Lạc quan với mục tiêu 2019, doanh nghiệp ngành gỗ cần chú trọng duy trì tăng trưởng tại thị trường xuất khẩu
Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản số ra ngày 21/11 của Bộ Công Thương thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10/2019 đạt 1,03 tỉ USD, tăng 22,7% so với tháng 10/2018.
Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 747,4 triệu USD, tăng gần 17% so với tháng 10/2018.
Tính chung 10 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,55 tỉ USD, tăng 18,5% so với cùng kì năm 2018; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỉ USD, tăng 21,3%.
Trong khi đó, cập nhật số liệu mới nhất của Tổng cục hải quan cho biết cộng dồn từ đầu năm đến 15/11, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,99 tỉ USD.
Như vậy, so với con số 8,909 tỉ USD của năm 2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã vượt kỉ lục dù còn đến 1,5 tháng nữa mới kết thúc năm 2019.
Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: NH.
Cũng theo Bộ Công Thương, các thị trường xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực, nhất là tại Mỹ và Nhật Bản.
Cụ thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất trong 10 tháng năm 2019, đạt 4,19 tỉ USD, tăng 34,5%. Tỉ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị Mỹ tăng thêm 5,8 điểm % so với cùng kì năm ngoái.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ hai của Việt Nam, đạt 1,1 tỉ USD, tăng 18,8%.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh là do nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất tăng nhanh tại Nhật Bản trước khi thuế tiêu dùng của Nhật Bản tăng lên 10% từ tháng 10/2019.
Tại triển lãm Quốc tế Nội thất Việt Nam (VIFF 2019) diễn ra từ ngày 27/11 đến 30/11 tại TP HCM, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết 10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh này đã đạt gần 3 tỉ USD.
Dự kiến trong cả năm nay, Bình Dương xuất khẩu khoảng 4 tỉ USD gỗ và sản phẩm gỗ.
Bình Dương hiện là "thủ phủ" của ngành gỗ, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của của cả nước. Các thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt trong những tháng vừa qua.
Theo đó, với hơn 1 tháng còn lại của năm, cùng với sự đóng góp quan trọng của Bình Dương, con số kim ngạch xuất khẩu đạt thêm 2 tỉ sẽ không khó để đạt được và việc hoàn thành mục tiêu 11 tỉ USD của ngành hàng trong năm nay được dự báo trong tầm tay.
Thị trường gỗ và lâm sản Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ảnh: NH.
Tuy nhiên, theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương (BIFA) mặc dù ngành chế biến lâm sản đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu cao, ngành chế biến gỗ và lâm sản là một trong rất ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam.
Hiện, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, sản phẩm gỗ Việt đứng thứ hai châu Á và đứng thứ 5 thế giới.
Tuy nhiên, ngành chế biến lâm sản cũng gặp không ít những khó khăn, tồn tại trong quá trình phát triển như mô hình tăng trưởng chưa tạo được sự phát triển về chiều sâu, nguồn cung nguyên liệu chưa thực sự được bảo đảm, giá thành vật liệu phụ trợ cao, yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ, cùng với đó là các tác động khác từ nền kinh tế…
"Những thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần có sự nhạy bén trước những biến động của thị trường và hoạch định chiến lược phát triển sao cho phù hợp.
Đặc biệt cần chú trọng duy trì và tăng trưởng tại 5 thị trường có giá trị xuất khẩu cao trong những năm qua, gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc đồng thời cũng mở rộng thị phần tại số thị trường tiềm năng khu vực Nam Mỹ, Nga, Australia, Canada, Ấn Độ...", ông Hiệp nhấn mạnh.
Các sản phẩm trưng bày tại VIFF 2019 đa dạng về mẫu mã đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: NH.
Theo đó, VIFF 2019 là một trong những giải pháp hiện thực hóa điều này khi hơn 100 doanh nghiệp đến từ các quốc, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan…sẽ cùng trưng bày các sản phẩm như nội thất phòng ngủ, phòng ăn, kệ bếp, ván sàn, sofa, bàn ghế văn phòng, bàn ghế ngoài trời... tại sự kiện.
"Các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ cùng xúc tiến thương mại, tạo cơ hội để các tổ chức doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường, liên doanh kiên kết, chuyển giao công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời giúp các nhà sản xuất nội thất nâng cao tầm nhìn, thương hiệu của mình ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới", đại diện BIFA nhận định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/