|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gỗ Việt được và mất gì khi vào luồng đỏ?

07:24 | 01/12/2019
Chia sẻ
Yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng gỗ, nhất là từ khâu đầu vào là tiền đề cấp thiết để gỗ Việt thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Việc phải khai báo luồng đỏ khi xuất khẩu sẽ khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ tăng chi phí của doanh nghiệp, chậm trễ trong giao hàng…nhưng nó cũng đảm bảo tính an toàn cho các chuyến hàng của doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan vừa có công văn 5189/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp.

Gỗ Việt được và mất gì khi vào luồng đỏ? - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam theo tháng trong giai đoạn từ 2016 - 2019. (Nguồn: TCHQ, ĐVT: triệu USD)

Doanh nghiệp chân chính băn khoăn

Quy định mới này được áp dụng lên tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ, kể cả những doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lâu năm, có uy tín. Điều này vô hình chung làm tăng chi phí của doanh nghiệp và có thể bị các nhà nhập khẩu Mỹ phạt rất nặng vì chậm thời gian giao hàng.

Theo lãnh đạo một công ty chuyên xuất khẩu gỗ, việc áp dụng quy định luồng đỏ lên xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ, không phải là giải pháp tốt để đạt được cùng lúc 2 mục tiêu: ngăn chặn hàng Trung Quốc đội lốt xuất xứ Việt Nam để xuất sang thị trường Mỹ và loại bỏ khả năng chính phủ Mỹ có thêm căn cứ để áp đặt chính sách thương mại công bằng lên sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Thực tế, Mỹ là một thị trường khó tính, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thể buôn bán được với Mỹ và tồn tại đến hiện nay, đều là những doanh nghiệp có sự minh bạch và uy tín trong kinh doanh, liên tục đổi mới công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn cao về nhập khẩu gỗ của Mỹ và tuân thủ pháp luật của quốc gia này.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), gỗ Trung Quốc không có khả năng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam do chi phí quá lớn, phần lợi nhuận thu lại không thể bù đắp.

Tuy nhiên, ở mặt ngược lại, từ năm 2017 - 2018, Bộ Thương mại Mỹ liên tục mở các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc. 

Theo đó, Mỹ đã áp thuế với chống bán phá giá gỗ với Trung Quốc lên tới 183,36% và thuế chống trợ cấp với sản phẩm này của Trung Quốc là 22,98% - 194,90%.

Bức tường thuế này khiến các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc bất lực trong việc tiếp cận thị trường Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm cách mượn xuất xứ từ các đất nước chưa bị Mỹ áp thuế hoặc áp ở mức thấp.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), chỉ 5 tháng đầu năm 2019, đã có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ, bằng 73% tổng số dự án trong cả năm 2018. Tổng số dự án từ thị trường Trung Quốc chiếm 43%. 

Nhưng, hầu hết các dự án có quy mô không đáng kể, chỉ chiếm 23,5% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký FDI vào ngành gỗ. Thậm chí, có nhà máy sản xuất ván tại Yên Bái có vốn đầu tư đăng ký chỉ 23.000USD.

Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong tháng 10/2019, đạt 4,19 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ tăng thêm 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Do đó, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể đặt câu hỏi về nguồn gốc thực sự của gỗ Việt Nam. Đã không thiếu những mặt hàng của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế bán phá giá đã vòng qua nước thứ 3 qua sơ chế, hoặc không sơ chế, lấy chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào Mỹ nhằm né thuế.

Uy tín cả thị trường

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10/2019 đạt 1,03 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 10 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,55 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ.

Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm 2019, đạt 4,19 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ tăng thêm 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Lý giải sự tăng trưởng trên, các chuyên gia cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc là một yếu tố quan trọng mang lại thuận lợi cho ngành gỗ. Được biết, việc Mỹ áp thuế đối với sản phẩm gỗ từ Trung Quốc khiến giá bán lẻ đồ gỗ nội thất Trung Quốc tại Mỹ tăng. 

Chính vì thế, các hãng bán lẻ Mỹ phải tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia không bị áp mức tăng thuế nhập khẩu như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ...

Thị trường bán lẻ đồ gỗ nội thất Mỹ có qui mô lên đến 114 tỷ USD. Từ khi thương chiến Mỹ - Trung diễn ra đến nay thị phần gỗ của Trung Quốc tại Mỹ giảm 2%, xuống còn 46%, trong khi đó, thị phần của Việt Nam tăng thêm 3,1% lên mức 10,5% và của Indonesia chỉ tăng 0,02%, lên mức 1,65%. 

Có thể thấy, Mỹ đang là thị trường nhiều tiềm năng đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.

Do đó, yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng gỗ, nhất là từ khâu đầu vào là tiền đề cấp thiết để gỗ Việt thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Bùi Phú

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.