Trị giá gần bằng 1/2 tiềm năng xuất khẩu, thị trường đồ gỗ nội địa Việt vẫn đang bỏ ngỏ
Thị trường đồ gỗ nội địa trị giá khoảng 5 tỉ USD
Theo khảo sát của Cục Chế biến nông lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), thị trường nội địa chiếm khoảng 40% giá trị đồ gỗ.
Trong đó, cơ cấu cho khu vực dân cư thành thị chiếm 30%, khu vực nông thôn chiếm 30% và 40% còn lại thuộc về xây dựng và bất động sản.
Vì vậy, sự phục hồi của thị trường bất động sản được kì vọng sẽ kéo theo nhu cầu mua sắm nội thất cho nhà ở, chung cư của người dân sẽ tăng cao.
Tại buổi giới thiệu thông tin Hội chợ đồ gỗ và Trang trí nội thất Việt Nam (VIFA HOME 2019), ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), cho biết ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã từng bước được định vị, đứng trong top 5 nước chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong 10 tháng năm 2019 đạt khoảng 9,2 tỉ USD, ước tính cả năm 2019 sẽ đạt 11 tỉ USD. Mục tiêu của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam đến năm 2025 là đưa kim ngạch xuất khẩu lên 20 tỉ USD.
Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 20 tỉ USD vào năm 2025. Ảnh: NH.
Không chỉ nổi tiếng về tiềm năng xuất khẩu, thị trường gỗ trong nước hiện nay cũng được đánh giá cao, khá hấp dẫn với giá trị thương mại hơn 4 tỉ USD và nhiều khả năng sẽ đạt 5 tỉ USD trong năm 2019 bởi nhu cầu đang ngày một tăng cao khi mức sống của cư dân đô thị, đặc biệt là những người trẻ, được nâng lên.
"Với dân số gần 100 triệu, qui mô thị trường của Việt Nam tương đương với 5 - 7 nước châu Âu gộp lại.
Kinh tế Việt Nam đang duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, kéo theo đó là sự phát triển của thị trường bất động sản, đặc biệt là các căn hộ khiến nhu cầu tiêu dùng nội thất tăng cao.
Bên cạnh đó, qui mô thị trường tiêu dùng nội thất trong nước ước tính trị giá khoảng 5 tỉ USD, gần bằng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đang là 'miếng bánh ngon' mà nhiều doanh nghiệp nội thất nước ngoài nhắm đến", ông Hạnh chia sẻ.
Tuy nhiên trên thực tế, không ít doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất nội thất của Việt Nam chỉ tập trung cho xuất khẩu mà bỏ ngỏ lượng lớn khách hàng ngay tại sân nhà.
Nổ lực giữ "miếng bánh đắt giá" của chính mình
Vốn là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nhưng sau khi trở về khai thác thị trường nội địa, mức tăng trưởng của Cozy Living trung bình khoảng 30%/năm.
Bà Thái Lê Hương, Quản lí Marketing Công ty Cozy Living, chia sẻ: "Nhu cầu đối với nội thất căn hộ tại Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây do đa phần gia đình trẻ tại các đô thị lớn đều chọn ở trong các chung cư.
Với các căn hộ có diện tích 70 - 80 m2, mỗi gia đình có thể chi tới 300 - 400 triệu đồng cho khâu hoàn thiện nội thất, ngoài ra các sản phẩm nội thất đơn lẻ với nhiều phân khúc giá khác nhau từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng/món đều có doanh số bán hàng tốt".
Đây được xem là tiềm năng lớn đối với những doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh lại thị trường nội địa.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gỗ Liên minh, cũng cho rằng kinh tế phát triển, thu nhập được cải thiện nên người Việt Nam đang bắt đầu chú trọng hơn đến việc đầu tư cho tổ ấm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho nội thất để có không gian sống hoàn hảo nhất.
Chính vì vậy, mục tiêu của ngành chế biến gỗ Việt Nam thời gian tới là không chỉ là tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng xuất khẩu mà còn giữ vững thị phần nội thất trong nước.
Khác với các thị trường xuất khẩu thường chọn sản phẩm sản xuất hàng loạt, người tiêu dùng Việt Nam ưa thích sản phẩm gỗ có phong cách, thiết kế riêng và đó là thế mạnh của các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận ra tiềm năng tiêu thụ nội thất trong nước và chủ động nắm bắt thị trường. Ảnh: NH.
Không chỉ doanh nghiệp, chính các Hiệp hội cũng xác định vai trò quan trọng của mình trong việc trở thành cầu nối tạo sân chơi cho các doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất cập nhật xu hướng thị trường trong nước cũng như tạo điều kiện người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận, sử dụng nhiều sản phẩm nội thất chất lượng.
Cụ thể, Hội chợ Đồ gỗ và Trang trí nội thất Việt Nam năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 28/11 – 1/12 qui tụ 120 doanh nghiệp sản xuất nội thất trong nước, sẽ là cơ hội giao thương lớn và là tín hiệu tốt cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận ra tiềm năng tiêu thụ nội thất trong nước và chủ động nắm bắt thị trường.