Go-ixe và khát vọng lấy lại thị phần Việt
Chàng trai 8X đầy năng động - Hàng Bá Trí - Ảnh nhân vật cung cấp
"Có thể gọi đây là cuộc cạnh tranh khốc liệt bởi các ứng dụng gọi xe công nghệ nước ngoài hầu như đã chiếm lĩnh và phổ biến với người dùng. Tuy nhiên, Go-ixe hiện đã đủ tiềm lực sống còn để chinh phục lấy lại thị trường" – Hàng Bá Trí, người sáng lập dự án Go-ixe nói trên mở đầu cho câu chuyện.
Tuổi Trẻ Online đã trò chuyện với chàng trai đầy khát vọng này.
Made in Viet Nam
Theo anh, người dùng được lợi gì từ ứng dụng này?
Go-ixe là ứng dụng gọi xe công nghệ, được khởi động từ tháng 9-2018 và được biết đến với cái tên khác "made in Vietnam".
Ứng dụng giúp người dùng tìm kiếm, lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp với bản thân. Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp vân tải vừa và nhỏ. Khi sử dụng nền tảng này, Go-ixe vừa tạo ra nguồn khách hàng chung, vừa cho phép các doanh nghiệp có thể quản trị đầu xe một cách hiệu quả.
Cụ thể hơn về các mặt lợi khi sử dụng Go-ixe, giá sử dụng dịch vụ Go-bike là 5.000 đồng cho mỗi chuyến xe dưới 5km tại TP.HCM đối với khách hàng. Không thu chiết khấu trong thời gian đầu chạy thử nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các tài xế.
Cạnh đó, việc Go-ixe ký kết và đưa vào sử dụng phương tiện thanh toán ví điện tử ViettelPay là cách hỗ trợ thuận tiện cho cả tài xế lẫn người dùng. Khi sự cạnh tranh xảy ra, người được lợi nhất chính là người dùng.
Nó có gì khác biệt so với các ứng dụng hiện hành?
Hiện Go-ixe đang được tích hợp trên cả hai hệ điều hành Android và IOS. Bản thân nền tảng công nghệ thì cũng tương đồng về chức năng, không có gì khác nhiều so với các nền tảng của những hãng xe công nghệ nước ngoài hiện nay.
Tuy nhiên, ta phải nhìn nhận, với nguồn lực kinh tế hạn hẹp của các doanh nghiệp Việt nhưng sản phẩm mà ta làm ra vẫn tương đồng hoặc có thể gọi là tốt.
Muốn nói đến sự khác biệt thì ta phải nói đến giá trị để tạo ra nó. Giá trị ở đây là chúng được tạo ra bởi một người Việt, phục vụ không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả doanh nghiệp.
Một số tài xế đối tác của Go-ixe tại một số tỉnh miền Tây - Ảnh nhân vật cung cấp
Khát vọng lấy lại thị trường
Xuất phát muộn, liệu Go-ixe đang gặp bất lợi?
Tính đến nay, hơn 100.000 lượt tải ứng dụng này. Hiện các tài xế Go-ixe cũng đã có mặt và hoạt động ở 9 tỉnh, thành trên cả nước.
Có mặt ở TP.HCM trong 7 tháng qua, Go-ixe đã có hơn 20.000 tài xế đăng ký đối tác, phủ mạnh ở huyện Nhà Bè và các quận 4, 7, 8,… Vì đây là thị trường hấp dẫn và khốc liệt nhất cả nước, song song với việc phát triển dịch vụ Go-bike, trong thời gian gần nhất, Go-ixe sẽ tiếp tục cho "lăn bánh" các dịch vụ như Go-car, Go-taxi.
Go-taxi là dịch vụ kết hợp bằng ứng dụng nền tảng công nghệ Việt kết nối cùng các hãng taxi truyền thống, doanh nghiệp vận tải trong nước. Đây là điểm mới khác biệt mà Go-ixe mong muốn tạo ra.
Mỗi một lần "xuất quân", Go-ixe luôn mang đến những trải nghiệm tiện ích công nghệ cho người dùng. Tuy xuất phát muộn, nhưng Go-ixe đang chứng minh thế mạnh "công nghệ Việt hiểu người Việt" bằng nhiều cách. Và mình không nghĩ Go-ixe đang gặp bất lợi.
Anh có tin về Go-ixe sẽ thành công trong một ngày tới?
Hiện nay, Việt Nam đang có hơn 300 hãng taxi truyền thống nhưng chưa hãng nào có thể áp dụng thành công nền tảng gọi xe bằng công nghệ. Rất nhiều doanh nghiệp không đủ tài chính để có thể viết nên nền tảng. Cạnh đó, một số doanh nghiệp dù đã tạo được nhưng nền tảng riêng này vẫn chưa thể hoạt động hiệu quả.
Sự tiện ích thì luôn được chọn dùng. Thế nên, nếu tất cả 300 hãng doanh nghiệp vận tải này đều sử dụng nền tảng Go-ixe thì câu chuyện quá rõ. Go-ixe sẽ lo về mặt công nghệ và tạo ra một nền tảng chung thống nhất, khách hàng. Còn việc vận hành phương tiện vận tải là việc mà mỗi cá nhân doanh nghiệp vận tải đó tự quản.
Chỉ chừng đó, tôi tin Go-ixe sẽ thành trong việc liên kết doanh nghiệp tải Việt và đánh bại, giành lại thị trường "vốn có" của chúng ta.