|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gỗ Trường Thành lãi ròng 11 tỷ năm 2022, vẫn còn lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ

08:24 | 01/02/2023
Chia sẻ
Tính đến hết năm 2022, TTF vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 3.041 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 của TTF. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) cho thấy doanh thu thuần đạt 502 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp đạt hơn 84 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 13,4% cùng kỳ lên 16,7% quý này. Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 62% về 17 tỷ đồng không được thuyết minh cụ thể.

Trừ đi các chi phí hoạt động, TTF lỗ sau thuế 1,2 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 8,5 tỷ. Theo giải trình, do quý IV chi phí quản lý không phát sinh các khoản dự phòng phải thu khó đòi liên quan đến công nợ các công ty con đã thanh lý trong quý IV/2021. Ngoài ra, tỷ giá biến động cũng đã tác động lên chi phí tài chính khiến công ty chưa có lợi nhuận trong quý cuối năm 2022.

TTF ghi nhận hoàn nhập dự phòng trong quý IV và năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ. (Nguồn: Thuyết minh BCTC quý IV/2022 của TTF).

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của TTF đạt 2.018 tỷ, lợi nhuận sau thuế hơn 6 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 26% và 140% so với năm 2021. Lãi ròng gần 11 tỷ cả năm. Tính đến cuối năm 2022, TTF vẫn còn đang lỗ lũy kế hơn 3.041 tỷ đồng.

Với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 89% chỉ tiêu doanh thu và không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của công ty. 

Trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch Mai Hữu Tín đã hình dung một kịch bản tươi sáng cho TTF khi cho rằng công ty đã qua điểm hòa vốn, từ bây giờ là giai đoạn tăng trưởng. "Nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc của TTF", ông Tín nói. Ngoài ra, vị Chủ tịch cũng công bố tham vọng của mình là giúp cho TTF đạt giá trị thị trường 1 tỷ USD trước năm 2030. 

 Nguồn: BCTC quý IV/2022 của công ty. 

Về tình hình tài chính, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của TTF là 3.046 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ so với đầu năm, chủ yếu do tăng các khoản phải thu ngắn hạn lên 712 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TTF ghi nhận 444 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.

Hàng tồn kho của TTF ở mức 673 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ, trong đó đã bao gồm trích lập dự phòng hơn 140 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho.

Cuối quý IV, TTF đầu tư 357 tỷ đồng vào 5 công ty liên doanh liên kết, trong đó 122 tỷ đồng vào công

ty Natuzzi (tỷ lệ sở hữu 20%) và gần 171 tỷ đồng vào Tekcom (tỷ lệ sở hữu là 20%). Đây là hai đơn vị mà ông Mai Hữu Tín đã hợp tác trong năm 2022, với việc "đứng trên vai người khổng lồ" Natuzzi - thương hiệu đồ nội thất toàn cầu có thâm niên hơn 60 năm và Tekcom - đơn vị dẫn đầu ngành ván plywood tại Việt Nam.

Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của TTF tính đến cuối quý là 216 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm. Năm 2022, khoản tiền này đem về cho TTF hơn 14 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay.

Về cơ cấu nguồn vốn, trong 2.585 tỷ đồng nợ phải trả của TTF, có hơn 1.032 tỷ đồng làngười mua trả tiền trước dài hạn, trong khi đầu năm chưa được ghi nhận.

Tương ứng, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn ghi nhận giảm từ 1.178 tỷ đồng xuống còn 367 tỷ.

TTF chuyển khoản mục từ người mua trả tiền trước ngắn hạn của Vinhomes sang dài hạn. (Nguồn: Thuyết minh BCTC quý IV/2022 của công ty).

Cuối tháng 12/2022, TTF chỉ đi vay gần 35 tỷ đồng, đều từ các ngân hàng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng nợ phải trả của công ty. Chi phí lãi vay TTF phải trả trong năm 2022 gần 86 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu chỉ còn 461 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022 do khoản lỗ lũy kế hơn 3.041 tỷ đồng ăn mòn.

Minh Hằng