Giới chức Fed để ngỏ khả năng tiếp tục tung ra các đợt cắt giảm lãi suất lớn
Lãi suất cần giảm "đáng kể"
Hôm 23/9, một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lưu ý mức lãi suất hiện tại vẫn đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và để ngỏ khả năng tiếp tục thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất có quy mô lớn.
Ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, chia sẻ trong một sự kiện hỏi đáp: “Trong 12 tháng tới, chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để đưa lãi suất về mức trung tính nhằm cố gắng duy trì các điều kiện kinh tế giống với hiện nay”.
Lãi suất trung tính là mức lãi suất không kìm hãm hay kích thích nền kinh tế. Lãi suất trung tính không thể được đo lường trực tiếp mà chỉ có thể ước tính.
Ông Goolsbee và các đồng nghiệp đều không nói rõ họ ủng hộ Fed lặp lại đợt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) như như tuần trước hay không.
Thay vào đó, các quan chức khẳng định dữ liệu sẽ định đoạt động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ. Cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra trong hai ngày 6 - 7/11, ngay sau ngày bầu cử tổng thống.
Ông Goolsbee ước tính lãi suất hiện tại của Fed cao hơn “vài trăm điểm cơ bản” so với mức trung tính. Ông nhấn mạnh các điều kiện việc làm và lạm phát đều đang ở ngưỡng thuận lợi, nhưng có thể chuyển hướng xấu đi nếu Fed không hạ lãi suất “đáng kể” trong những tháng tới.
Trong số các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, ông Goolsbee có vẻ là người năng nổ nhất trong việc kêu gọi hạ lãi suất, theo tờ Bloomberg.
Ngoài ông Goolsbee thì hai quan chức khác của Fed là ông Raphael Bostic và ông Neel Kashkari đều lên tiếng vào ngày 23/9 rằng họ ủng hộ quyết định giảm lãi suất 50 bps của Fed vào tuần trước. Lãi suất chính sách của Fed hiện nay nằm trong khoảng 4,75% - 5%.
Ngoài ra, Fed cũng công bố dự báo cho thấy ước tính trung vị của các quan chức về mức lãi suất trung tính dài hạn là 2,9%. Tuy nhiên, các dự báo cũng cho thấy giới chức Fed có quan điểm rất khác nhau về mức lãi suất cuối năm 2025.
Ông Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, cũng đồng tình với ông Goolsbee rằng Fed sẽ cần giảm lãi suất đáng kể để đạt mức trung tính. Tuy nhiên, ông có quan điểm thận trọng hơn về tốc độ hạ lại suất.
Ông Bostic phát biểu tại một sự kiện: “Tôi không biết ai có thể phản bác sự thật là lãi suất hiện nay của Fed cách khá xa mức trung tính”.
Tuy nhiên, ông gạt đi khả năng Fed giảm nhiều hơn 50 bps trong một cuộc họp, chỉ ra sự không chắc chắn xoay quanh lạm phát và việc làm. Ông cũng cảnh báo mọi người không nên giả định Fed sẽ lặp lại động thái tuần trước.
Nhưng ông nói thêm: “Nếu có bằng chứng cho thấy thị trường lao động suy yếu đáng kể trong khoảng một tháng tới thì chắc chắn tôi sẽ thay đổi suy nghĩ về mức độ điều chỉnh chính sách cần thiết”.
Tranh cãi về lãi suất trung tính
Các cuộc tranh luận về mức lãi suất trung tính đã diễn ra trong thời gian khá dài. Đa số nhà kinh tế tin lãi suất trung tính hiện nay cao hơn so với trước đại dịch, bởi COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng nền kinh tế Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, họ không chắc liệu sự thay đổi đó là tạm thời hay vĩnh viễn.
Ông Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, bày tỏ ý kiến về vấn đề đó trong bài luận đăng trên trang web của ngân hàng này hôm 23/9. Ông viết: “Sự bền bỉ của nền kinh tế càng kéo dài, tôi sẽ càng cho rằng sự gia tăng của lãi suất trung tính là hiện tượng mang tính cấu trúc thay vì tạm thời”.
Ông cũng nhận xét lập trường chính sách tiền tệ hiện nay vẫn mang tính “thắt chặt”. Trong cuộc phỏng vấn với CNBC sau khi công bố bài luận, ông Kashakari cho biết ông ủng hộ phương án giảm lãi suất 25 bps tại mỗi cuộc họp còn lại trong năm nay.
Hôm 20/9, Thống đốc Fed Christopher Waller cũng chia sẻ rằng nhiều khả năng ông sẽ ủng hộ giảm lãi suất tổng cộng 50 bps trong hai cuộc họp chính sách tiếp theo, mỗi lần giảm 25 bps.
Tuy nhiên, ông có thể điều chỉnh tốc độ nếu các dữ liệu kinh tế gây ra bất ngờ. Ông nói: “Nếu dữ liệu thị trường lao động xấu đi hoặc dữ liệu lạm phát thực tế thấp hơn dự kiến của mọi người thì bạn có thể thấy chúng tôi giảm lãi suất nhanh hơn phương án trên”.
Tuy nhiên, vị thống đốc cũng lưu ý trong trường hợp áp lực giá cả quay đầu tăng thì Fed có thể sẽ tạm ngừng việc giảm lãi suất.
Lo lắng về thị trường lao động
Ông Goolsbee cảnh báo khi thị trường lao động xấu đi thì các quan chức sẽ không thể cung cấp sự hỗ trợ kịp thời thông qua các đợt cắt giảm lãi suất.
Lịch sử cho thấy các làn sóng sa thải lớn sẽ tạo ra vòng lặp tiêu cực. Doanh nghiệp cắt giảm nhân sự khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, sau đó những công ty khác lại phải sa thải lao động để phản ứng với sự sụt giảm nhu cầu.
Ông Goolsbee nhấn mạnh: “Fed không thể chờ cho đến khi rắc rối xuất hiện rồi mới hành động. Nếu muốn nền kinh tế hạ cánh mềm thì Fed không được phép chậm trễ trong việc giảm lãi suất”.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng từ mức thấp lịch sử 3,4% vào năm ngoái lên 4,2%. Ông Goolsbee nói: “Nếu có điều ước thì chúng tôi rất muốn ‘đóng băng’ tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát ở mức như hiện nay”.