suy nghĩ lại về rủi ro của việc quá dựa dẫm vào Trung Quốc để sản xuất thiết bị. Dịch virus corona càng làm tăng thêm lo ngại về việc quá tập trung sản xuất tại một nơi.

Một giám đốc trong chuỗi cung ứng cho biết: "Cú đánh bất ngờ từ dịch virus corona chắc chắn sẽ đẩy các nhà sản xuất điện tử đi tìm vị trí mới để đảm bảo năng lực sản xuất, ngoài những cơ sở sản xuất tiết kiệm chi phí nhất ở Trung Quốc. Không ai có thể lờ đi những rủi ro trước tình hình này… Vấn đề không phải là chi phí, mà là về tính liên tục của quản lí chuỗi cung ứng".

Ba giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei rằng so với các hãng công nghệ tập trung vào phần cứng như Apple, HP và Dell, các công ty Internet như Google và Microsoft có khả năng di dời việc sản xuất khỏi Trung Quốc linh hoạt hơn nhiều.

Một nguồn tin của Nikkei nhận định: "Những tay chơi mới trong lĩnh vực phần cứng này đã phần nào đoán trước được khủng hoảng chuỗi cung ứng kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu".

Người này cho biết thêm Google và Microsoft sẽ tiếp tục tiến hành kế hoạch dịch chuyển việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc, kể cả khi thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc đã được kí vào tháng 1/2020. Hơn nữa, "Bùng phát dịch virus corona đã củng cố thêm quyết tâm của họ".

Một nguồn tin cho biết Google thậm chí còn yêu cầu các nhà cung cấp đánh giá độ khả thi và chi phí của việc tháo dỡ và vận chuyển một số thiết bị sản xuất từ Trung Quốc tới Việt Nam, qua đất liền, đường biển hoặc hàng không. 

Yêu cầu này của Google được đưa ra sau khi lo ngại về dịch virus corona khiến cho các nhà máy sản xuất không thể ngay lập tức hoạt động trở lại vào tháng 2. Các nguồn tin cũng cho biết Microsoft đã đẩy nhanh kế hoạch sản xuất tại Việt Nam sớm hơn dự định trước tình hình dịch virus corona lan rộng.

Những nhà quan sát thị trường cũng đánh giá rằng gánh nặng của việc đa dạng hóa các cơ sở sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro của việc tập trung quá mức của Google và Microsoft nhẹ hơn nhiều so với những công ty chuyên về phần cứng như Apple.

Để so sánh, theo dữ liệu từ IDC, Apple bán được gần 200 triệu iPhone trong một năm, trong khi đó Google chỉ tiêu thụ được 7 triệu điện thoại thông minh trong năm 2019.

Doanh số toàn cầu của dòng máy tính Surface của Microsoft chỉ đạt 6 triệu chiếc năm ngoái, chưa bằng một nửa so với 17 triệu chiếc PC của Apple.

Google bắt đầu chuyển dịch một phần việc sản xuất rời khỏi Trung Quốc từ năm ngoái. Trước đây Nikkei đã đưa tin hãng công nghệ khổng lồ này nhờ đối tác chuyển đổi một nhà máy Nokia cũ ở Bắc Ninh để sản xuất điện thoại Pixel.

Nikkei biết được rằng Google đã chấp nhận sản xuất điện thoại thông minh tại một nhà máy khác ở Vĩnh Phúc. Cuối năm ngoái, Google cũng đã bắt đầu sản xuất những sản phẩm cho nhà thông minh như Internet router Nest Wifi tại Việt Nam, đồng thời chuyển việc sản xuất máy chủ trung tâm dữ liệu sang Đài Loan.

Nhưng những cố gắng nhằm đa dạng hóa địa điểm sản xuất của Google và Microsoft đang gặp phải nhiều khó khăn khi những nhà cung cấp điện tử tại Trung Quốc phải chật vật để nối lại hoạt động giữa bùng phát dịch virus corona. Nguyên nhân là vì rất nhiều bộ phận và nguyên liệu cần thiết để hoàn thiện việc lắp ráp vẫn được chế tạo ở quốc gia tỉ dân này.

Ông Joye Yen, nhà phân tích công nghệ tại hãng nghiên cứu IDC nói với Nikkei rằng: "Việc các công ty như Google muốn đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa khỏi Trung Quốc và dịch virus corona là hợp lí, trong bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn còn nhiều điều không thể biết trước".

"Nhưng ngay cả khi quá trình lắp ráp cuối cùng diễn ra ngoài trung Quốc, các nhà cung cấp vẫn cần phải vận chuyển một số linh kiện từ nước này… Đây là vấn đề của hệ sinh thái chuỗi cung ứng, và cần phải có thời gian để tái thiết lại".

Microsoft từ chối đưa ra bình luận còn Google không phản hồi đề nghị xác nhận của Nikkei.

Hồi đầu tháng 2, chính phủ Việt Nam đã cấm nhập cảnh đối với người Trung Quốc và những người đã đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày để hạn chế lây nhiễm virus corona. 

Cục Hàng không Việt Nam đã dừng mọi chuyến bay với Trung Quốc kể từ ngày 1/2, hoạt động vận tải đường sắt giữa hai nước cũng bị ngừng lại. Đây là một thách thức khác đối với những nhà cung cấp muốn vận chuyển linh kiện điện tử đến Việt Nam. 

Samsung đã vận hành chuỗi cung ứng điện thoại thông minh ở miền Bắc Việt Nam trong nhiều năm, nhưng vẫn cần đến một số bộ phận được chế tạo tại Trung Quốc.

Sau khi việc đi lại giữa biên giới Việt Nam và Trung Quốc phải tạm ngừng để ngăn chặn lây nhiễm virus corona, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc này thậm chí còn lên kế hoạch vận chuyển các linh kiện điện tử của điện thoại thông minh từ Trung Quốc tới Việt Nam bằng máy bay.

Giang