Gỗ dán nước ngoài núp bóng xuất xứ Việt
Nhập khẩu gỗ và các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc tăng. Ảnh: Phạm Hùng
Dấu hiệu núp bóng xuất xứ
Hiện nay xuất khẩu gỗ dán vào Mỹ không bắt buộc phải có C/O mà chỉ khi nhà nhập khẩu yêu cầu thì DN nội mới phải tiến hành xin Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) cấp.
Bởi vậy, dù số liệu của cơ quan hải quan và ngành công thương về mặt hàng này rất cao nhưng theo VCCI, năm 2018, cơ quan này chỉ cấp 395 bộ C/O cho gỗ dán đi Mỹ với giá trị hơn 20 triệu USD, tăng 60% so với 2017. Trong 4 tháng đầu 2019, số bộ C/O được cấp ra là 1.037 bộ, trị giá 42,2 triệu USD.
Bộ Công thương cho biết Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN đã có văn bản báo cáo bộ này về việc Mỹ có nghi vấn và tiến hành điều tra các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vi phạm lệnh áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng của Mỹ đối với sản phẩm gỗ dán cứng từ Trung Quốc với sự liên đới của một số DN Việt.
Số liệu của Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN cho biết, tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng này năm 2018 đạt 2 triệu m3, giá trị gần 650 triệu USD, tăng 58,6% về lượng và 76,5% về giá trị so với năm trước đó. Riêng thị trường Mỹ đạt 320.000 m3, tăng gấp 5 lần năm 2017.
Trong khi đó, số liệu hải quan cho thấy năm 2018 cả nước xuất khẩu gỗ dán, gỗ ghép là 667,6 triệu USD, tăng 50% về giá trị so với 2017. Trong đó, thị trường Mỹ tăng 270%, đạt 189,6 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt 286,7 triệu USD, tăng 120% về giá trị so với cùng kỳ 2018 thì Mỹ đạt 46,7 triệu USD, cũng tăng tới 95%.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, nhập khẩu gỗ dán và ván bóc (nguyên liệu làm gỗ dán) cả nước đạt 320,2 triệu USD trong năm 2018, chỉ tăng 22,7% về giá trị so với 2017.
Trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt 72 triệu USD, tăng 33% về giá trị so với cùng kỳ 2018. Đáng nói, trong số này, nhập từ Trung Quốc (năm 2018) đạt 276,8 triệu USD, tăng 31% (về giá trị), chiếm tỷ trọng tới 86,4% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này, so với 80,8% năm 2017.
Nhập từ nước láng giềng 3 tháng đầu năm nay tiếp tục đạt 60,7 triệu USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ 2018, chiếm tỷ trọng 84,3% tổng giá trị nhập khẩu của cả nước.
Điều đáng nói là theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, năm 2018, sản lượng gỗ dán của VN vượt công suất của 36 nhà máy trong nước lên tới hơn 500.000 m3 và hiệp hội đặt ra nghi vấn là do vấn đề thương mại.
Bộ Công thương cho rằng, trong bối cảnh mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và đến nay thuế nhập khẩu đã nâng từ 10 - 25%, đã và đang làm gia tăng nguy cơ gian lận về xuất xứ hàng hóa, có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ dán của VN.
Thậm chí, bộ này nhận thấy có dấu hiệu gian lận thương mại, lợi dụng hoạt động đầu tư để núp bóng nhằm lấy xuất xứ VN đối với mặt hàng gỗ dán.
Sẽ tạm ngừng tái xuất?
Để ngăn chặn tình trạng trên, trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, Bộ Công thương kiến nghị giao bộ này xây dựng và ban hành thông tư quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào VN sau đó tái xuất sang Mỹ.
Ngoài ra, cần có thông tư quy định thương nhân xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ phải đăng ký mã số thương nhân xuất khẩu (theo cơ chế đăng ký, kê khai công suất của các cơ sở sản xuất của chính DN hoặc DN cung ứng hàng).
Đặc biệt, bộ này đề xuất Chính phủ giao Bộ Công thương xây dựng chương trình khai báo tự nguyện thông tin các DN, cơ sở sản xuất gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan quản lý VN cũng như Mỹ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ dán.
Trước đó, tại cuộc họp của Bộ Công thương để triển khai đề án tăng cường quản lý nhà nước chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, thì gỗ cũng là mặt hàng được nhắc tới nhiều nhất về việc cần đưa vào danh sách cảnh báo nguy cơ cao bị trừng phạt thương mại.
Cả lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ lẫn Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Phi đều nhấn mạnh rằng việc một số mặt hàng xuất khẩu của VN vào thị trường Mỹ trong nửa đầu năm tăng trưởng nóng, đặc biệt là gỗ với con số hàng chục phần trăm khiến lo nhiều hơn vui và cảnh báo cần lưu tâm xem trong số đó có thật là hàng VN cả hay có gian lận, lẩn tránh, làm giả C/O để hưởng lợi lớn từ xuất xứ.
Trong khi đó, qua xác minh đối với 6 công ty mà Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN cung cấp (gồm 2 DN ở Hà Nội, 1 DN tại Hưng Yên, 1 DN ở Nam Định, 1 DN ở Lạng Sơn và 1 DN ở Phú Thọ), có 4 công ty trong ngành này đã bị Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan đưa vào luồng đỏ để tăng cường quản lý, kiểm tra chặt thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu.