Gọi vốn thất bại hơn 200 lần, cô gái gặp may khi tranh thủ giới thiệu sản phẩm trong thang máy
Hai yếu tố thôi thúc Melissa Butler trở thành doanh nhân. Thứ nhất, cô ghét công việc của cô tại Phố Wall, dù mức lương rất cao. Thứ hai, là một phụ nữ da màu, cô không thể tìm ra loại son phù hợp với màu da.
"Khi lớn lên, tôi chưa bao giờ thấy cộng đồng đánh giá những cô gái có ngoại hình như tôi là hấp dẫn", cô thổ lộ với Entrepreneur.
Vì thế, Melissa quyết tâm tạo ra một thương hiệu mỹ phẩm với sứ mệnh cung cấp những thỏi son có nguồn gốc thực vật, không chứa hóa chất độc, có những mầu đậm như tím và xanh lục. Ngày nay, thương hiệu The Lip Bar của cô đã trải qua hành trình kinh doanh 8 năm, nhận khoản vốn đầu tư 2 triệu USD và xuất hiện trên kệ hàng của chuỗi siêu thị Target tại Mỹ.
Tự học, hỏi chuyên gia và thử nghiệm
Cô gái bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng việc đọc các sách về hóa mĩ phẩm. Khi cần thông tin chi tiết, cô liên hệ các chuyên gia.
"Tôi tìm những nhà hóa mĩ phẩm trên mạng xã hội LinkedIn, rồi hỏi họ những vấn đề rất cụ thể chứ không đưa ra những câu hỏi bao quát. Cách đặt câu hỏi của tôi rất cụ thể, để họ có thể trả lời đúng trọng tâm mà tôi cần", cô kể.
Melissa Butler, người sáng lập thương hiệu mỹ phẩm The Lip Bar. Ảnh: scoopnest.com
6.000 USD là số tiền mà Melissa chi để thử nghiệm những công thức son môi trong bếp. Cô làm việc suốt đêm sau khi hoàn thành công việc ở Phố Wall vào ban ngày. Sau đó, cô tạo ra công thức và mẫu bao bì nhưng không thể tìm nhà sản xuất có chi phí phù hợp với khả năng tài chính của cô.
"Các nhà máy ở Mỹ tính phí 1,5 USD cho mỗi thỏi và tôi không có khả năng trả mức giá đó. Vì thế, tôi liên hệ với những người bạn cũ và tìm được một người nhận sản xuất thỏi son cho tôi với giá rẻ hơn", cô kể.
Tăng trưởng
Sau khi chính thức bán son The Lip Bar trên mạng, Melissa chủ yếu tiếp thị bằng hình thức truyền miệng. Khi Urban Outfitters đồng ý phân phối sản phẩm, cô phải ra một quyết định rất nhanh: Tìm một cơ sở sản xuất lớn để tăng sản lượng.
"Hồi ấy tôi vẫn tự đóng gói từng thỏi son trong bếp. Để tìm một nhà sản xuất, tôi tận dụng các hội chợ, triển lãm. Nhưng vì không có tiền để tham gia các triển lãm, tôi chỉ tới khu vực tiếp tân, lấy danh sách những doanh nghiệp dự hội chợ và lần lượt gọi tới từng công ty", cô kể.
Những thỏi son của thương hiệu mỹ phẩm The Lip Bar. Ảnh: glossybox.com
Tìm được nhà sản xuất phù hợp để tăng sản lượng, Melissa đặt ra mục tiêu đưa hàng vào chuỗi siêu thị Target. Một lần nữa, cô lại vào trang LinkedIn để tìm những người mua và nhà bán lẻ. Sau khi gửi e-mail cho 7 người, cô đã chốt đơn hàng thành công với một người.
Gọi vốn thất bại trên Shark Tank và hơn 200 lần khác
Cuộc gặp các nhà đầu tư đầu tiên của Melissa diễn ra trong chương trình Shark Tank - nơi mọi "cá mập" đều từ chối cô với những nhận xét phũ phàng.
"Tôi không buồn vì ngôn từ nặng nề của họ, mà chỉ ngạc nhiên vì họ coi thường mô hình của tôi. Biên lợi nhuận của The Lip Bar rất lớn, nhưng họ không hỏi tôi về nó", Melissa kể.
Mặc dù vậy, sự hiện diện của Melissa trong Shark Tank vẫn có tác dụng lớn. "Đúng ngày son môi của tôi lên kệ trong chuỗi siêu thị Target, chương trình mà tôi tham gia xuất hiện trên kênh truyền hình. Thực sự đó là sự trùng hợp không thể tuyệt vời hơn", cô bình luận.
Bất chấp việc xuất hiện trên Shark Tank và đưa hàng vào hai chuỗi siêu thị, Melissa vẫn không thể nếm mùi thành công sau hơn 200 lần thuyết phục các nhà đầu tư khác rót vốn để cô mở rộng kinh doanh. Nhưng khi cô phát hiện Richelieu Dennis, giám đốc điều hành tập đoàn mỹ phẩm SheaMoisture, trong một triển lãm, vận may đã mỉm cười.
"Khi Dennis bước vào thang máy, tôi bước vào theo, bắt chuyện rồi nhanh chóng nói về sản phẩm. Nhưng Dennis nói ông đã biết tôi và đánh giá cao mô hình của The Lip Bar. Hai bên đạt sự đồng thuận ngay trong thang máy", cô kể.
Trong hai năm tiếp theo, Dennis trở thành cố vấn cho Melissa. Năm 2018, ông rót 2 triệu USD cho The Lip Bar. Hiện tại, ông vẫn là nhà đầu tư duy nhất của cô.